Nông thôn mới

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

Bùi Ánh - 16:25 25/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Con Cuông (Nghệ An) được biết đến là huyện có tiềm năng du lịch cộng đồng, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên, điều kiện địa lý thuận lợi, cùng những mảng màu văn hóa đặc trưng của các dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây chính là tiền đề để phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo và xây dựng nông thôn mới.
Thẳm Nàng Màn – một trong những điểm được du khách lựa chọn làm điểm đến trải nghiệm cho kỳ nghỉ.

Điểm sáng về du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng gắn với sinh thái được xem là một mô hình du lịch đầy tiềm năng trong việc thu hút khách du lịch, nhờ đó, giúp cho người dân địa phương phát triển kinh tế. Phát triển du lịch cũng là kênh tiêu thụ nông sản khá hiệu quả cho bà con trên địa bàn, giới thiệu những đặc sản vùng miền đến với khách thập phương…

Hơn 2 năm qua, do chịu sự ảnh hưởng chung của đại dịch Covid- 19, ngành Du lịch gặp khá nhiều khó khăn. Sau thời gian dài “im ắng” thì nay mọi hoạt động đang trở lại bình thường, các địa phương đã có những kế hoạch dài hơi để phát huy những lợi thế về tiềm năng du lịch. Trong số đó, huyện Con Cuông cũng đang nỗ lực chuyển mình, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất nhằm phục vụ du khách khi đến với miền đất Trà Lân đầy hứa hẹn.

Ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết,  UBND huyện đã ban hành kế hoạch số 32/KH-UBND về việc khôi phục hoạt động du lịch huyện Con Cuông trong năm 2022. Với mục đích chủ động, kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để khôi phục hoạt động du lịch bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi và phát triển. 

Trong đó, huyện Con Cuông đã định hướng một số điểm đến khai thác hoạt động du lịch như: Điểm du lịch sinh thái Bản Xiềng - Pha Lài - Sông Giăng; Điểm du lịch Thác Kèm; Khám phá Vườn Quốc gia Pù Mát; Điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn; Điểm du lịch cộng đồng bản Nưa và một số khu di tích như nhà cụ Vi Văn Khang (xã Môn Sơn), di tích Đền Khe Sặt (Thị trấn), di tích Bia Ma Nhai (xã Chi Khê). Ngoài ra, huyện Con Cuông còn sở hữu nhiều tuyệt tác của thiên nhiên về hang động như Thẳm Nàng Màn, Hang Thẩm Hoi (Hang Ốc)... góp phần tạo nên sự đa dạng cho du khách khi đến tham quan và trải nghiệm. Mặc dù là huyện miền núi, cách trung tâm phát triển của tỉnh gần 100km về phía Tây nhưng giao thông khá thuận lợi, đã hình thành được nhiều điểm homestay cho khách lưu trú, giao lưu văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng…

Bên cạnh đó, người dân ở đây cũng được tiếp cận cách làm du lịch khá sớm nên có tính chuyên nghiệp trong các hoạt động phục vụ và được khách du lịch đánh giá khá cao so với các nơi khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

Để phát triển du lịch cộng đồng ở vùng nông thôn hiệu quả, chính quyền địa phương rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện nay, huyện có 12/12 xã đã có đường nhựa đến tận Trung tâm xã, các công trình văn hóa được đầu tư, nâng cấp. 107/107 thôn, bản có nhà văn hóa; có trang trí khánh tiết, có sân thể thao đơn giản; 107 thôn, bản có đội văn nghệ; phát triển các câu lạc bộ về lĩnh vực văn hoá, thể thao tại nhà văn hóa cộng đồng thôn, bản...

“Sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, giờ đây du lịch cộng đồng ở Con Cuông đã có những bước khởi sắc rất đáng mừng. Các điểm du lịch cộng đồng ở Con Cuông còn mang nét hoang sơ, tự nhiên, ít bị tác động thay đổi từ con người. Để hoạt động du lịch ngày một phát triển, huyện cũng đã có kế hoạch cho việc phục vụ du lịch trở lại và đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận liên quan nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách khi đến với Con Cuông” - ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm.

Hoạt động vệ sinh môi trường nông thôn được duy trì đều tại từng thôn bản.

Chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn 

Theo ông Vi Văn Quý, muốn phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thì vấn đề môi trường sống ở khu vực nông thôn cần được đặt lên hàng đầu. Vì thế, hàng tháng UBND huyện đã tổ chức lễ ra quân vệ sinh môi trường và các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, phong trào vệ sinh môi trường, dọn dẹp đường làng, ngõ, xóm đã trở thành hoạt động thường xuyên; nhiều đoạn đường xanh, sạch, đẹp được giao cho các chi hội tại thôn, bản quản lý.

Phong trào “5 không, 3 sạch“ (5 không: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 sạch là: sạch nhà - sạch bếp - sạch ngõ) được hưởng ứng tích cực; Nhiều mô hình hay đã được hình thành và nhân rộng như: Hố phân gây quỹ; hỗ trợ thùng chứa rác thải; xây hố rác tại gia và phân loại rác thải ngay đầu nguồn... Những phong trào đó đã góp phần nâng cao ý thức tự giác cho người dân trong việc thu gom rác thải, tránh để rác bừa bãi hoặc ô nhiễm quanh khu vực gia đình cư trú, không thả rông chó mèo, biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và thu gom vỏ lọ, bao gói thuốc vào đúng nơi quy định… góp phần đảm bảo cho môi trường trong xanh, sạch đẹp và tạo sức hút trong mắt du khách khi đến với địa phương.

Việc phát triển du lịch cộng đồng bước đầu đem lại hiệu quả về kinh tế cho người dân ở nông thôn, điều này đã phần nào giúp nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan văn hóa, văn minh, xanh, sạch, đẹp hơn. Người dân ở các làng có tiềm năng du lịch đều nhận thức được việc đầu tư cho văn hóa, môi trường cũng chính là đầu tư để phát triển kinh tế. Do đó, bà con đã nỗ lực, chung tay xây dựng ngay tại thôn bản thành những “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, những “làng, xã kiểu mẫu”… để thu hút khách du lịch.  

“Tính đến hết năm 2021, huyện Con Cuông có 3/12 xã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn. Việc phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần rất lớn vào quá trình hoàn thiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Nhờ phát triển du lịch mà làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng được đầu tư cơ bản; Phát triển kinh tế bền vững theo hướng chuyên nghiệp; Đời sống người dân được nâng lên cả về mặt vật chất và tinh thần; Bản sắc văn hóa được giữ gìn, bảo tồn và phát huy…”
Ông Vi Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác