Xã Phúc Thọ: Về đích Nông thôn mới nâng cao nhờ phương châm "4 cùng"
“4 cùng” để đưa xã đạt chuẩn nâng cao
Có thể nói, trong quá trình xây dựng NTM nâng cao xã Phúc Thọ đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của cán bộ đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã. Với phương châm 4 cùng: Cùng bàn luận, cùng xây dựng, cùng cống hiến và cùng đóng góp đã làm nên một diện mạo Phúc Thọ khang trang, đổi thay và hệ thống chính trị vững mạnh.
Phúc Thọ là xã có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế về mọi mặt, xã nằm cách trung tâm huyện Nghi Lộc 17km, cách trung tâm TP Vinh 10km, cách thị xã Cửa Lò 10km, có các tuyến đường quan trọng đi qua như tỉnh lộ 535, Quốc lộ 46C... Đây là một lợi thế mà ít địa phương nào có được trong vấn đề giao thương tạo đà phát triển kinh tế.
Với hệ thống đường giao thông rộng, thông thoáng; nhà văn hóa, trường học được cơi nới, mở rộng... đều nhờ đến sự hi sinh, cống hiến của người dân trên địa bàn xã. Có nhiều hộ hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng hạ tầng. Mỗi người dân trong xã nêu cao tinh thần “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từ đó có những đóng góp to lớn vào sự phát triển, khởi sắc của quê hương...
Điển hình như 4 hộ hiến 2.500m2 làm nhà văn hoá xóm 9, 13 hộ hiến 6.900m2 mở rộng khuôn viên trường THCS và mầm non. Riêng hộ ông Trường Xuân Thắng xóm 7 hiến 650m2…Từ đó cho thấy người dân trên địa bàn cùng đồng lòng vì chương trình xây dựng nông thôn mới của xã. Với phương châm “dân bàn, dân làm” như giai đoạn vừa qua, lộ trình nông thôn mới kiểu mẫu sẽ đến trong tương lai gần với nhân dân Phúc Thọ.
“Xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy tối đa và có hiệu quả nội lực của toàn dân, thực hiện tốt dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ. Xây dựng nông thôn mới nâng cao có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”, ông Nguyễn Bá Tùng – Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Phát triển kinh tế - tiêu chí tạo đà bền vững
Phúc Thọ là xã có nhiều công ty, doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh như: công ty may Halotexco, công ty Minh Thành Trung... góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường... Ngoài ra còn có các ngành nghề dịch vụ thương mại, các ki ốt kinh doanh buôn bán ngày càng được mở rộng thêm với hơn 200ki ốt lớn nhỏ kinh doanh buôn bán cũng đã góp phần rất lớn trong vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Song song với đó, Phúc Thọ đang từng bước đẩy mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc thù “đất chật người đông” và đầu tư sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, điển hình như: Vận động Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xây dựng hệ thống nhà lưới 2.035m2 với công nghệ tiên tiến tại xóm 7, xã Phúc Thọ trồng Dưa lưới IChiba đạt chuẩn OCOP và các loại rau củ quả; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng Mồ Đan từ đất trồng lúa năng suất thấp sang mô hình trồng khoai tây cho giá trị cao hơn với diện tích 5ha.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã tích hợp đa giá trị, mô hình tạo thu nhập cao cho nhiều lao động, có hiệu quả kinh tế so với sản xuất truyền thống, đây cũng là nơi giữ gìn truyền thống văn hóa đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đối với xã ven biển như Phúc Thọ, tạo địa điểm tham quan cho các cháu học sinh trên địa bàn xã, hệ sinh thái nuôi trồng thân thiện với môi trường, không sử dụng các phân bón, vật tư làm hủy hoại, ảnh hưởng đến môi trường sống.
Từ những mô hình đầy triển vọng đó, Phúc Thọ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hình thức sản xuất tiên tiến gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Cụ thể, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững gắn với lợi thế địa phương, nông nghiệp an toàn, hữu cơ, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của xã.
Nhờ đó, năm 2022, nâng tổng thu nhập bình quân đầu người ước đạt 65,05 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 3,93%.
Những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới của các xã trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã góp phần quan trọng vào lộ trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện như: Năm 2022 tăng thêm được 73 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 9,18 tiêu chí; 43,89 nội dung. Trong số 19 tiêu chí, tiêu chí nhà ở dân cư có 28/28 xã đạt, đạt 100%; tiêu chí hộ nghèo có 27/28 xã đạt, chiếm 96,43%; tiêu chí điện 26/28 xã đạt, chiếm 92,86%.