Nông thôn mới

Thụy Ninh: Anh hùng trong kháng chiến, điển hình trong xây dựng Nông thôn mới

Huyền Đức - 07:05 01/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình luôn chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng xã NTM nâng cao. Đến cuối năm 2021, Thụy Ninh xuất sắc cán đích xã NTM nâng cao với 11/11 tiêu chí đạt và vượt (có 9/11 tiêu chí vượt) chỉ tiêu so với quy định; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2020 đạt 50,08 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2014; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế
Lãnh đạo xã Thụy Ninh kiểm tra tuyến đường nông thôn mới ở thôn Đông Mai.

 Nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ để nâng chất các tiêu chí

Ông Đỗ Tiến Sỹ - Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: “Đảng bộ xã xác định xây dựng NTM và NTM nâng cao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ 2020-2025, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã. Mục tiêu của xã là: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. Xây dựng nền sản xuất toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài, đồng thời thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, đặc biệt tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; Môi trường sinh thái được bảo vệ, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc...”

Để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nâng chất các tiêu chí NTM. Trong đó quyết tâm duy trì bền vững 19 tiêu chí NTM, song song với đó là thực hiện 11 tiêu chí NTM nâng cao. Xã tiếp tục tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu được mục đích của xây dựng NTM nâng cao từ đó có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện. Xác định môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong quá trình xây dựng NTM, xã đã tập trung nguồn lực nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, đến nay 100% số hộ có mặt thường xuyên tại xã đã sử dụng nước sạch. Đảng ủy xã giao cho các đoàn thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, đoàn viên phân loại rác, đào hố xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học ngay tại nguồn; xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước; thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng… Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thành lập các tổ thu gom rác thải và làm nòng cốt trong việc thu gom rác thải, trồng, chăm sóc cây hoa, cây bóng mát tạo cảnh quan xóm, làng xanh, sạch, đẹp. Hàng tháng, cứ đến ngày 24, xã tổ chức quét dọn đường giao thông và nơi công cộng; cắt tỉa cây xanh. Thường xuyên tổ chức vớt rác, khơi thông rãnh thoát nước, kênh mương… Xã đã quy hoạch bãi rác với diện tích 1,5ha là nơi tập kết, chôn lấp rác hữu cơ, trung chuyển rác thải rắn đến nơi xử lý tập trung của huyện theo quy định; xây dựng 144 bể môi trường trên cánh đồng để thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, có tổ đội thu gom, phân loại xử lý theo quy định. Ông Vũ Hữu Cấc ở thôn Đoài cho biết: “Trước đây bà con thường có thói quen xả rác bừa bãi ra vườn, ra đường, ra nơi công cộng nhưng hiện nay tất cả các thôn đã có tổ tự quản thu gom rác thải, như ở thôn Đoài hiện có 16 tổ, mỗi tổ phụ trách khoảng 15-17 gia đình. Các thành viên trong tổ thay phiên nhau thu gom rác thải, thường xuyên nhắc nhở các gia đình giữ môi trường thôn, xóm sạch sẽ, hầu hết bà con đã có ý thức trong bảo vệ môi trường, đổ rác đúng quy định. Vì vậy, diện mạo của Thụy Ninh khi đạt NTM nâng cao đã đổi thay rõ rệt, xóm làng sạch, đẹp, phong quang. 

Một góc làng quê Thụy Ninh.

 Là một xã có truyền thống thâm canh cây lúa nên khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, vấn đề được xã quan tâm hàng đầu là xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng. Xã có 20 tuyến giao thông nội đồng với tổng chiều dài hơn 12km đã được bê tông hoá; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kênh mương được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp của xã đã thực hiện 6 loại hình dịch vụ gồm: Dịch vụ thủy nông bảo vệ đồng điền; dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật; dịch vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật; dịch vụ tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm; dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp; dịch vụ tín dụng nội bộ, đã tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất kịp thời cho người dân. Hợp tác xã có vùng sản xuất lúa giống với tổng diện tích là 45ha, hợp đồng với Tổng Công ty Thái Bình Seed liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn là thóc giống được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng cấp I cấp chứng nhận an toàn thực phẩm sản xuất và công nhận vùng sản xuất lúa an toàn; hiệu quả kinh tế gấp 1,5 lần so với cấy lúa thông thường, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, sản lượng bao tiêu hàng năm  đạt khoảng 400 - 450 tấn…. 

