Hỗ trợ nông dân

Trường Trung cấp Nông dân: Nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo

Kiều Anh - 16:18 24/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Để nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Trường trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) đã có nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy. Hơn 20 năm qua, đã có gần 10 nghìn học sinh, học viên được đào tạo có tay nghề đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Lớp sơ cấp nghề hướng dẫn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò tại xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Trường Trung cấp Nông dân VN cung cấp

Liên kết, phối hợp mở rộng quy mô trong đào tạo

Trong những năm qua, Trường Trung cấp Nông dân thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ trung cấp và các trình độ thấp hơn cho lao động nông thôn và con em hội viên nông dân, đồng thời hỗ trợ giải quyết việc làm cho nông dân.

Nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy đạt chất lượng, Trường luôn nắm bắt xu thế đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của thị trường lao động. Các giáo trình định kỳ được chỉnh lý, biên soạn bổ sung, cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đồng thời, Nhà trường còn huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia xây dựng chỉnh lý chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn.

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng, Nhà trường đã xây dựng  25 giáo trình trình độ sơ cấp nghề, trong đó đã chỉnh sửa và nghiệm thu 5 chương trình, giáo trình trình độ trung cấp nghề gồm: Nghề chăn nuôi, thú y, trồng cây lương thực, thực phẩm, sửa chữa máy nông nghiệp và cơ điện nông thôn; Các phòng, khoa, bộ môn trong nhà trường tích cực nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong công tác, nâng cao chất lượng hiệu quả giảng dạy, truyền đạt kỹ năng thực hành nghề cho học viên.

Hàng năm, Trường đã phối hợp với UBND, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội của thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Long An và thành phố Đà Nẵng để triển khai tuyển sinh, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân và lao động nông thôn tại các địa phương.

Hiện, Nhà trường đang triển khai công tác tuyên truyền, tuyển sinh khóa 10 (niên khóa 2023-2025) theo quy định. Đồng thời, nhà trường cũng đang đào tạo Khóa 8 (niên khóa 2021 – 2023) với 3 lớp cho 102 học sinh tại thành phố Hà Nội; Khóa 9 (niên khóa 2022 – 2024) với 7 lớp cho 238 học sinh tại thành phố Hà Nội. Nhà trường cũng có nhiều hoạt động phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp nghề, đào tạo thường xuyên cho lao động nông thôn tại các đại phương.

Theo TS. Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cho biết: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện; các chương trình đào tạo nghề được gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Các ngành nghề đào tạo cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động. Phần lớn lao động sau khi đào tạo nghề đã vận dụng vào sản xuất và kinh doanh để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nghèo.

          Để nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Trường trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đã phát triển, mở rộng và phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản để tăng thêm nguồn lực, trao đổi kinh nghiệm đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật và giải quyết việc làm cho nông dân. Nhà trường đã và đang xây dựng Đề án đào tạo nghề cho nông dân đi lao động có thời hạn tại Lào, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây cũng là loại hình đào tạo mà nhà trường đang hướng tới mở rộng quy mô và hợp tác với nhiều nước và các doanh nghiệp để thực hiện tốt cho các năm tiếp theo. Năm 2022, Nhà trường đã phối hợp với Ban Hợp tác quốc tế Trung ương Hội tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác giữa Trường và các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc đưa học sinh đi thực hành nghề. Cũng trong thời gian vừa qua, Trường  đã phối hợp với một số đơn vị đào tạo tiếng Nhật cho hàng ngàn con em nông dân tại các địa phương có nhu cầu đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại Nhật Bản…

Không ngừng đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyển sinh, đổi mới phương pháp giảng dạy, liên kết mở rộng quy mô đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội

Phát huy mọi tiềm năng sẵn có về cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng trên diện tích đất 21.000m2 với công trình gồm: Khu dạy học và hành chính (5 tầng, diện tích 6.600 m2); Khu thực hành (1 tầng, diện tích 1.000 m2); Khối nhà ở KTX học viên, khối nhà ở giáo viên (5 tầng, tổng diện tích sàn là 3.450 m2); Sân vườn và các khu phụ trợ khác, Ban Giám hiệu Nhà trường đã không ngừng đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyển sinh, đổi mới phương pháp giảng dạy, liên kết mở rộng quy mô đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Tuy nhà trường đã đi vào hoạt động được mấy năm nay tại cơ sở mới có địa chỉ ở thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, nhưng nhà trường đang gặp một số trở ngại đó là cơ sở hạ tầng tại khu vực chưa được thành phố Hà Nội, UBND huyện Mê Linh đầu tư nên ảnh hưởng đến các hoạt động tuyển sinh, đào tạo và khai thác cơ sở vật chất của Nhà trường. Bên cạnh đó, các Phân hiệu đóng tại Tuyên Quang, Nghệ An, Đà Nẵng, Long An đang gặp khó khăn về cơ chế chính sách hoạt động, về nguồn nhân lực, kinh phí tu sửa do các Phân hiệu này đang có dấu hiệu xuống cấp.

Một khó khăn nữa là đội ngũ cán bộ, giáo viên, cán bộ công nhân viên, người lao động của trường còn thiếu (tổng số là 26 người), trong đó số lực lượng giáo viên trực tiếp giảng dạy lại ít (có 1 tiến sĩ và 7 thạc sĩ), còn lại là cán bộ quản lý và thực hiện nhiệm vụ đào tạo, hành chính, kế toán và kiêm nhiệm giảng dạy. Vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề cho người lao động.

Tất cả các nguyên nhân trên đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của Trường, mặc dù khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi công việc ngày càng cao, song đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động Nhà trường đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, phát huy trí tuệ tập thể, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong quá trình công tác, nỗ lực phấn đầu hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19, Trường trung cấp Nông dân tại trụ sở chính bị trưng dụng làm nơi cách ly cho hàng ngàn FO điều trị và cách ly, các Phân hiệu nằm ở Tuyên Quang, Long An cũng trở thành điểm trưng dụng làm nơi cách ly và điều trị FO. Thời gian đó hầu hết cán bộ, viên chức và người lao động của Trường tham gia trực tiếp công tác phục vụ phòng chống dịch. Đến tháng 5, tháng 6 năm 2022 Trường mới được bàn giao để trở lại hoạt động giảng dạy.  Năm 2022,  vượt qua mọi khó khăn Trường đã hoàn thành đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, thành tích này là nhờ Trường đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng Đoàn, Thường trực Trung ương Hội Nội dân Việt Nam.

“Để khắc phục khó khăn trên, Nhà trường đang kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà trường theo đề án “Đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hoạt động của Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam” của Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam. Nhà trường cũng có một số kiến nghị, đề xuất  Thường trực Trung Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo, hỗ trợ các thủ tục pháp lý để trình Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội thẩm định, phê duyệt Đề án “Nâng cấp Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam thành Trường Cao đẳng Nông dân Việt Nam” và cấp phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cấp kinh phí dạy nghề cho Nhà Trường và các Phân hiệu giúp Trường hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn...”, TS. Nguyễn Văn Đại cho hay.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác