Về Cà Mau đắm mình trong hương tràm U Minh hạ
Về Hương Tràm ăn ong, bắt cá đồng
Trong chuyến cùng trải nghiệm, một du khách Nhật trong đoàn đã ngạc nhiên thích thú khi ngồi trên chiếc vỏ lãi di chuyển từ đường tỉnh lộ vào khu du lịch. Càng ngạc nhiên hơn khi biết con kênh mà đoàn đang lướt đi đỏ ngầu nhưng ngọt lịm, màu sắc đặc trưng đó có bởi lá tràm rụng hình thành hàng trăm năm nay. Dòng nước đỏ U Minh đó, đã nuôi nấng bao thế hệ người U Minh đi qua bao cuộc chiến, thăng trầm của lịch sử.
Nằm lọt giữa cánh rừng tràm U Minh Hạ (thuộc tuyến Kênh T27, xã Khánh An, huyện U Minh), Khu du lịch sinh thái Hương Tràm là điểm du lịch sinh thái cộng đồng rộng 27ha, trong đó có 20ha rừng tràm hơn 4 năm tuổi đang trổ hoa bốn mùa thơm ngát. Tuy mới đưa vào hoạt động vài năm nay, nhưng Khu du lịch sinh thái Hương Tràm mỗi năm đón gần 50.000 du khách trong ngoài tỉnh, khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. Chú Tư, một người dân sống gần đó nói: Hồi chưa dịch Covid-19 khách đông lắm chú ơi! Thứ bảy, chủ nhật không đủ chỗ đỗ xe.
Trải nghiệm thực tế tại Khu du lịch sinh thái Hương Tràm sẽ thấy, nơi đây hiện có các mô hình phục vụ du khách: Khu homestay với 6 căn nhà thủy tạ trên ao 4.000m2 phục vụ ẩm thực; các trò chơi dân gian hấp dẫn: Chạy xe đạp, cầu trượt, cầu treo, bơi xuồng ba lá… Dịp lễ, Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần, du khách có thể tham quan và trải nghiệm cuộc sống đồng quê, thưởng thức những món đặc sản của cả hệ sinh thái ngọt vùng U Minh Hạ như: nhộng ong; mắm ong; cá lóc đồng nướng trui; lươn um lá nhàu; cá trê đồng chiên chấm nước mắm gừng; canh chua cá rô đồng nấu trái giác; gỏi bông súng đồng; mắm kho chấm với đọt choại; rắn nước nướng mọi… Thêm vào đó, du khách có thể thưởng thức rượu mật ong tràm tinh khiết, đặc biệt là các loại bánh dân gian: Bánh xèo, bánh lá rau mơ, bánh da lợn, bánh canh...
Có một điều chắc chắn, những du khách ở xa sẽ khó lòng quên được trải nghiệm mình là một nông dân U Minh chính cống. Du khách hóa thân là cậu bé An trong Đất Rừng Phương Nam (Nhà văn Đoàn Giỏi,1925-1989) từ thành thị lần đầu xuống đây, ngồi xuồng máy lắc lư xuyên các con kênh ngắm những cánh rừng tràm nguyên sinh vùng lõi rừng U Minh hạ. Hay “lơ ngơ” đi chụp đìa bắt cá đồng mùa hạn, “lóng ngóng” bắt những chú cá đồng mập ú. Hay hồi hộp đến thót tim khi tự mình tham dự đi dở kèo lấy mật ong thiên nhiên rừng U Minh. Hoặc lạnh cóng dầm mưa bơi xuồng đi thăm lưới dở lờ mùa mưa, rồi mang về xì xụp thưởng thức món lấu mắm U Minh nóng hổi - món ăn được lọt vào top 100 món ăn đặc sản và quà tặng của Việt Nam.
Thành công của mô hình lấy ngắn nuôi dài
Khu du lịch sinh thái Hương Tràm tuy mới hình thành từ năm 2019, nhưng lại đang là điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Với không gian xanh mát, đặc biệt là nằm trong khu vực rừng tràm U Minh Hạ, hứa hẹn sẽ đem tới cho du khách những phút giây nghỉ ngơi thư giãn tuyệt vời nhất.
Anh Hoàng Hôn, chủ nhân khu Hương Tràm cho hay, đây là phần đất rừng của gia đình, chuyên trồng và khai thác tràm. Nhận thấy tiềm năng du lịch rất lớn nên đã xin phép cơ quan chức năng, mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỷ đồng để xây dựng, tuyển chọn huấn luyện nhân viên và đưa vào hoạt động. Với phương châm làm giàu dưới cánh rừng U Minh hạ, khu du lịch của anh được xây dựng dưới tán rừng mà không hề phá bỏ diện tích rừng.
Vừa giữ rừng, vừa nhờ rừng mà thành công khi phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Trong mùa dịch không hoạt động, anh tiếp tục đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng thêm 5 khu homstay gồm 20 phòng nghỉ để đón khách ngoài tỉnh qua đêm. Hy vọng sau dịch sẽ thu hút thêm nhiều du khách. Cái khó của anh là do mới vào hoạt động, nên chưa kết nối được nhiều với nguồn khách ngoài tỉnh và ngoài nước.
Ông Lê Hiếu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: Thành công lớn nhất của khu du lịch sinh thái Hương Tràm đó là dựa vào rừng để phát triển du lịch nhưng chi phí đầu tư ban đầu không cao. Sau đó từ nguồn thu kinh doanh đã lấy ngắn nuôi dài, tái đầu tư xây dựng cơ bản. Đây là phương án chậm mà chắc, không cần tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Phù hợp với năng lực kinh tế và trình độ quản lý của người dân. Hương Tràm đã tạo ra các sản phẩm du lịch từ nguồn tài nguyên sản vật vốn có của địa phương nhưng lại đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm thực tế với thiên nhiên của du khách.
“Hiện huyện U Minh, Trần Văn Thời đang có nhiều điểm tương tự nhân rộng mô hình của Hương Tràm để phát triển du lịch dưới tán rừng, tuy nhiên các sản phẩm du lịch sẽ khác và đa dạng hơn để thu hút du khách. Đây cũng là một chiến lược phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của tỉnh Cà Mau và các huyện có hệ sinh thái ngọt sau dịch Covid-19”, ông Hùng cho biết thêm.