Cần tạo điều kiện để xuất khẩu sầu riêng cấp đông từ Tây Nguyên
Theo ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, các doanh nghiệp ngành nông nghiệp đang chung sức đầu tư, xây dựng các tiêu chuẩn để lấy giấy phép xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc. Làm được điều này, tỉnh có thể giảm tải phần lớn những lo lắng trước sản lượng sầu riêng thu hoạch sẽ tăng lên trong thời gian tới, đồng thời mở ra cơ hội khác biệt về hàng hóa.
Chuyển hướng để không lệ thuộc!
Ông Côn chia sẻ, sầu riêng và các mặt hàng nông sản xuất khẩu ở Đắk Lắk cần nhanh chóng chuyển hướng, đa dạng hóa sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng, mới có thể thoát sự lệ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu lâu nay. Thực tế cho thấy, phần lớn các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng Đắk Lắk và Tây Nguyên đều là trái tươi đóng gói vào thị trường Trung Quốc. Bất kỳ diễn biến tiêu cực nào từ thị trường này cũng sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu địa phương, thậm chí đúng mùa vụ sẽ làm điêu đứng toàn bộ ngành hàng.
Mặt khác, hướng tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ nhắm vào một thị trường duy nhất sẽ làm hạn chế năng lực canh tác, đa dạng hóa các tiêu chuẩn hàng hóa chất lượng. Đơn cử với sầu riêng, quy cách đóng gói của thị trường Trung Quốc thường là 3 trái/thùng 10 kg; khác với các nước khác như Hàn Quốc là 4 trái/thùng. Cho nên, khi người nông dân canh tác sầu riêng phục vụ thị trường Trung Quốc, nếu bị trở ngại xuất khẩu sẽ không còn biết bán hàng cho ai.
Trong khi đó, sản phẩm sầu riêng đâu chỉ có hàng trái tươi. Thực tế thì Thái Lan đang xuất khẩu sầu riêng bóc múi cấp đông vào Trung Quốc. Quốc gia cạnh tranh này luôn thu hoạch vào mùa hè hàng năm, rất cần mua sầu riêng miền Tây Nam bộ Việt Nam thu hoạch vào mùa xuân, và sầu riêng Tây Nguyên thu hoạch cuối mùa thu. Do đó, đây chính là quốc gia nhập sầu riêng cấp đông cho nông dân Việt Nam; tính riêng mùa sầu riêng vừa qua ở miền Tây Nam bộ, lượng sầu riêng chuyển qua Thái Lan đã chiếm hơn 60% sản lượng. Nên theo chuyên gia kinh tế Vũ Kim Hạnh, nếu có thể đổi hướng xuất khẩu hàng hóa, người nông dân Việt Nam sẽ có nhiều dư địa để làm ăn chủ động hơn.
Cơ hội mở từ sầu riêng cấp đông?
Một số doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng tại Đắk Lắk và Tây Nguyên cho biết, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, có một lượng đơn hàng bóc múi cấp đông sầu riêng được Thái Lan đặt ra với họ. Do đó, khá nhiều đơn vị đã “lặng lẽ đưa quân” về Bình Phước, Bình Dương, hợp tác các kho hàng bỏ trống, tổ chức nhân công bóc múi cấp đông. Nguồn sầu riêng chủ yếu được đưa từ miền Tây lên, và trong thời gian tới sẽ thu hoạch từ vùng Đắk Lắk, Tây Nguyên, nên tính ra sản lượng cung cấp sẽ đều đặn và ổn định.
Ông Vũ Đức Côn nhìn nhận, sự chủ động tìm hướng đi của các doanh nghiệp rất đáng ghi nhận, nhưng hiệu quả đầu tư kinh doanh sẽ tốt hơn nếu ngành nông nghiệp địa phương được phép xuất khẩu nông sản cấp đông sang Trung Quốc và các nước khác. Việc xử lý cấp đông còn giúp sản phẩm được bảo quản chất lượng hơn và thời hạn lâu hơn, tránh được tình trạng sử dụng các hóa chất như trái tươi xuất khẩu. Đồng thời, người nông dân trồng sầu riêng và nông sản sẽ không còn bị lệ thuộc mùa vụ, an tâm canh tác đúng các quy trình, quy chuẩn, đảm bảo sản lượng và chất lượng. Do đó, hiện tại các cấp ngành quản lý địa phương đang vận động các doanh nghiệp cùng hợp tác nghiên cứu các tiêu chuẩn cấp đông nông sản, để đăng ký giấy phép xuất khẩu chính ngạch.
Theo phản ảnh từ các doanh nghiệp, cơ hội xuất khẩu sầu riêng cấp đông như vậy rất đáng quan tâm, nhưng để thực sự nắm bắt, người nông dân và các doanh nghiệp cần được tạo điều kiện và nhận được những chủ trương, chính sách hỗ trợ từ các cấp quản lý.
Cụ thể, cho đến nay khu vực Tây Nguyên vẫn đang rất thiếu các kho hàng tiêu chuẩn để cấp đông, giữ lạnh ổn định, bảo đảm nông sản thu hoạch được lưu giữ chất lượng lâu dài. Bộ Nông nghiệp cần có chủ trương đầu tư các kho bảo quản nông sản này, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hợp lý.
Cạnh đó, vấn đề chuyên chở nông sản cấp đông cần được cải thiện với sự đầu tư những hệ thống xe chuyên dụng, tổ chức logistics chặt chẽ, an toàn… Điều này liên quan đến tốc độ đầu tư các tuyến giao thông vận tải tại các địa phương và phải hình thành được những mạng lưới logistics hiệu quả. Nếu các bộ ngành quan tâm, tạo điều kiện phát triển các dịch vụ logistics chất lượng, an toàn, việc phát triển kinh tế gắn với nông sản mới có thể tăng lên.
Đồng thời, chỉ riêng về sầu riêng, nếu các địa phương chủ động xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia các khu cụm công nghiệp chế biến tập trung và chuyên sâu, cơ hội tăng thêm giá trị hàng hóa xuất khẩu sẽ càng lớn. Thị trường xuất khẩu Việt Nam sẽ đa dạng hóa được sản phẩm chế biến từ nông sản. Người nông dân theo đó, cần được trang bị, đào tạo về kiến thức khoa học, quy trình canh tác mới, học hỏi thay đổi nhận thức về chuỗi cung ứng nông sản giá trị cao, đảm bảo các tiêu chí về mã vùng chuyên canh…
Tất cả những yêu cầu này, sẽ tạo hiệu ứng thay đổi tích cực toàn diện cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ người nông dân tham gia tốt vào chuỗi cung ứng nông sản khu vực và toàn cầu. Vị thế trái sầu riêng và cả các mặt hàng nông sản Việt Nam từ Đắk Lắk, Tây Nguyên chắc chắn sẽ ngày càng củng cố tốt hơn.