 Cùng với đó, các tiêu chí giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao, quốc phòng an ninh được quan tâm, nâng cao nhằm thiết thực phục vụ đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần. Hệ thống đường giao thông liên xã và thôn xóm đã được bê tông hoá tương đối khang trang sạch sẽ; hệ thống thuỷ lợi nhỏ vừa phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân vừa tạo ra cảnh quan đẹp... Hệ thống các trường của xã gồm trường mầm non, trường tiểu học &THCS đều đạt chuẩn Quốc gia mức độ II; đảm bảo cơ sở vật chất có đầy đủ các phòng chức năng, khu luyện tập thể thao, sân chơi, môi trường xanh, sạch, an toàn; Tổ chức ăn bán trú cho tất cả học sinh mầm non và tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3. Thời gian tới xã đầu tư kinh phí khoảng gần 6 tỷ đồng xây dựng hoàn chỉnh cơ sở bán trú cho trường mầm non với hệ thống bếp nấu nồi hơi hiện đại và kho lạnh liên hoàn... Xã có 1 nhà văn hóa; 6 thôn có nhà văn hóa với quy mô, diện tích xây dựng đảm bảo quy định phục vụ tốt các hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và là nơi tổ chức biểu diễn, hội diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. 6/6 thôn có các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, dưỡng sinh hoạt động thường xuyên thu hút đông đảo người dân tham gia góp phần nâng cao sức khỏe, mang lại những giờ phút vui tươi, thư giãn bổ ích. Điển hình như thôn Hệ, thôn Đoài, thôn Gang các nhà văn hóa thôn đã phát huy rất hiệu quả, hàng ngày diễn ra đều đặn các hoạt động luyện tập dưỡng sinh, bóng chuyền, bóng đá, dân vũ thu hút rất nhiều người ở mọi lứa tuổi tham gia. 100% số thôn trong xã  đạt “Thôn văn hóa”; Tỷ lệ người dân  tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,5%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 50,08 triệu đồng/người/năm tăng 1,9 lần so với năm 2014 khi được công nhận xã nông thôn mới; Tỷ lệ hộ nghèo (trừ hộ được bảo trợ xã hội) là 0,41% . 

Tiếp tục nỗ lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, miền quê đáng sống

Trước thành quả của xã NTM nâng cao, cụ Nguyễn Văn Miên ở thôn Vân xúc động bộc bạch: “Tôi năm nay đã 99 tuổi đời, 75 tuổi Đảng. Là một trong những đảng viên đầu tiên của xã rồi đi thoát ly, sau nghỉ hưu về quê sinh sống, được tận mắt chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương. Tôi cũng như bà con trong xã rất phấn khởi, tự hào vì Thụy Ninh là xã giàu truyền thống cách mạng, là xã đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nay lại là xã về đích NTM nâng cao trong nhóm đầu của huyện. Có được điều đó là do người dân Thụy Ninh từ xưa đến giờ luôn tin tưởng, trung thành với cách mạng, với Đảng; các thế hệ lãnh đạo xã luôn gương mẫu, đi sâu, đi sát, trách nhiệm với công việc. Trong những năm kháng chiến cũng như thực hiện công cuộc đổi mới, Thụy Ninh luôn là xã đi đầu trong mọi phong trào của huyện. Đời sống của  người dân từ chỗ khó khăn, gian khổ giờ đã no ấm; đường xá đi lại thuận tiện, nhà cửa khang trang, hàng hóa dịch vụ dồi dào cung ứng đến tận nơi…”

Tập dưỡng sinh ở Nhà Văn hóa thôn Đoài.

Về quá trình xây dựng xã NTM nâng cao, ông Đỗ Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Với sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Thái Thụy, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và với sự chung sức, đồng lòng, đồng thuận của nhân dân, quá trình thực hiện nâng chất các tiêu chí nông thôn mới lên nông thôn mới nâng cao của xã đã diễn ra thuận lợi. Trong đó, nhân dân rất tích cực tham gia và khẳng định vai trò chủ thể, sẵn sàng góp của, góp công, hiến đất, hiến kế… để thực hiện tốt các tiêu chí. Thụy Ninh được UBND tỉnh Thái Bình công nhận xã nông thôn mới nâng cao vào tháng 10/2021. Trong đó, 19/19 các tiêu chí nông thôn mới tiếp tục đạt; 11/11 tiêu chí về nông thôn mới nâng cao đều đạt so với quy định của UBND tỉnh. Trong 11 tiêu chí NTM nâng cao đạt thì có 9 tiêu chí: Giao thông, thuỷ lợi, văn hoá - thể thao, nhà ở dân cư, sản xuất, thu nhập - hộ nghèo, giáo dục, y tế, môi trường là vượt chỉ tiêu theo quy định, đây là những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới mà xã đã hoàn thành vượt chỉ tiêu.

Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc vì vậy thời gian tới, xã xác định đạt chuẩn xã NTM nâng cao không có nghĩa là đã hoàn thành nhiệm vụ, mà phải tiếp tục duy trì, xây dựng NTM bền vững, không ngừng nâng cao để sớm đạt xã NTM kiểu mẫu. Đây chính là mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 45 về xây dựng NTM đề ra. Trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục lãnh đạo đầu tư hoàn thiện và nâng cấp các tiêu chí NTM nâng cao như quy hoạch, giao thông, văn hóa; Tiếp tục rà soát chọn lựa nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, trong đó có sản phẩm “Nếp cái hoa vàng” đã đạt OCOP 4 sao, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Duy trì các hoạt động vệ sinh môi trường, bảo vệ các tuyến đường hoa, tuyến đường cây bóng mát; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao trách nhiệm, huy động sự đóng góp trí tuệ, công sức cũng như vật chất của nhân dân tham gia vào nhiệm vụ duy trì và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn hoá, thực hành tiết kiệm trong việc tang, mở rộng sang việc cưới và các việc khác. Đưa việc thực hành tiết kiệm trong việc tang trở thành tiêu chí cứng để xét đề nghị công nhận Làng Văn hóa; phấn đấu đến năm 2025 các Nhà văn hóa thôn đạt Nhà văn hóa kiểu mẫu; Tiếp tục duy trì các hoạt động thể thao trong quần chúng nhân dân, góp phần tạo dựng đời sống văn hoá thực sự sôi nổi, bổ ích và thiết thực.

Mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra là đến năm 2025 xã đạt xã NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2030: Ngành Nông nghiệp chiếm tỷ trọng 27,1% trong cơ cấu kinh tế, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại chiếm 72,9%; Năng suất lúa bình quân đạt 130 tạ/ha/năm trở lên; Lương thực bình quân đầu người đạt 619 kg/người/năm; Thu nhập bình quân đầu người đạt  62,5 triệu đồng/người/năm; không còn hộ nghèo. 

Để đạt mục tiêu cán đích xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025 theo Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Tiến Sỹ thì xã cần phải quyết liệt hơn trong việc nâng chất các tiêu chí; khó nhất ở giai đoạn này là thực hiện tiêu chí xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu”, vì vậy xã phải tập trung quy hoạch, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Cùng với đó là tiếp tục cải thiện môi trường cảnh quan nông thôn như trồng các dậu hoa mềm ở quanh khu dân cư, quanh tường bao hoặc thay tường bao hộ gia đình; cải thiện đồng bộ hệ thống thắp sáng đường quê… Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, nhân dân triển khai thực hiện các nội dung xây dựng NTM theo hướng chất lượng, bền vững, trong đó tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho nhân dân; Tăng cường huy động nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả, bền vững chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...

Về Thụy Ninh hôm nay, làng quê đã khoác lên mình một diện mạo mới của một vùng nông thôn đổi mới. Những ngôi nhà khang trang, hiện đại; hệ thống giao thông đường làng, ngõ xóm đã sạch, đẹp hơn; tối đến đèn điện sáng trưng; đời sống về vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Từ sự đồng thuận, quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân trong xã, NTM nâng cao thực sự đã hiện hữu ở nơi đây. Kết quả đạt được hôm nay sẽ là tiền đề và là động lực để Thụy Ninh tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và xây dựng quê hương Thụy Ninh giàu, đẹp, văn minh, thực sự là miền quê đáng sống. 

Bốn mươi năm đi khắp muôn phương
Nỗi nhớ quê hương luôn trong tim không dứt! 

“Quê hương”, hai tiếng thân thương luôn gợi nỗi nhớ trong tôi suốt gần 40 năm qua, kể từ ngày tôi rời quê vào đại học và bắt đầu con đường lập nghiệp xa quê. Được đi đến nhiều miền quê của Tổ quốc, càng đi nhiều, tôi càng thấy nhớ và thêm yêu miền quê nơi tôi sinh ra và gắn bó suốt một thời thơ ấu. Quê tôi - xã Thụy Ninh trước đây nghèo lắm, người dân làm lụng vất vả quanh năm vẫn không đủ ăn, kỳ giáp hạt có nhà còn bị đứt bữa. Nay quê tôi đã đổi mới, thay da, đổi thịt và trở thành xã đạt chuẩn “Nông thôn mới nâng cao” sớm của huyện Thái Thụy. 
Điều dễ nhận thấy nhất về sự phát triển của quê hương là hệ thống đường liên xã, liên thôn, trong thôn và đường ra cánh đồng đều được mở rộng, bê tông và nhựa hóa thay thế cho đường đất lầy lội khi xưa. Điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất đầy đủ, trẻ em không phải học dưới ngọn đèn dầu đầy muội như xưa. Các trường học đều được xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia. Rác thải được thu gom, phân loại và xử lý nên môi trường trong xóm, ngoài làng đều sạch sẽ, phong quang. Hệ thống nước sạch được cung cấp đến từng hộ gia đình, điều mà ở một số thị trấn ở đồng bằng sông Hồng chưa làm được. Sự đổi thay không chỉ thể hiện ở diện mạo làng quê, mà còn hiện hữu trong từng gia đình, từng con người. Đó là cuộc sống no đủ về vật chất, đời sống tinh thần phong phú, bình an và hạnh phúc đang đến với mỗi gia đình trên quê hương tôi. 
Đối với tôi và nhiều người sống xa quê, quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra, nơi có gia đình và họ hàng đang sinh sống, mà quê hương chính là nguồn cội, là gốc rễ nuôi dưỡng tâm hồn con người, nâng bước, động viên khích lệ mỗi bước ta đi trong cuộc đời. Xa quê, nhớ quê và càng thêm tự hào về quê hương ngày một đổi mới, một vùng quê thanh bình và đáng sống! 
    Tiến sỹ Vũ Quang Lân – Bí thư Đảng uỷ, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc (quê ở thôn Hệ, xã Thụy Ninh).

Tin cùng chuyên mục
Tin khác