VRG: Tập trung đầu tư phát triển khu công nghiệp và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Theo VRG, tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 chưa thuận lợi, trong lĩnh vực công nghiệp cao su do sản phẩm găng tay y tế nhu cầu tiêu thụ, giá bán giảm nên lợi nhuận thấp; sản phẩm gỗ thiếu nguyên liệu, giá nguyên nhiên liệu tăng nhưng giá bán đầu năm 2022 không tăng; các khu công nghiệp chưa hoàn tất được thủ tục để tăng quỹ đất cho thuê.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác mủ của VRG đạt 171.300 tấn, thu mua ước đạt 41.000 tấn, tiêu thụ 220.600 tấn. Doanh thu toàn VRG đạt 11.823 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.923 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.282 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2021.
Thu nhập bình quân toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 7 triệu đồng/người/tháng, tiền lương bình quân của người lao động ở Công ty mẹ – Tập đoàn là 18,7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, VRG đã phê duyệt kinh phí an toàn vệ sinh lao động cho 66 đơn vị thành viên với tổng chi phí hơn 313 tỉ đồng, chi đào tạo tập huấn ngắn hạn cho 63 đơn vị với tổng kinh phí hơn 17,3 tỉ đồng.
Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc VRG chia sẻ: Dù các tháng cuối năm dự báo còn nhiều khó khăn như giá bán cao su thấp hơn cùng kỳ 2021, ngành gỗ thiếu nguyên liệu, mảng công nghiệp cao su tăng trưởng âm… nhưng Tập đoàn quyết tâm khai thác tối đa các nguồn lực nhằm bảo đảm Tập đoàn có tăng trưởng trong năm nay.
Cụ thể, mục tiêu tổng doanh thu là 29.707 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.480 tỷ đồng, tăng lần lượt là 4,8% và 4,3% so với năm 2021. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, VRG tiếp tục kiến nghị đưa sản phẩm gỗ và củi cao su thành hàng hóa như mủ cao su thay vì xem như tài sản cố định phải bị ràng buộc bởi đấu giá.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Hữu Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: VRG là 1 trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban, thành công của VRG là thành công của Ủy ban. Do đó, đề nghị, VRG đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm và phân tích, đánh giá nguyên nhân khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2022
Ngoài ra, VRG cần khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan hoàn thiện về quy định của pháp luật liên quan đến xác định thu nhập từ thanh lý gỗ cao su là thu nhập chính, tháo gỡ khó khăn trong công tác hạch toán gỗ, củi cao su.
Theo Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, khái niệm thanh lý cao su được điều chỉnh là thu hoạch gỗ cao su. Thời điểm thu hoạch gỗ cao su không lệ thuộc quá nhiều vào thời gian thu hoạch mủ như hiện nay mà có thể ứng xử linh hoạt để có hiệu quả cao nhất. Nếu giá mủ thấp sẽ khai thác gỗ sớm, ngược lại nếu giá mủ cao sẽ kéo dài thời gian thu hoạch mủ.
Theo ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT VRG cho biết: Các đơn vị cần triển khai thực hiện các giải pháp được VRG định hướng. Cả hệ thống chính trị toàn VRG tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện hoàn thành nội dung, chủ trương, kế hoạch trọng tâm đã được thông qua.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư và kinh doanh ở 5 lĩnh vực chính có lợi thế, trong đó tập trung đầu tư phát triển khu công nghiệp và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Định hướng và xây dựng Tập đoàn có sự phát triển qua các năm, bền vững và lâu dài, VRG phải đứng đầu về hiệu quả, quy mô diện tích vườn cây, khẳng định thương hiệu sản phẩm VRG là thương hiệu mạnh trên thế giới.