Hỗ trợ nông dân

Tổ hội nghề nghiệp làm vườn thôn Hạ Tứ: Vừa đẹp cảnh quan vừa cho thu nhập cao

Bùi Ánh - 07:22 07/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hướng tới hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế hộ theo chuỗi giá trị, liên kết các lĩnh vực cùng ngành nghề, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã triển khai các giải pháp cụ thể để xây dựng tổ hội Nông dân nghề nghiệp làm vườn thôn Hạ Tứ, xã Bùi La Nhân nhằm tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Thái Sơn bên vườn rau gia vị cho thu nhập đều mỗi ngày.

Hợp tác để hỗ trợ, đoàn kết phát triển

Cho đến nay, sau thời gian phát động triển khai xây dựng Tổ hội nghề nghiệp làm vườn thôn Hạ Tứ trên địa bàn xã Bùi La Nhân, Hội tiếp tục có những chính sách để cùng đồng hành với các thành viên trong tổ, trước hết ưu tiên cho tổ vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Trong số 36 hộ có 10 hộ tham gia vay vốn với tổng nguồn vốn Quỹ cho vay 300 triệu đồng. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn, các hộ bắt đầu chỉnh trang và mở rộng vườn cũng như cây giống để vừa làm đẹp cho vườn vừa nâng cao thu nhập trên chính những mảnh vườn ngay cạnh nhà.

Ngoài việc giúp các thành viên trong các tổ hội nghề nghiệp được vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, Hội còn tổ chức các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm, tập huấn khoa học kỹ thuật và được cán bộ có chuyên môn đến tận nơi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tận tình về kĩ năng chăm sóc, thu hoạch sao cho đúng, phù hợp để cây, con khỏe mạnh hàng ngày, cho thu nhập đều.

Tổ hội nghề nghiệp làm vườn thôn Hạ Tứ được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản kết hợp nguyên tắc với các tiêu chí “5 cùng”như: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi; Với mục đích đoàn kết, tập hợp các hội viên ND thuộc cùng một lĩnh vực và tập hợp nhu cầu, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của hội viên để phản ánh lên với các cấp có thẩm quyền. Thảo luận và xây dựng kế hoạch về cách thức tổ chức hoạt động, xây dựng mô hình mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp hội viên có công ăn, việc làm, thu nhập ổn định…

Tổ được thành lập năm 2020 với 36 thành viên có nội dung hoạt động rõ ràng, trong đó trọng tâm là phối hợp tổ chức tập huấn, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất theo chuỗi giá trị và đàm phán thỏa thuận tập thể với đối tác khi ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời phải cùng nhau thảo luận, xây dựng kế hoạch về cách thức tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm giúp hội viên có thu nhập ổn định xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững,…
Đánh giá về kết quả xây dựng mô hình này, ông Phan Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bùi La Nhân cho biết: “Kể từ ngày được thành lập đến nay, tổ hội đã tạo sự gắn kết giữa các hội viên có chung lợi ích, có trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nói không với tư tưởng “Rau hai luống, lợn hai chuồng”, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho các thành viên”.

Nhãn

Vừa cho thu nhập vừa đáp ứng tiêu chí vườn mẫu 

Thôn Hạ Tứ xã Bùi La Nhân có 240 hộ, trong đó 130 hộ có diện tích vườn trên 300m2 cho khả năng sản xuất vườn hiệu quả. Sau thời gian thành lập tổ hội nghề nghiệp làm vườn thôn Hạ Tứ không chỉ cho người dân có thu nhập ổn định từ vườn mà còn tạo cảnh quan, môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, vườn mẫu của các thành viên đều có quy hoạch đẹp và có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất tại vườn.

Đơn cử như hộ gia đình ông Nguyễn Thái Sơn (SN 1951), một trong những thành viên của tổ và là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Hiện tại, gia đình ông có nhà màng trồng rau khoảng 500m2 chủ yếu nhập sỉ cho các tiểu thương ở Hồng Lĩnh. Về việc này, ông Sơn rất sành bố trí trồng và thu hoạch các loại rau để nhập. Theo ông, rau trong vườn không phải cánh tiểu thương muốn như thế nào thì hái và nhập cho họ như thế đó mà phải hạn chế về số lượng rau đối với những loại rau trồng được ít hơn để đẩy mặt hàng rau đang đại trà trong vườn, có như thế mới cấp đều mỗi ngày cho tiểu thương. Trồng rau trong nhà màng vừa chống thừa nước về mùa mưa vừa hạn chế bốc hơi nước về mùa nắng nóng đảm bảo độ ẩm cho cây. Hơn nữa, nhờ lớp màng ni lông bảo vệ phía trên mà nước mưa không rơi xuống vườn nên có thể trồng, gieo hạt vào bất kỳ thời điểm nào kể cả mùa mưa to kéo dài.

Nhờ đó, năm 2017 - 2019 ông đã trồng rau thơm kết hợp trồng rau trái vụ như cải, ngò mùi.... cho thu hoạch quanh năm, mỗi ngày thu nhập từ 350 - 500 nghìn đồng, dễ dàng kiếm hơn cả trăm triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Từ năm 2019 - 2022 do điều kiện sức khoẻ nên ông chú trọng trồng rau gia vị làm chủ lực. Xung quanh vườn trồng rau ngót, mướp, bí. Nhờ có nhà màng nên ông thả giống được quanh năm, rau luôn tươi tốt, màu sắc rau bắt mắt, lá rau không xoăn nên đã tạo được đầu ra ổn định.

Qua trao đổi, ông Sơn cho biết: “Hiện tại tôi đang nhổ bớt 1 luống rau tía tô để trồng rau mùi trái vụ. Xét về tính kinh tế nếu để luống rau tía tô này lại sẽ cho thu nhập cao hơn vì bây giờ chỉ việc thu hoạch để bán chứ không mất thời gian chăm sóc chờ đến ngày, còn đối với rau mùi thì mất khoảng 1 tháng để chăm mới có thể hái nhưng nếu xét về quan hệ thì cần phải như thế để tạo sự đa dạng cho vườn rau cũng như phong phú mặt hàng thương lái đến thu mua được ưng ý hơn. Trồng rau gia vị trong nhà màng hạn chế được lượng sâu bệnh rất lớn. Rau vườn không phun thuốc trừ sâu bởi vì trồng trong vườn như thế này nếu phun thì gia đình, cháu nhỏ mình là người hưởng đầu tiên nên rất độc. Bởi thế, mỗi lần xuất hiện sâu thì tôi chỉ cần mở nước cho ngập hết vườn và sâu không chống chịu được với nước liền bò lên ngọn cây rau và như thế chỉ cần 3 lần bắt, mỗi lần 15 phút là bắt sạch sâu trong vườn”.

Với 36 thành viên tham gia, ngoài làm vườn còn kết hợp chăn nuôi để hỗ trợ lấy phân bón cho cây trồng, giảm thiểu chi phí trong sản xuất đã mang lại lợi nhuận không nhỏ mỗi năm. Hiện nay, đều đặn mỗi ngày các hộ đều có thu nhập từ vườn dao động khoảng 300 đến 500 nghìn đồng/ngày. Việc liên kết sản xuất rau tại vườn vừa góp phần hoàn thiện tiêu chí vườn mẫu nông thôn mới vừa mang lại thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác