Vai trò quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Đào tạo nghề góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động
Kết quả trong những năm gần đây, tỷ lệ lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có hiệu quả cao hơn đạt hơn 80% (vượt chỉ tiêu đề ra), có 24,50% số người thuộc hộ nghèo sau khi đào tạo nghề có việc làm và đã thoát nghèo, 4,40% số người sau khi đào tạo nghề đã trở thành hộ khá. Đặc biệt, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trong cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế do một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện và cơ sở chưa chủ động, lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch hay có những giải pháp khả thi, số ít cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa có nhận thức đúng về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Có những chỉ tiêu trong Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra nhưng chưa đạt thể hiện ở giai đoạn 2011-2015, số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 72% mục tiêu đề ra trong Quyết định số 1956/QĐ-TTg; Giai đoạn 2010-2015 số lượng cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng mới đạt 82,56% so với mục tiêu đề ra trong Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Trong thời gian từ năm 2016 đến tháng 9/2017 số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp mới đạt 20,60% mục tiêu đề ra trong Quyết định số 971/QĐ-TTg. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng (Vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đạt hiệu quả thấp nhất). Cơ cấu, trình độ đào tạo bất hợp lý, đa phần các địa phương mới chú trọng đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, cả nước có khoảng 19% lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kĩ thuật. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề thấp; tỷ lệ người học nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo chưa đạt yêu cầu. Nhiều danh mục nghề đào tạo chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới.
Nguyên nhân có thể kể ra một phần do công tác tuyên truyền đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số nơi vẫn còn hạn chế về nội dung và phương thức. Việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua việc ban hành các văn bản của một số bộ, ngành và địa phương chưa đồng bộ, thực hiện kém hiệu quả. Một số chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến nay đã lạc hậu, không phù hợp với thực tế tại các địa phương, chẳng hạn như, kinh phí hỗ trợ chi phí đào tạo nghề áp dụng với nữ không quá 55 tuổi, nam không quá 60 tuổi, trong khi ở các địa phương số người lao động trên 60 tuổi vẫn còn nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng nghề nhưng không được hỗ trợ; theo QĐ số 1956/QĐ-TTg được ban hành từ năm 2009 với mức hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/ngày đến nay là quá thấp và chưa đủ mạnh để khuyến khích người dân học nghề, các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề. Chưa có giải pháp quyết liệt, khả thi để thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa tốt. Chưa có cơ chế, chính sách gắn kết chặt chẽ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Nguồn kinh phí dành cho đào tạo nghề ít, giải ngân chậm, chưa lồng ghép tốt giữa các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho nông dân và nông thôn. Tâm lý ỷ lại cấp trên còn nặng. Xã hội còn quá coi trọng bằng cấp, chưa coi trọng học nghề.
4 nội dung cần tiếp tục thực hiện
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, các cấp các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý nhà nước của các cấp chính quyền trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình tổ chức thực hiện, coi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; Tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch nhằm cụ thể hóa và thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp về công tác này; Kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác giúp việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện Đề án; Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề. Ở những nơi thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hằng năm cấp ủy chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ này, coi đây là một tiêu chí để công nhận tập thể và cá nhân hoàn thành nhiệm vụ.
Hai là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh, đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng đối tượng nhằm thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, làm tốt hơn nữa việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kết quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kịp thời biểu dương gương điển hình trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, gương người tốt, việc tốt, nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt; Tập trung tuyên truyền về quyền và lợi ích của người học, của cá nhân, tập thể khi tham gia vào hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lồng ghép trong công tác tuyên truyền những nội dung hướng nghiệp cho học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục.
Ba là, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt; đổi mới mạnh mẽ các hoạt động phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương chủ động sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Sáu (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; đổi mới công tác quản lý, tăng cường các điều kiện bảo đảm chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; lựa chọn nghề đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm; Khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề; Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ NN&PTNT chú trọng hơn nữa công tác quản lý chất lượng đào tạo nghề; bổ sung danh mục nghề; hoàn thiện chương trình đào tạo nghề hiện có và xây dựng một số chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với từng đối tượng người học, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động để người dân chủ động lựa chọn nghề cần đào tạo; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc gắn đào tạo lý thuyết với thực hành tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sau khi đào tạo nghề người lao động có thể thực hành nghề tốt; Nghiên cứu giải pháp khả thi, thực hiện tốt chính sách thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề, xây dựng lộ trình đến năm 2020 ít nhất phân luồng được 30% học sinh sau trung học cơ sở đi học nghề; nâng dần tỷ lệ học sinh vừa học văn hóa kết hợp với học nghề; chỉ đạo các trường đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp theo hướng phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho học sinh.
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang phát huy hiệu quả tốt nhưng khó huy động nguồn lực xã hội; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thuế, đất đai nhằm khuyến khích các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tích cực hơn nữa vào công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp trong các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là việc phổ biến, tuyên truyền, tư vấn, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện tốt quyền và trách nhiệm khi tham gia công tác đào tạo nghề gắn với thực hiện việc giám sát và kịp thời tập hợp phản ánh kiến nghị của Nhân dân về công tác này để cấp ủy và cơ quan nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp.
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm