TP. Hồ Chí Minh hội thảo về đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM; bà Nguyễn Thị Lệ. Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND TP. HCM; ông Nguyễn Phước Lộc, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP. HCM và nhiều vị đại biểu khác.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM cho biết” Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt, là công việc hệ trọng của Đảng, mang tính quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng và sự phát triển bền vững của đất nước.
Thời gian qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được quan tâm, khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng, cụ thể trong một số văn kiện như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VIII; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Đến văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng…”.
Trao đổi tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Hồ Hải đã đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự chuyển biến” và “tự chuyển hóa”. Từ đó, đề xuất một số giải pháp hiệu quả, khả thi trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP. HCM với bài tham luận “Chỉnh đốn Đảng” đã dẫn lại báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng chỉ ra một số biểu hiện của nền kinh tế phát triển chưa bền vững; năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế thấp. Công nghiệp chủ yếu gia công, lắp ráp..., đồng thời, có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo đúng định hướng XHCN.
Trước thực tế đất nước hiện nay, ông Phạm Chánh Trực bày tỏ lo lắng khi doanh nghiệp nhà nước chưa nêu gương chủ đạo dẫn dắt các thành phần kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước hiện chỉ là công ty có chủ là Nhà nước mà chưa mang đầy đủ tính chất tổ chức kinh tế XHCN. Đó là nền sản xuất nhỏ còn phổ biến tiểu nông, tiểu thương, tiểu chủ làm ăn manh mún, riêng lẻ, công nghệ cũ, năng suất thấp. “Một số doanh nghiệp biểu hiện nhóm lợi ích lũng đoạn Nhà nước, là nạn tham nhũng tràn lan từ cơ sở đến cấp trung ương, ngay trong tổ chức Đảng và Nhà nước như hàng loạt các vụ đã bị khởi tố thời gian qua”.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP. HCM nêu ý kiến: Trong giai đoạn hiện nay còn đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động và lợi ích chung. Bên cạnh đó, cần phải chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, vì lợi ích cá nhân mà có hành vi vi phạm những điều lệ đảng viên không được làm; chống tư tưởng cầu an, co thủ không dám nói sự thật để bảo vệ người tốt, việc tốt; tư tưởng không dám đụng chạm sợ mất cơ hội thăng tiến, sợ mất chức, sợ bị “hình sự hóa”. Đây là tư tưởng đang cản trở sự phát triển đi lên của thành phố cần được uốn nắn kịp thời.
Tại hội thảo, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương đã báo cáo tham luận về vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng về đạo đức, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới. Nội dung tham luận dẫn lại nhấn mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hai mấu chốt cần kiểm soát chặt chẽ trong mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức. Trong đó có nêu vấn đề sử dụng đúng quyền lực và xây dựng, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và vấn đề tha hóa quyền lực và suy thoái đạo đức.
Nhiều đại biểu đã tham luận, đóng góp giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó cần thực hiện kiểm điểm, phê bình, tự phê bình từ trung ương làm trước để làm gương, rồi xuống đến các cấp cơ sở, đảng viên. Giải pháp đồng thời là củng cố, kiện toàn chi bộ cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ Đảng và quản lý, kiểm tra đảng viên, lãnh đạo cần thường xuyên bám sát cơ sở, đảng viên sâu sát gần gũi quần chúng lao động, nhất là lao động nghèo.