Xã đảo Tân Hiệp đón nhận danh hiệu "Nông thôn mới nâng cao"
Một góc Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ảnh tư liệu: TTXVN
Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, bà Phạm Thị Mỹ Hương cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Tân Hiệp là một trong hai xã của thành phố Hội An đăng ký phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Với những nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Tân Hiệp đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 và nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Để xây dựng nông thôn mới, xã đảo Tân Hiệp đã huy động được nguồn vốn gần 444 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất và du lịch. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn và hạ tầng du lịch xã đảo không ngừng thay đổi, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách và góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Bằng nhiều hình thức vận động hỗ trợ sinh kế cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn từ năm 2015, đến nay, xã đảo Tân Hiệp không còn hộ nghèo, mức thu nhập đạt gần 47 triệu đồng/người/năm.
Toàn xã có 611/611 hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm; sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt tỷ lệ 100%; 100% hộ gia đình thực hiện dịch vụ thu gom rác thải; 100% hộ chăn nuôi có chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.
Năm 2021, địa phương được UBND thành phố Hội An công nhận đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” theo quy định tại Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Mục tiêu sắp tới của xã là: Duy trì và nâng cao chất lượng 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, 12 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và 3 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; Đồng thời duy trì các tiêu chí đã đạt của “Xã nông thôn mới kiểu mẫu” và đạt chuẩn các tiêu chí còn lại trong thời gian tới; Phấn đấu không để tái nghèo và không còn hộ cận nghèo. Để đạt mục tiêu này, xã đảo Tân Hiệp sẽ ưu tiên phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: Xã đảo Tân Hiệp sở hữu các bãi tắm, khu du lịch sinh thái biển, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là nguồn tài nguyên phong phú và có giá trị lớn cả về tự nhiên và văn hoá, cần được khai thác một cách hiệu quả và bền vững để vừa nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch gắn liền với việc giải quyết hài hòa các vấn đề về môi trường, nguồn nước, duy trì sự đa dạng trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, tiếp tục chuyển đổi sinh kế truyền thống sang du lịch - dịch vụ theo hướng bền vững, thúc đẩy sự phát triển du lịch theo hướng bền vững và tạo ấn tượng tốt đối với khách du lịch.
Phát huy lợi thế vốn có của Cù Lao Chàm về đa dạng sinh học, văn hóa, quang cảnh thiên nhiên; khai thác hợp lí các nguồn tài nguyên rừng, biển và các giá trị văn hóa, lịch sử hiện có để không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch biển đảo Quảng Nam là những mục tiêu đang được xã đảo Tân Hiệp hướng tới - bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết thêm.
Nhân dịp xã đảo Tân Hiệp đón nhận danh hiệu Nông thôn mới nâng cao năm 2021, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức kỷ niệm 13 năm Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, 26/5/2009 - 26/5/2022.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An được Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận ngày 26/5/2009 dựa trên nền tảng sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa của thành phố Hội An. Đặc biệt, UNESCO đánh giá cao tính nổi trội của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm so với các Khu sinh quyển khác tại Việt Nam, đó là sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, con người luôn sống dựa vào thiên nhiên, thành phố di sản Hội An luôn phát triển bền vững trên nguyên lý: Bảo tồn cho phát triển và Phát triển để bảo tồn.
Theo Báo Tin Tức