Yên Bái bứt phá trong chuyển đổi số xây dựng nông thôn mới
Nông dân ngồi nhà “chốt đơn” nông sản
Nhờ hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà từ chỗ chỉ là những sản phẩm nông nghiệp đơn thuần của địa phương, đến nay, hầu hết các sản phẩm có thế mạnh của Yên Bái, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đều đã tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng trên cả nước, từ đó mang lại thu nhập cao cho người sản xuất.
Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tích cực xây dựng kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Đến nay, trên cơ sở danh sách các hộ sản suất, kinh doanh do Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cung cấp, Bưu điện tỉnh đã tạo được trên 30.000 tài khoản mua - bán cho các hộ nông dân, giới thiệu được 3.550 sản phẩm, trong đó có 108 sản phẩm OCOP, giá trị giao dịch thương mại đạt trên 1 tỷ đồng.
Hội Nông dân các cấp tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hoá tiêu biểu của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của địa phương, tỉnh và tại các hội chợ, trên sàn thương mại điện tử; đã phối hợp đưa 108 sản phẩm OCOP và các nông sản tiêu biểu lên sàn thương mại Postmart, tạo được 10.000 tài khoản mua và bán của hội viên nông dân trên sàn thương mại Voso.vn và Postmart.vn, qua đó đã hỗ trợ tiêu thụ được 10 nghìn tấn nông sản cho nông dân. Bên cạnh đó tư vấn, hướng dẫn thành lập 10 hợp tác xã, xây dựng 11 mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, 37 mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả; tư vấn, hướng dẫn xây dựng mới 10 sản phẩm OCOP năm 2022, nâng tổng số sản phẩm các cấp Hội đã hướng dẫn xây dựng từ năm 2020 đến nay là 29 sản phẩm OCOP.
Qua mạng xã hội, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, HTX đã chủ động xây dựng mạng lưới khách hàng rộng khắp cả nước, thông qua dịch vụ vận chuyển để bán hàng trực tiếp đến khách hàng. Phương thức mua bán này giúp nông dân có thể thu được tiền ngay sau khi chuyển hàng, không còn lo bị nợ đọng… Người tiêu dùng cũng mua được nông sản với mức giá hợp lý, biết rõ nguồn gốc của sản phẩm.
Từ năm 2022, dưới sự giúp đỡ của Bưu điện tỉnh Yên Bái, HTX Miến đao Giới Phiên đã đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn. Nhờ đó nhiều người biết đến sản phẩm miến đao Giới Phiên, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Mỗi năm, sản lượng tiêu thụ miến đao Giới Phiên qua sàn TMĐT Postmart đạt hàng trăm tấn, trong đó chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh bạn.
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, bà Triệu Thị Kiên ở thôn Hồ Sen, xã Bạch Hà (huyện Yên Bình) đã giới thiệu bán các sản phẩm Bưởi da xanh, ổi Đài Loan… của gia đình tới hàng nghìn khách hàng gần xa.
Bà Kiên chia sẻ, từ năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các sản phẩm không tiêu thụ được. Khi cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn cho gia đình sử dụng điện thoại thông minh để bán hàng trực tiếp trên Facebook, Zalo… thì sản phẩm tiêu thụ một cách dễ dàng hơn. Đến nay, trừ chi phí, việc bán sản phẩm đã thu lãi trên 200 triệu đồng.
“Hoa quả thì mình phải trồng sạch, không phun thuốc và đảm bảo chất lượng. Từ khi livestream bán hàng trên mạng xã hội thì mình chỉ việc ngồi nhà "chốt đơn" hàng, nhưng gia đình cũng không đủ hàng để bán ra thị trường” – bà Kiên nói.
Hiệu quả từ Nhà Văn hóa số
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, Yên Bái cũng chú trọng phát triển xã hội số, đặc biệt là xây dựng các Nhà văn hóa số. Đây vừa là nơi vui chơi, giải trí của nhân dân sau những giờ lao động, vừa là địa điểm để tổ chức các cuộc thi, các cuộc tuyên truyền, hướng dẫn về chuyển đổi số…
Các mô hình thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Yên Bình đã thực sự phát huy hiệu quả, kết nối ngưới dân với chính quyền, tạo thuận lợi trong công tác quản lý điều hành, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của địa phương.
Năm 2023, huyện Yên Bình đặt mục tiêu có 50% trở lên Nhà văn hóa thôn đạt tiêu chuẩn Nhà văn hóa số. Để đạt được mục tiêu đó, cùng với việc huy động mọi nguồn lực, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Yên Bình đã chỉ đạo các địa phương phát huy và khai thác hiệu quả giá trị sử dụng của các Nhà văn hóa, đưa Nhà văn hóa thôn thực sự trở thành nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, nơi liên kết tình cảm "làng xóm, láng giềng" của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đến nay tất cả 177 thôn, tổ dân phố đều có Nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn, có 89/177 Nhà văn hóa đủ các điều kiện đạt Nhà văn hóa số. Ông Vũ Tiến Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Yên Bình cho biết, huyện đã phối hợp với VNPT, Viettel triển khai lắp đường truyền và nâng cấp đường truyền đến Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trong toàn huyện. Tới đây, huyện tiếp tục chỉ đạo các Nhà văn hóa đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư hệ thống âm thanh và tuyền hình.
Nhà văn hoá thôn Hồ Sen, xã Bạch Hà có diện tích 1.300m2, tổng kinh phí xây dựng trên 600 triệu đồng; trong đó, nhân dân trong thôn đóng góp gần 500 triệu đồng và trên 200 công lao động. Ngay sau khi đưa vào sử dụng, thôn Hồ Sen đã vận động đóng góp để mua sắm thiết bị, đáp ứng các tiêu chí Nhà văn hoá số như: Ampli, loa đài, màn hình ti vi và lắp đặt internet. Đồng thời, thôn thành lập, duy trì và nâng cao hoạt động của Tổ chuyển đổi số cộng đồng để hướng dẫn người dân triển khai các nền tảng, ứng dụng công nghệ số.
Phấn đấu trở thành huyện chuyển đổi số trong năm 2023 với 50% Nhà văn hoá thôn, tổ dân phố trở lên đạt mô hình Nhà văn hóa số, huyện Yên Bình đã rà soát hệ thống mạng, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho triển khai mô hình Nhà văn hóa số của thôn, tổ dân phố. Đến nay, 177/177 thôn, tổ nhân dân đều có Nhà văn hóa - Khu thể thao đạt chuẩn; 24/24 xã, thị trấn có Trung tâm Văn hóa Thể thao hoạt động hiệu quả; đã có 89/177 Nhà văn hoá đủ các điều kiện đạt Nhà văn hóa số.
Nhà văn hóa thôn Làng Cần, xã Đại Minh được xây dựng đã lâu hoàn toàn bằng sức đóng góp của dân, nhưng vẫn còn rất khang trang, sạch đẹp, có nhà vòm, nền lát gạch hoa sáng bóng và đầy đủ hệ thống trang thiết bị như quạt mát, loa đài, bàn ghế, trang trí khánh tiết...
Từ khi có Nhà văn hóa số, mọi công việc hội họp của chi bộ, của thôn, xóm được triển khai thuận lợi hơn, nhất là việc triển khai học tập các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây vừa là nơi vui chơi, giải trí của nhân dân, vừa là địa điểm để tổ chức các cuộc thi, các cuộc tuyên truyền, hướng dẫn về chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo, bảo tồn bản sắc văn hóa của nhân dân và là mắt xích quan trọng tăng cường tình đoàn kết cộng đồng khu dân cư.