OCOP làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp
Hỗ trợ các chủ thể làm OCOP
Tính đến nay, thành phố Hải Phòng đã xây dựng được 126 sản phẩm của 42 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, 79 sản phẩm 3 sao, 42 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm đạt trên 90 điểm đã đăng ký tham dự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Để phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, thành phố Hải Phòng đã tổ chức các bước thực hiện chu trình OCOP; bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; hướng dẫn đăng ký hồ sơ đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP.
Các cán bộ phụ trách OCOP của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các chủ thể có sản phẩm nông nghiệp và bám sát tình hình thực tế sản xuất nông nghiệp để tiến hành khảo sát và thu thập thông tin các nông sản trên địa bàn thành phố. Từ đó phân tích các ưu - nhược điểm của các sản phẩm nông sản và đưa ra hướng khắc phục, chuẩn bị cho các sản phẩm trước khi thành lập hồ sơ để xét công nhận đạt sản phẩm OCOP.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia xét duyệt sản phẩm OCOP, thì đều được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về: Logo, nhãn hiệu, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc… Đồng thời tập trung phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết tạo hàng hoá sản xuất lớn.
Thông qua xây dựng sản phẩm OCOP, nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã không ngừng đầu tư công nghệ vào chế biến các sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì... từ đó các sản phẩm đã tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Để các sản phẩm OCOP đến gần với tay người tiêu dùng hơn, thành phố Hải Phòng còn triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố; đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử…
Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc HTX mật ong rừng ngập mặn Tùng Hằng (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thuỵ) cho biết: Năm 2019 sản phẩm mật ong của HTX được cấp giấy chứng nhận OCOP đạt 3 sao từ đó đã góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm mật ong; đến năm 2021 HTX lại được hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, qua đó đã góp phần quan trọng trong tiêu thụ sản lượng 10.000 lít/năm của các thành viên HTX.
OCOP nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp
Trong giai đoạn tới đây, thành phố Hải Phòng đang tập trung xây dựng ngành Nông nghiệp theo chuỗi giá trị hướng tới kinh tế tuần hoàn, theo đó các sản phẩm OCOP sẽ phải gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.
Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, điển hình như ở huyện Tiên Lãng. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng, hiện địa phương này có hàng chục sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Do đó, việc đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và bổ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để tiếp tục thực hiện chương trình OCOP gắn với phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững đến năm 2025, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng và các địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động các chủ sở hữu sản phẩm đăng ký tham gia. Đồng thời, phối hợp với Uỷ ban Nhân dân các xã, thị trấn để triển khai đến bà con nông dân; khảo sát, lựa chọn các mô hình sản xuất hiệu quả để thực hiện chương trình.
Nhằm giúp nông dân có thể làm giàu bằng sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, huyện Tiên Lãng đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với sản phẩm chủ lực; tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác và gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, dịch vụ.
Hay như huyện Vĩnh Bảo cũng đang ra sức tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển và định hướng cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo cơ hội để các sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường trong cả nước, từ đó giúp nâng cao giá trị nông sản của huyện nhà và mở rộng việc quảng bá cho các sản phẩm tiềm năng.
Theo lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện đang có 111 vùng sản xuất rau màu, 88 vùng cây ăn quả (có diện tích tối thiểu là 5ha/vùng) liền vùng, liền thửa, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây là tiềm năng rất lớn để Vĩnh Bảo xây dựng các sản phẩm OCOP.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP ở thành phố Hải Phòng đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính chất đặc trưng lợi thế của từng vùng trên địa bàn các địa phương, qua đó nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Thành phố Hải Phòng đang nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2025, toàn thành phố có ít nhất 200 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP thành phố, trong đó 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao...
Theo Sở NN&PTNT TP.Hải Phòng.