Xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP hấp dẫn: Nâng giá trị, hút khách hàng
OCOP mang đậm giá trị văn hóa
Những năm gần đây, chương trình OCOP đã tạo ra những sức bật mới cho nhiều địa phương. Trên thực tế, đặc trưng văn hóa vùng miền nếu biết khai thác hợp lý và tinh tế sẽ tạo nên sự riêng biệt cho các sản phẩm OCOP, tránh sự nhàm chán, trùng lặp, vừa tạo được sức cạnh tranh vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Mới đây, chúng ta có tới 20 sản phẩm được đánh giá 5 sao, được trình Chính phủ phê tặng làm quà tặng cấp quốc gia.
Trong bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm là tiêu chí quan trọng, chiếm 10/100 điểm trong thang điểm đánh giá. Thời gian qua, nhiều đặc sản đã khai thác hiệu quả yếu tố văn hóa để xây dựng câu chuyện sản phẩm.
Trong quá trình xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP của các tỉnh, nhiều câu chuyện sản phẩm đã thuyết phục được khách hàng trong việc đưa ra quyết định lựa chọn sử dụng sản phẩm. Từ đó, góp phần phát triển thị trường và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, ngành chức năng và các địa phương đã và đang tích cực hỗ trợ các chủ thể xây dựng câu chuyện sản phẩm phù hợp.
Ở vùng biển của xứ Thanh, thương hiệu mắm Lê Gia đã giành được nhiều giải thưởng về chất lượng. Trong đó, đặc biệt có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao (Nước mắm Lê Gia; Mắm tép Lê Gia); 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là mắm tôm Lê Gia. Đến thời điểm hiện tại, đây cũng là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm ở thị trường trong nước, các sản phẩm của thương hiệu mắm Lê Gia còn được xuất khẩu đến nhiều nước và vùng lãnh thổ như: Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi...
Chia sẻ về câu chuyện làm mắm Lê Gia, anh Lê Anh ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa chủ thương hiệu mắm Lê Gia cho biết, với anh, quê hương gắn liền với thứ mùi ký ức của nghề làm mắm, với những tháng ngày tuổi thơ. Mùi nước mắm trong vại mắm của mẹ, gắn liền với bữa cơm rau là một phần máu thịt, là hương vị không thể phai mờ trong anh. Chính tình yêu với mắm truyền thống, với quê hương, là động lực để anh khởi nghiệp thành công với thương hiệu mắm Lê Gia...
"Mắm Lê Gia mong muốn mang những tinh túy nhất từ mẹ biển, bằng sự tận tâm, kinh nghiệm truyền thống kết hợp kiến thức an toàn thực phẩm để mang đến những gia vị sạch vào bữa cơm sum vầy của gia đình Việt. Và sau đó, là mang “linh hồn” ẩm thực Việt đến với cả thế giới”, anh Lê Anh bộc bạch.
Lấy câu chuyện về rừng chè, HTX trồng và chế biến chè huyện Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang đã chọn cho sản phẩm 1 cái tên độc đáo: chè chốt 468 bởi rừng chè xanh tốt hôm nay xưa kia là chốt điểm cao 468- địa danh lịch sử của Hà Giang.
Nói về thương hiệu chè Chốt 468, giám đốc HTX trồng và chế biến chè Thanh Thủy- anh Lý Đức Dân chia sẻ: “Điểm cao 468 là địa danh lịch sử của vùng biên Thanh Thủy. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh anh dũng, hơn 9.000 người bị thương, hiện tại vẫn còn hơn 2.000 liệt sỹ còn nằm rải rác trong khe đá, thung sâu vẫn chưa được tìm thấy và quy tập. Máu của các anh hùng liệt sỹ năm xưa đã mang lại bình yên cho nhân dân, mang lại màu xanh hôm nay cho những đồi chè. Vì vậy, các thành viên Hợp tác xã đã quyết định đặt tên cho sản phẩm OCOP là "Chè chốt 468" vừa để ghi nhớ lịch sử hào hùng của dân tộc, sự tri ân của thế hệ trẻ đối với các anh hùng liệt sỹ, những người đã hy sinh thanh xuân của mình cho vùng chè Thanh Thủy xanh tốt, cũng là xây dựng thương hiệu chè riêng có của mảnh đất quê hương”.
PGS-TS Bùi Xuân Đính- Nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, mỗi địa phương tùy từng loại sản phẩm mà từ xa xưa đã hình thành được những câu chuyện, những phong tục, thậm chí cả những lễ nghi liên quan đến sản phẩm, kể cả những câu chuyện dân gian, những truyền thuyết. Vì vậy điều đó cần phải được lưu ý trong việc tuyên truyền quảng bá sản phẩm.
Kể câu chuyện sản phẩm OCOP để kinh doanh trên sàn Thương mại điện tử (TMĐT)
Mới đây, Sở Công Thương TPHCM, Sở NN-PTNT TPHCM, UBND huyện Cần Giờ, và Tiki đã ký kết hợp tác xây dựng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” và thương hiệu nông sản Cần Giờ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng thời gian qua nhiều địa phương đã xây dựng được các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao, nhưng việc đưa sản phẩm vào thị trường gặp nhiều khó khăn. Các sàn thương mại điện tử cũng chưa phát huy được hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Theo ông Phương, việc bắt tay hợp tác giữa ngành Nông nghiệp và công thương có ý nghĩa quan trọng trong xúc tiến, quảng bá, đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng. Cái bắt tay này sẽ giải quyết bài toán cung – cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt là tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, chương trình “1.000 câu chuyện OCOP” sẽ giúp cho các sản phẩm OCOP của TPHCM nói riêng và các tỉnh thành có liên kết với TPHCM sẽ phát triển mạnh hơn nữa.
Ở phía đại diện sàn thương mại điện tử Tiki, ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng của Công ty TNHH Tiki cho rằng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” trên sàn thương mại điện tử Tiki sẽ tạo môi trường, cơ chế, hệ thống công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đến được với người tiêu dùng cả nước thông qua môi trường thương mại điện tử.
Chương trình sẽ tập trung xây dựng việc quảng bá, tiếp thị cho các sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao. “Việc quảng bá sẽ thực hiện bằng cách kể những câu chuyện đặc trưng của từng sản phẩm văn hóa tại mỗi địa phương, qua đó giúp đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, cải thiện doanh số bán hàng trên sàn thương mại điện tử nói riêng và trên thị trường nói chung”, ông Nhi nói.
“Với câu chuyện văn hóa độc đáo sẵn có, việc bán sản phẩm OCOP hiện nay không chỉ bán-mua là xong, mà còn phải kể câu chuyện về thổ nhưỡng, khí hậu, tính cộng đồng, câu chuyện văn hóa của từng sản phẩm. Điều này giúp sản phẩm OCOP thêm khác biệt và gia tăng giá trị”, ông Nhi thông tin thêm.