Vịt Cổ Lũng – con đặc sản thu hàng trăm triệu ở vùng quê nghèo
Ở một số vùng quê ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa) có giống vịt Cổ Lũng là đặc sản nổi tiếng. Tuy vậy, người dân chỉ nuôi nhỏ lẻ, thả cho ăn rong rêu trong những con suối. Tuy nhiên có những thanh niên đã nhìn ra cơ hội to lớn từ con đặc sản quê hương. Từ một ý tưởng khởi nghiệp đã góp phần bảo tồn giống vịt đặc sản và mở ra cơ hội làm giàu cho người dân địa phương.
Gác bằng Cao đẳng về quê nuôi vịt
Năm 2005, anh Hà Văn Sinh (trú tại bản La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) tốt nghiệp Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa. Loay hoay nhiều năm tìm việc ở khắp nơi nhưng tấm bằng cao đẳng vẫn không giúp anh có được công việc ổn định.
Trong một lần dẫn khách về quê trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng, anh Sinh nhận được phản hồi của khách về món vịt Cổ Lũng ngon đặc biệt. Từ lời khen ấy, anh nảy ra ý định khởi nghiệp bằng cách về quê nuôi vịt Cổ Lũng.
Ở mảnh đất miền núi như quê anh, người có được tấm bằng cao đẳng là mơ ước. Bởi thế khi biết anh quyết định trở về quê lập nghiệp bằng nghề chăn vịt, bố mẹ, người thân đều ngăn cản nhưng anh vẫn quyết tâm với lựa chọn của mình. Những ngày đầu, anh phải đến các nhà dân trong bản tìm đúng loài vịt Cổ Lũng thuần chủng, chưa bị lai tạp, sau đó về chăn nuôi sinh sản, nhân đàn.
Loại vịt này được người dưới xuôi xem là đặc sản, giá đắt gấp 3 – 4 lần các loại vịt khác. Sau lứa nuôi đầu tiên, anh Sinh tiếp tục lựa chọn những con giống khỏe mạnh nhất với 50 con vịt mẹ và 15 con vịt bố, cho đẻ rồi ấp nhân giống, số còn lại thì đem bán thịt.
Đàn vịt của anh Sinh cứ thế tăng dần lên, từ hàng trăm đến hơn nghìn con. Những lứa vịt thương phẩm đầu tiên xuất chuồng, thương lái mua hết với giá 170.000 – 190.000 đồng/con. Để đảm bảo lúc nào cũng có hàng xuất bán, anh Sinh nuôi gối lứa, mỗi năm cũng nuôi được 5 – 6 lứa, trừ hết chi phí, anh Sinh cũng bỏ túi hơn 100 triệu đồng/năm.
Ngoài việc chăn thả vịt tự nhiên trên suối, anh Sinh còn thuê nhân công đào 3 vuông ao, dùng guồng để dẫn nước suối lên các ao. Dưới tán cây rừng, anh xây những chuồng nuôi kiên cố, chia thành các ô lớn nhỏ để nuôi vịt thịt, vịt đẻ trứng, vịt giống.
Ở xã Cổ Lũng không chỉ anh Sinh “gác bằng” về quê khởi nghiệp bằng nghề nuôi vịt mà còn có anh Lục Văn Nam ở bản Khuyn. Sau 5 năm gắn bó với nghề nuôi vịt Cổ Lũng, anh Nam cũng đã sở hữu một trang trại vịt lên đến hàng nghìn con, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Anh Nam cho biết, ban đầu cũng chỉ khởi nghiệp bằng 40 triệu đồng tiền vốn từ vay người thân rồi ra bờ suối cạnh nhà dựng lều trại, quây lưới. Từ 50 vịt bố mẹ, sau nhiều năm phát triển, hiện anh Nam sở hữu cho riêng một đàn vịt hơn 1.000 con. Mỗi ngày anh xuất đi các nhà hàng, khu du lịch từ 20 – 30 con.
Vật nuôi chủ lực giúp nông dân làm giàu
Từ một giống vịt có nguy cơ bị lai tạp thất truyền, nhờ nỗ lực chọn lọc và bảo tồn đến nay đã nhân rộng thành vật nuôi phổ biến ở huyện Bá Thước. Để khuyến khích dân bản nuôi vịt Cổ Lũng, năm 2017, anh Hà Văn Sinh thành lập Hợp tác xã Phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng với 12 thành viên, nuôi 2.000-2.500 con vịt Cổ Lũng theo quy trình nghiêm ngặt từ sản xuất giống, chọn giống, bố trí, vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn đến cách tiêm phòng, trị bệnh…
Những năm gần đây, du lịch ở Pù Luông phát triển mạnh mẽ, nhiều resort, nhà hàng, khu du lịch cộng đồng được thành lập thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Nhờ đó, vịt nuôi đến đâu bán hết đến đó, thương lái đến tận nhà thu mua. Giá vịt thịt bán ra thị trường tương đối ổn định với giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi từ 50-60%.
Hiện thu nhập của mỗi thành viên trong hợp tác xã trung bình đạt từ 100 – 150 triệu đồng mỗi năm. Từ đó, không chỉ các hộ dân ở xã Cổ Lũng mà các xã lân cận như Lũng Niêm, Thành Sơn, Thành Lâm cũng đến đây để mua giống vịt Cổ Lũng về chăn nuôi, phát triển kinh tế.
“Hiện vịt Cổ Lũng của Hợp tác xã Phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng đang cung cấp cho các nhà hàng, các khu du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước và thành phố Thanh Hóa. Mong muốn thời gian tới, sản phẩm vịt Cổ Lũng không chỉ là thương hiệu của Bá Thước, mà của cả tỉnh Thanh Hóa, vươn ra được thị trường trong cả nước”, anh Hà Văn Sinh cho biết thêm.
Nhằm bảo tồn giống vịt Cổ Lũng và phát triển kinh tế cho nhân dân, thời gian qua, UBND huyện Bá Thước đã thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt”. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, có các cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các hộ chăn nuôi trên địa bàn tích cực nhân giống phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi vịt Cổ Lũng.
Dự án đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt theo hướng an toàn sinh học. Hiện các mô hình này đã được nhân rộng ra toàn huyện, giúp nhân dân mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Bùi Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: “Vịt Cổ Lũng được xác định là con nuôi có lợi thế trên địa bàn xã nói riêng và các xã lân cận nói chung. Trên địa bàn xã có khoảng 500 hộ nuôi vịt. Trong đó có 25 hộ tham gia Hợp tác xã Chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo giống vịt Cổ Lũng nhanh lớn, thịt có chất lượng thơm ngon, ít dịch bệnh.
Để gìn giữ giá trị của vịt Cổ Lũng, tháng 11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đã ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00090 cho vịt Cổ Lũng – Bá Thước. Khu vực địa lý, gồm xã Ban Công, xã Thành Lâm, xã Thành Sơn, xã Lũng Niêm và xã Lũng Cao thuộc huyện Bá Thước.
Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Quốc Thành, vịt Mường Khòong có xuất xứ ở địa bàn các xã Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Sơn, Thành Lâm của huyện Bá Thước. Giống vịt này chỉ ăn lúa và cua ốc, rong rêu bên suối, thịt chắc, ngọt và có vị thơm riêng biệt, ngon nức tiếng. Loại vịt này được người dưới xuôi xem là đặc sản, giá đắt gấp 3 – 4 lần các loại vịt khác.
Bình Minh
- TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức Hội thi “Nông dân với pháp luật” năm 2024
- Hội Nông dân huyện Trực Ninh ra mắt 03 Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”
- Hội Nông dân huyện Vũ Quang tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
- Cà Mau: Gần 100 ngàn hội viên hộ nông dân ký cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm