Tiếp tục học hỏi, làm giàu cho gia đình và quê hương
Những ngày cuối năm 2022, tôi có dịp trò chuyện với anh Hoàng Minh Thắng sống tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) về những nỗ lực vượt qua khó khăn của anh trên con đường phát triển kinh tế, làm giàu và kỳ vọng vào sự đổi mới đi lên trong thời gian tới. Không ngần ngại, anh đã chia sẻ những suy nghĩ của mình.
Anh cho biết: “Thời gian đầu khi mới lập nghiệp, tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn vốn để mua sắm cơ sở vật chất, kinh nghiệm còn thiếu, chưa tìm được đầu ra nên tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn; giá cả bấp bênh, có lúc phải chịu lỗ. Sang năm mới 2023, tôi sẽ đầu tư lại một số hồ nuôi tôm để thử nghiệm nuôi tôm ở diện tích nhỏ hơn từ những hồ 2.000m2 xuống còn 500m2 để dễ bề quản lý, nhưng vay vốn từ ngân hàng điểm này lãi suất cao quá nên muốn đầu tư cũng sẽ có phần khó khăn”.
Hải Ninh là xã ven biển bãi ngang, người dân nơi đây chủ yếu làm nghề đánh bắt khai thác hải sản gần bờ; nơi đây có lợi thế về đất nông nghiệp để trồng trọt và mở rộng trang trại. Với lợi thế và tiềm năng sẵn có tại địa phương, từ năm 2017, anh Thắng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng mô hình trang trại VAC, gồm chăn nuôi lợn; gia cầm; nuôi tôm thẻ chân trắng.
Theo anh Thắng kể, thời gian đầu tham gia phát triển kinh tế hộ, anh đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ trực tiếp của Hội Nông dân các cấp, các phòng, ban đã hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ nông dân. Anh đã dần khắc phục những khó khăn.
“Từ năm 2013, nhận thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh trên đất Hải Ninh, gia đình tôi mạnh dạn vay mượn hơn 2 tỷ đồng từ ngân hàng, người thân gia đình và thuê 10.000m2 đất nuôi trồng thủy sản để đào 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Ban đầu thả mỗi ao nuôi khoảng 70 vạn con tôm giống, tổng 4 ao nuôi 280 vạn con giống. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, kiến thức nuôi tôm thẻ chân trắng, được học qua các lớp tập huấn của Hội Nông dân và học hỏi từ bạn bè, với 4 ao nuôi tôm, sau 4 tháng nuôi, tôi đã thu hoạch được gần 30 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm, giá bán 180.000đồng/60 con, trừ khấu hao chi phí tôi lãi ròng gần 3 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, mô hình ổn định và càng nhân rộng thêm” - anh Thắng cho hay.
Năm 2018, anh được cấp 10.000m2 đất nuôi trồng thủy sản để nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát để đào thêm 4 ao nuôi tôm. Với kinh nghiệm có được, anh chia thành 2 vụ nuôi tôm, mỗi ao nuôi thả khoảng 80 vạn con tôm giống, tổng 4 ao nuôi tôm thả 250 vạn con giống, sau 4 tháng nuôi, cho sản lượng thu gần 28 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm, giá bán 180.000 đồng- 195.000đồng/60 con, trừ chi phí anh lãi ròng gần 3,5 tỷ đồng.
Anh Thắng cho biết, hiện tại ngoài chăn nuôi lợn, gia cầm, gia đình anh có 15 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi hồ diện tích rộng 2.000m2. Thời gian tới gia đình anh sẽ có thử nghiệm mới chuyển đổi một số hồ lớn thành hồ nuôi nhỏ hơn để dễ bề quản lý.
Mô hình của gia đình anh đã tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương; anh cũng đã hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm cho nhiều hội viên để áp dụng kinh nghiệm vào chăn nuôi. Ngoài ra, anh đã tham gia đóng góp vào xây dựng nông thôi mới, giúp đỡ các hoàn cảnh vươn lên trong khó khăn góp phần giúp các hộ thoát nghèo.
“Thời gian tới, bản thân sẽ tiếp tục duy trì quy mô sẵn có, không ngừng học hỏi, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất, chăn nuôi gắn với việc bảo vệ môi trường, xây dựng được thương hiệu tôm thẻ chân trắng ở Hải Ninh để góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, anh Thắng nói thêm.