Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc: “Tổ chức Hội Nông dân có vai trò rất quan trọng”
Hưởng ứng Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Vĩnh Phúc tiếp tục có những sáng kiến hay, trở thành một trong 9 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” là một nét độc đáo, sáng tạo mới. Hội Nông dân có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị và người nông dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phóng viên Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoàng Anh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xung quanh các vấn đề trên.
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu”, vậy nét đặc trưng của “Làng Văn hóa kiểu mẫu” ở Vĩnh Phúc là gì, thưa ông?
Vĩnh Phúc đã xác định xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh đến 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” và lấy người dân là chủ thể, trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của “Làng Văn hóa kiểu mẫu”, do cấp có thẩm quyền ban hành: Đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng (28 thôn/làng/tổ dân phố và 2 tuyến phố) và đến năm 2027 hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản như:
Thứ nhất, cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Môi trường sống bền vững, khai thác tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên kết với bên ngoài thuận lợi, phục vụ tốt sản xuất theo hướng hiện đại và đáp ứng nhu cầu dân sinh, từng bước tiệm cận tiêu chuẩn của đô thị.
Thứ ba, môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống. Hệ sinh thái tự nhiên được khôi phục, cải tạo. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được giữ gìn, bảo vệ, tu bổ và phát huy.
Thứ tư, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Người dân được hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo sinh kế, việc làm ổn định tại chỗ, nâng cao thu nhập.
Thứ năm, đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Các dịch vụ tiện ích cơ bản, phúc lợi xã hội được bảo đảm. Gia đình văn hóa, cộng đồng dân cư vững mạnh. Người dân có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
Thứ sáu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.
Khi xây dựng thành công “Làng Văn hóa kiểu mẫu”, bộ mặt nông thôn ở Vĩnh Phúc sẽ không thua kém so với vùng đô thị, thậm chí sẽ trở thành “nơi đáng sống”, lý tưởng cho người dân, đó là một bức tranh đẹp, hoàn mỹ.
Xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vinh dự đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu tháng 9 năm 2023.
Trong thời gian tới Vĩnh Phúc sẽ có thêm sáng kiến gì để tiếp tục đưa “Làng Văn hóa kiểu mẫu” lên một tầm cao mới, thưa ông?
Xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” ở Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, có đột phát trong việc xây dựng các làng, thôn, bản khu dân cư phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; gắn kết chặt chẽ với các tiêu chí “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”. Tuy nhiên, xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” có yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, có yếu tố khác biệt, đặc trưng riêng của tỉnh Vĩnh Phúc, có cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là hiện thực hóa những nội dung theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm chính trị cao, tỉnh Vĩnh Phúc là tỉnh tiên phong trong cả nước về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Trong đó xác định xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” và lấy người dân là chủ thể, trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Vĩnh Phúc xác định xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Yếu tố thành công then chốt trong xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” đó là sự tham gia tích cực, tinh thần chủ động của người dân, bằng cách huy động sức mạnh cộng đồng làng xã, hiệu quả đến từ cách tiếp cận có sự tương tác hai chiều “từ dưới lên và từ trên xuống” xuất phát từ nhu cầu của chính người dân.
Quan điểm xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, với phương châm vừa làm vừa đúc kết bài học kinh nghiệm để triển khai tốt hơn, hiệu quả hơn. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh trong xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” mang tính định hướng, đặt nền móng, tiền đề để tạo động lực, khơi dậy khát vọng làm giàu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân trong tỉnh, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” là chủ trương sáng tạo, đột phá, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh Vĩnh Phúc đối với sự nghiệp văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân
Để đạt được các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, vai trò vị trí của tổ chức Hội Nông dân được đánh giá như thế nào, thưa ông?
Có thể khẳng định tổ chức Hội Nông dân có một vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị và người nông dân có một vai trò đặc biệt trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó đã được khẳng định qua các cuộc kháng chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và trong thời bình, vai trò đó lại tiếp tục được khẳng định, khi Đảng và Nhà nước lựa chọn và xác định người nông dân là chủ thể chính trong xây dựng NTM, cũng như trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hiện nay, Vĩnh Phúc đang triển khai xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu”, thì người nông dân vẫn là chủ thể chính xuyên suốt.
Xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” là chủ trương sáng tạo, đột phá, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh Vĩnh Phúc đối với sự nghiệp văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích ực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí trong xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu”, để mỗi miền quê Vĩnh Phúc đều trở thành nơi đáng sống.
Thưa ông, Hội Nông dân Vĩnh Phúc đã có những hoạt động thiết thực nào để cụ thể hóa những Chương trình nêu trên?
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh nói chung và Hội Nông dân tại các địa phương được chọn xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” nói riêng đã chủ động tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh về xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” đến đông đảo hội viên, nông dân và nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, các cấp Hội trong tỉnh gắn việc xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua như “Xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”...
Để góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu”, thời gian tới, cùng với duy trì 8 mô hình phát triển kinh tế, 196 sản phẩm nông nghiệp trên sàn giao dịch điện tử Postmart và hơn 1.100 bồn chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng, tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội Nông dân tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân giới thiệu, quảng bá ít nhất 100 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề lên sàn giao dịch điện tử Postmart; nhân rộng mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” tại 20 xã, phường, thị trấn. Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức về chủ trương xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu”; thực hiện nghiêm chủ trương, quy định về công tác giải phóng mặt bằng, gương mẫu chấp hành các chính sách bồi thường, tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, khu vui chơi thể thao…
Vĩnh Phúc là tỉnh tiên phong trong cả nước về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Ảnh minh hoạ.
Tỉnh uỷ tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn xây dựng mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương thực hiện xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu”; vận động nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, triển khai các hoạt động dịch vụ du lịch trải nghiệm ở nông thôn; tham gia xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm” theo Chương trình OCOP của tỉnh, góp phần hình thành khu vực, địa điểm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương sản xuất gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời Hội Nông dân cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chí được giao tại các thôn được chọn thí điểm xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu”, góp phần sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu”, thực hiện chủ trương nhất quán của tỉnh: “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”.
Với quan điểm xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, với phương châm vừa làm vừa đúc kết bài học kinh nghiệm để triển khai tốt hơn, hiệu quả hơn. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh trong xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” mang tính định hướng, đặt nền móng, tiền đề để tạo động lực, khơi dậy khát vọng làm giàu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân trong tỉnh, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới, xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Xin cảm ơn ông!
Đến hết năm 2023, Vĩnh Phúc có 120 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân khu vực nông thôn, ước đạt 60 triệu đồng/người/năm…