Xây dựng lòng tin từ những việc làm cụ thể
Đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền
Trong nhiều cuộc họp hay hội nghị, ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ Hội trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa trong công tác tuyên truyền hướng về cơ sở. Đặc biệt, các cấp Hội cần phải tránh tình trạng “nghẽn” thông tin định hướng ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc của tỉnh. Hơn nữa, để hội viên nông dân hiểu rõ hơn những quan tâm, chăm lo của Đảng, cán bộ Hội cần phải có những hành động cụ thể, kịp thời trên nhiều phương diện. Trong đó, cần tập trung vào hoạt động chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần của hội viên mình.
Điểm quan trọng trong xây dựng niềm tin là Hội cũng như các cấp, các ngành cần giúp người nông dân ngày càng nhận thức rõ hơn, sâu hơn những thành tựu vô cùng to lớn mà nhà nước và nhân dân nói chung, nông dân nói riêng đã đạt được, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, những nguyện vọng, mong muốn của người dân nói chung, của nông dân nói riêng, đã và đang được lắng nghe, tiếp nhận và được chọn lọc, cô đúc thành những chủ trương lớn của Đảng, thể chế hoá thành chính sách pháp luật của Nhà nước tiếp tục bảo vệ, xây dựng cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Để người nông dân hiểu rõ hơn những chủ trương của Đảng hướng về chăm lo cho nông dân, các cấp Hội đã tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong giai đoạn hiện nay, đó là chú trọng tuyên truyền Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028; các nghị quyết của các cấp uỷ Đảng và của BCH Trung ương Hội NDVN khoá VIII; tuyên truyền và phối hợp tổ chức lấy ý kiến hội viên, nông dân tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và những chủ trương, chính sách liên quan khác.
Trong phạm vi hoạt động của các cấp Hội, việc chú trọng công tác tuyên truyền đã được hiện thực hoá qua con số cụ thể với 14.723 buổi tuyên truyền, vận động cho 1.576.289 lượt hội viên, nông dân tham gia. Ngoài ra, nhiều nội dung hoạt động còn được thể hiện qua các hình thức hàng nghìn băng rôn, khẩu hiệu nhân các ngày lễ, các sự kiện quan trọng nổi bật hàng năm ở từng địa phương.
Song song với những hoạt động trên, các cấp Hội trong tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành tuyên truyền kỷ niệm các ngày kỷ niệm của đất nước; các sự kiện kỷ niệm ngày thành lập của địa phương, lễ đón nhận đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới... để người nông dân hiểu sâu hơn nữa những quan tâm của Đảng qua từng hoạt động cụ thể.
Hiện thực hóa chăm lo đời sống của hội viên
Nhiều năm qua, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã triển khai có hiệu quả đưa chính sách của Đảng đến với người dân, với mục tiêu sớm hơn, tốt hơn để nhân dân trực tiếp thụ hưởng những thành quả cách mạng do Đảng lãnh đạo; triển khai có hiệu quả những cơ chế chính sách hỗ trợ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua những việc làm cụ thể, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ người nông dân trong phát triển sản xuất, xoá nghèo, thi đua sản xuất giỏi, tư vấn pháp luật, dạy nghề, chia sẻ và góp phần chăm lo các nhu cầu vật chất, tinh thần... cho hội viên nông dân. Hội coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, là sợi dây tập hợp, tổ chức và huấn huyện nông dân, gắn kết, xây dựng, củng cố niềm tin của hội viên nông dân với Đảng nói chung, với các cấp uỷ, chính quyền ở từng địa phương nói riêng.
Từ những việc làm cụ thể, các cấp Hội trong tỉnh đã chuyển tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và điều hành của Chính phủ đến với người dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tập hợp, tổ chức và huấn luyện nông dân, xây dựng niềm tin của nông dân vào tổ chức Hội cũng chính là để xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền của dân, do dân, vì dân. Để tiếp tục củng cố niềm tin của nông dân vào Đảng, cả hệ thống chính trị phải có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong sự hài hoà với lợi ích các giai tầng khác, đưa đến cho người nông dân những sản phẩm cụ thể, những quyền lợi cụ thể, những việc làm cụ thể... Đây chính là sức bật tạo niềm tin gắn kết bền chặt nhất.
Đối với hoạt động Hội Nông dân nhiều năm qua, hệ thống Hội từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống như: Phối hợp hỗ trợ nông dân phân bón theo hình thức trả chậm, xây dựng và vận hành hệ thống Quỹ Hỗ trợ Nông dân, cũng như tranh thủ các nguồn lực từ Ngân hành Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để người dân có vốn đầu tư sản xuất... Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các doanh nghiệp tín chấp hỗ trợ nông dân vay hoặc mua trả chậm vật tư, giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón phục vụ sản xuất. Kết quả đến nay đã tạo điều kiện cho trên 250.000 lượt hội viên nông dân vay trên 18.075 tấn phân bón các loại, 126 tấn thức ăn chăn nuôi, 145.500 con giống gia cầm, 45 tấn giống cây trồng, giá trị cho nông dân vay đạt trên 152 tỷ đồng... Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp mở 198 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 6.525 lao động nông thôn. Thông qua kết quả đào tạo nghề có trên 80% học viên sau học nghề đã tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm mới; phối hợp các cấp, các ngành tổ chức 1.918 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, kiến thức công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện cho trên 95.035 lượt hội viên nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh và quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm... Song song với những hoạt động đó, Hội cũng đã đẩy mạnh phát triển nguồn Quỹ HTND, liên kết với các ngân hàng tạo nguồn vốn vay cho nông dân đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô. Đây được đánh giá là hoạt động tạo đà sức bật cho nông dân có điều kiện để thực hiện ý tưởng phát triển kinh tế trong điều kiện nông dân thiếu vốn đầu tư.
Việc mang lại niềm tin cho hội viên nông dân có thể không cần những ngôn từ lớn lao, mà thông qua hoạt động cụ thể, bình dị của Hội mà hàng nghìn hộ dân trên địa bàn miền núi Nghệ An không thể quên: Chương trình hỗ trợ vật tư “may áo ấm” cho trâu, bò mùa rét đậm rét hại. Thời điểm năm 2022, trên địa bàn các huyện miền núi có đến hơn 1.000 con trâu, bò chết vì rét. Để hạn chế rủi ro cho “đầu cơ nghiệp” của người dân, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội gấp rút triển khai hoạt động may “áo ấm” cho trâu, bò để phòng tránh rét và che chắn chuồng trại. Ngoài việc chăm sóc giữ ấm, các cấp Hội nhắc nhở bà con nông dân tăng cường thức ăn đủ no, đủ chất nhằm tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Từ đó, người dân ý thức hơn việc chăm sóc đàn vật nuôi của mình và không còn xuất hiện tình trạng trâu, bò chết rét hàng loạt như thời gian trước.
Thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực như vậy, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã thu hút, tập hợp người nông dân, phát huy tính chủ động, sáng tạo và vai trò “chủ thể” của nông dân trong quá trình phát triển ở khu vực nông thôn. Những hoạt động của Hội tiếp tục củng cố niềm tin vào những chủ trương đường lối của Đảng trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Nhiều việc làm cụ thể của các cấp Hội Nông dân Nghệ An đã góp phần xây dựng niềm tin hội viên nông dân vào tổ chức Hội, vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đến nay, số hội viên nông dân Nghệ An là đảng viên đến nay là 42.907 người, trong đó riêng năm 2023, đã có 536 hội viên nông dân được kết nạp vào Đảng.