Giáo dục - hướng nghiệp

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình giúp nông dân “học đi đôi với hành”

Đặng Dũng - 09:58 30/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Hoà Bình đã tham mưu cho Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các cấp khảo sát nhu cầu học nghề, phối hợp tổ chức 61 lớp nghề về chăn nuôi gia cầm, nấu ăn, thêu, mây tre đan... cho 2.013 hội viên nông dân, chú trọng “học đi đôi với hành”.

Tập trung dạy nghề ngay tại cơ sở nhằm khôi phục nghề truyền thống

Trên cơ sở chương trình công tác năm, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình giao Trung tâm Hỗ trợ nông dân tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo, dạy nghề và hỗ trợ nông dân năm 2022, xây dựng kế hoạch tuyển sinh sát với yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của các cấp Hội, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân và được sự thống nhất, nhất trí bằng văn bản của Huyện ủy, Thành ủy về nội dung đào tạo nghề.

Phối hợp với các cơ sở đào tạo, dạy nghề của tỉnh bố trí các giảng viên có nhiều kinh nghiệm tham gia các lớp nghề; địa điểm tổ chức các lớp nghề được chọn giảng dạy, học tập gắn với các cơ sở sản xuất, trang trại; phương pháp dạy nghề theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, chú trọng thực hành, kỹ năng thao tác nghề, đào tạo hội viên nông dân đến khi làm được nghề mới kết thúc.

Tại các buổi khai giảng, đại diện lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đề nghị Hội Nông dân các huyện, xã phối hợp tổ chức lớp dạy nghề đảm bảo đúng các quy định của nhà nước, sau học nghề tư vấn giới thiệu cho các học viên có việc làm ổn định.

Các lớp dạy nghề được tổ chức trên cơ sở đánh giá nhu cầu của nông dân, tập trung dạy nghề ngay tại cơ sở nhằm khôi phục nghề truyền thống, nghề ngắn hạn đã giúp cho hội viên nông dân có cơ hội tìm kiếm được việc làm, phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương và các hộ gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (thứ 3 từ phải sang) cùng lãnh đạo Tỉnh uỷ, Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng rau sạch tại xã Quyết Chiến (huyện Tân Lạc).

Đầu tháng 10/2022 vừa qua, Trung tâm đã tham mưu, phối hợp tổ chức được 07 lớp đào tạo nghề cho 245 hội viên nông dân với 2 lớp “Kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò” tại huyện Kim Bôi, Lạc Thủy; 2 lớp “Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà” tại huyện Lạc Sơn, Lương Sơn; 1 lớp “ Kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc và phòng trị bệnh cho thủy sản nước ngọt” tại huyện Đà Bắc; 1 lớp “ Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho lợn” tại huyện Tân Lạc; 01 lớp “Kỹ thuật nấu ăn” tại huyện Mai Châu. Tổng kinh phí thực hiện 700 triệu đồng (nguồn ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Tổ chức được 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà cho 285 học viên 95 học viên/01 lớp là hội viên nông dân: xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình; xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn và huyện Yên Thủy.

Các học viên tham gia các lớp học đã được các giảng viên hướng dẫn kỹ thuật về nấu ăn, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, gà, lợn, thuỷ sản… theo phương pháp cầm tay chỉ việc áp dụng vào thực tiễn. Sau khi hoàn thành khóa học,các học viên đạt yêu cầu đã được cấp chứng chỉ nghề.

Nhìn chung, với cách đào tạo nghề và tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật của Trung tâm chú trọng “học đi đôi với hành”, lấy giá trị sản xuất làm kết quả dạy nghề, lấy kết quả thực tế làm kết quả đánh giá học tập đã đạt được hiệu quả: Đúng đối tượng, phù hợp yêu cầu phát triển sản xuất tại địa phương, song hành vừa học lý thuyết vừa thực hành áp dụng ngay thực tế tại hộ sản xuất, cơ sở; người học dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ vận dụng. Các học viên sau khi tập huấn được tiếp cận kiến thức, nâng cao kỹ năng sản xuất, năng suất lao động; cơ bản có việc làm tại chỗ, ổn định đời sống.

Bên cạnh trực tiếp tổ chức đào tạo, tập huấn, Trung tâm đã tích cực tham mưu cho Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các cấp khảo sát nhu cầu học nghề và phối hợp tổ chức 61 lớp nghề về trồng cây ăn quả đặc sản, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gà, gia cầm, nấu ăn, thêu, mây tre đan... cho 2.013 hội viên nông dân. Tổ chức tư vấn, giới thiệu cho 1.925 hội viên nông dân được học nghề có việc làm có thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 68 lớp dạy nghề về chăn nuôi gia cầm, nấu ăn, thêu, mây tre đan... cho 2.258 hội viên nông dân, đồng thời tổ chức tư vấn, giới thiệu cho 1.925 hội viên nông dân được học nghề có việc làm có thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Đồng thời, Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân học tập nâng cao kiến thức hiểu biết xã hội, năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, tiếp cận thị trường và hội nhập; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hội cũng đã phối hợp tổ chức 189 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về kiến thức chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi gà thả vườn, trồng trọt và bảo vệ thực vật, phòng chống bệnh cho trâu, bò, hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao, xử lý rác thải sinh hoạt… cho hơn 12.000 hội viên, nông dân”.

Phối hợp đào tạo, nâng cao năng lực cho thành viên các HTX

Trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã hướng dẫn thành lập các mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp về trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ và du lịch. Toàn tỉnh đã thành lập mới 112 HTX, THT (trong đó 29 HTX gồm 361 thành viên tham gia); 83 THT gồm 782 thành viên tham gia. Thành lập mới 24 chi hội nông dân nghề nghiệp gồm 511 hội viên tham gia; 150 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp gồm 1.092 hội viên tham gia; vận động hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, đăng ký cam kết đảm bảo vệ sinh thực phẩm 114.000 hộ (đạt 100,4% chỉ tiêu giao); hướng dẫn xây dựng 23 sản phẩm OCOP được công nhận, 27 sản phẩm được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 1 lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ HTX và thành viên về kiến thức thị trường cho 30 thành viên; 02 lớp tuyên truyền xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp năm 2022 cho 170 Chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng tổ hội nông dân nghề nghiệp. Thực hiện mô hình “Phát triển chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, theo chuỗi giá trị” năm 2022 tại huyện Lương Sơn, mô hình “Hỗ trợ phát triển cây cà gai leo theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp” tại xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thuỷ.

Song song với công tasv dạy nghề, năm 2021-2022, thực hiện Chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức triển khai phối hợp bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ sản xuất, kinh doanh cho thành viên HTX là hội viên nông dân. Kết quả đã tổ chức được 32 lớp tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh cho các THT, HTX; tổ chức 01 khoá tập huấn về nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX và thành viên về kiến thức thị trường cho 35 thành viên. Hỗ trợ Tổ hợp tác, HTX, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp tiếp cận khoa học, kỹ thuật, dạy nghề, để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình (thứ 2 bên phải) cùng lãnh đạo Hội Nông dân TP. Hoà Bình thăm mô hình trồng bưởi của hộ ông Nguyễn Quang Tuấn, xóm Ao Trạch, xã Mông Hóa, (TP. Hoà Bình).

Năm 2023, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Hoà Bình tiếp thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ: Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm; khảo sát tốt nhu cầu học nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động nông thôn, đánh giá hiệu quả sau học nghề để có những định hướng cho lao động nông thôn; chủ động phối hợp vận động các Công ty, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tỉnh.

Để tăng cường  hỗ trợ nông dân, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục tổ chức các dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất như: Hỗ trợ vay vốn thông qua các ngân hàng thương mại, cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm, tem truy suất nguồn gốc sản phẩm; tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả; hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình để tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ và đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh... nâng cao thu nhập và đời sống; phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo; các trường đại học, cao đẳng tổ chức tuyển sinh đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, hội viên nông dân.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác