Thị trường

Xuất khẩu gạo của Việt Nam có khả năng đạt 8 triệu tấn

Nguyễn Vân - 07:31 04/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Ngày 3/11, tại TP. Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và BizLive phối hợp tổ chức hội thảo thường niên “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam”.

Thời gian qua, thị trường lúa, gạo Việt Nam nói chung và tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang trải qua nhiều biến động. Trong suốt nhiều tháng qua giá mặt hàng này luôn trong xu hướng tăng. Với vị thế, chất lượng và nhu cầu của thị trường, hiện nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu thị trường.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 10/2023, xuất khẩu gạo đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so cùng thời điểm năm ngoái. Ước 10 tháng của năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Theo VFA, tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, Thái Lan giá 560 USD/tấn và Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, Thái Lan giá 520 USD/tấn và Pakistan giá 488 USD/tấn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: ĐVCC

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA nhận định: Tình hình thời gian tới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp sản xuất, chế biến đến hiệu quả của người nông dân, doanh nghiệp chế biến lúa gạo của Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp, hội viên củaVFA, các đơn vị trong chuỗi ngành hàng lúa gạo đã phối hợp, đồng hành cùng sở, ngành địa phương và bà con nông dân triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực. VFA nhận định tình hình thời gian tới các yếu tố ảnh hưởng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp sản xuất, chế biến đến hiệu quả của người nông dân, doanh nghiệp chế biến lúa gạo.

Dự báo thị trường gạo xuất khẩu trong năm 2024, nhiều chuyên gia phân tích và dự báo thị trường cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam. Về thị trường gạo xuất khẩu trong năm 2024, nhiều chuyên gia phân tích và dự báo thị trường cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn, như vậy sang năm tới, tồn kho sẽ rất mỏng nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng nếu không sẽ rất rủi ro, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp lúc đó giá bật lên lại gặp khó khăn.

Mặt khác, cần lưu ý Ấn Độ có thể quay lại thị trường mặt bằng giá gạo sẽ bị hạ xuống, hiện nay giá gạo Việt Nam quá cao, giá gạo tăng cao nhưng hầu như gạo Việt Nam không bán được, đây là hạn chế làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam so với các nước xuất khẩu gạo khác. Để nâng cao giá trị nông sản, tăng lợi nhuận cho các bên trong chuỗi ngành hàng lúa gạo cần áp dụng công nghệ giảm thất thoát không chỉ về số lượng, mà cần giảm thất thoát về chất lượng hạt gạo, giảm sử dụng năng lượng điện trong quá trình xay xát, giảm chi phí tiền điện tăng lợi nhuận là giải pháp được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ lực tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết: Xuất khẩu gạo trong 2 tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ tiếp tục thuận lợi vì nhu cầu của thị trường tăng. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội xuất khẩu thì doanh nghiệp phải xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng cao, nhưng chi phí sản xuất phải thấp nhất. Doanh nghiệp chỉ nên ký hợp đồng khi đã có chân hàng, để tránh rủi ro “mua vào giá cao nhưng bán ra giá thấp” vì thị trường gạo biến động rất khó lường.

Các gian hàng trưng bày tại Hội thảo thu hút nhiều đại biểu xem và tìm hiểu thông tin. Ảnh: ĐVCC

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA chia sẻ: Giá gạo Việt Nam tăng cao là lợi thế, nhưng đồng thời cũng là “yếu thế”, vì khi giá quá cao khách hàng mua gạo sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng gạo tương đương với gạo Việt Nam, dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường. Điển hình như các gói thầu của Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa chào mua, doanh nghiệp Việt Nam hầu như không thắng thầu do giá gạo trong nước đang rất cao và loại gạo Bulog gọi thầu là gạo 5% đang khan hiếm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết: Hiện nay liên kết trong chuỗi ngành hàng lúa gạo nhiều nơi chưa đi vào thực chất; chi phí sản xuất cao do nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao. Để đưa chuỗi ngành hàng lúa gạo đi vào sản xuất bền vững, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện đề án sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trường xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long và đề án giảm chi phí logistics cho nông sản để trình Chính phủ phê duyệt.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: “Chi phí đầu vào phải giảm xuống để lợi nhuận gia tăng sẽ phân đều cho các tác nhân, ai cũng thấy hài lòng, ai cũng thấy phấn khởi, tránh câu chuyện người buồn, người vui, thì đó là bền vững trong chuỗi giá trị. Một trong những điểm nghẽn rất lớn trong chuỗi lúa gạo đó là chi phí logistics trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp nói chung và trong chuỗi lúa gạo vẫn còn cao. Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp tiếp quản, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành đề án về hệ thống logistics phục vụ cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trong đó có gạo”.

Tại hội thảo, các chuyên gia lĩnh vực công nghệ cũng “hiến kế” áp dụng công nghệ để giảm thất thoát sau thu hoạch; giữ cho chất lượng hạt lúa vẫn tươi mới, thơm ngon không bị mất phẩm chất từ khi thu hoạch đến đến tay người tiêu dùng; ứng dụng công AI để kiểm soát quy trình sản xuất lúa gạo. Trong đó, thông tin đáng chú ý là theo thống kê của Liên Hợp quốc, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam bị thất thoát từ 14-35%, ngành lúa gạo thất thoát khoảng 14%/năm. Thất thoát sau thu hoạch xảy ra ở tất cả các khâu nhưng khâu sấy là còn cao nhất, mặc dù số lượng máy sấy đã đáp ứng từ 80-90% nhu cầu, nhưng do phần lớn lò sấy ở Việt Nam chưa tự động hóa và phụ thuộc vào kỹ năng của người vận hành.

Do đó, để có thể nâng cao giá trị nông sản, tăng lợi nhuận cho các bên trong chuỗi ngành hàng này cần áp dụng công nghệ giảm thất thoát không chỉ về số lượng, mà cần giảm thất thoát về chất lượng hạt gạo, mà cần giảm sử dụng năng lượng điện trong quá trình xay xát, giảm chi phí tiền điện tăng lợi nhuận là giải pháp được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác