Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng:
Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ
Phục vụ người dân ở 100% các địa phương
Xã Vũ Minh nằm ở phía Đông Bắc huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) hiện nay trên địa bàn xã có nhiều hộ gia đình bắt đầu phát triển kinh tế với những mô hình hiệu quả: Trồng Thanh long, thuốc lá, trồng rừng và chăn nuôi gia súc... ít ai biết rằng, ở mảnh đất này những năm trước đây bà con nông dân chỉ canh tác trên nương rẫy trồng ngô là chính và câu chuyện mưu sinh của người dân nơi đây vô cùng nhọc nhằn, gian khó; nhiều người dân đã phải ly nông, ly hương mưu sinh.
Song hiện nay, nhiều gia đình ở Vũ Minh đã an tâm ở lại quê nhà phát triển kinh tế với sự trợ giúp từ chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong hỗ trợ người dân về kỹ thuật, công nghệ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sang các cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt là có nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng.
Chúng tôi tới thăm gia đình chị Phan Thị Danh ở xóm Nà Khoang (xã Vũ Minh), chị Danh phấn khởi cho hay: Trước đây do không có tiền để đầu tư phát triển kinh tế, vì vậy mà gia đình tôi gặp khá khó khăn nhưng từ ngày được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng theo chương trình sản xuất kinh doanh, gia đình tôi đã đầu tư chăn nuôi trâu, đến nay nhà tôi đã có đàn trâu 5 con trâu sinh sản, vì vậy mà kinh tế cũng ngày càng ổn định.
Giống như gia đình chị Danh, gia đình chị Hà Thị Cới ở xóm Vũ Ngược (xã Vũ Minh) cũng nhận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng, chị Cới cho biết: "Sau khi nhận được nguồn vốn 100 triệu đồng từ vay hộ cận nghèo để phát triển sản xuất, gia đình tôi đã đầu tư để trồng thanh long, đến nay gia đình tôi đã có 1.000 trụ thanh long... từ thanh long mà kinh tế gia đình cũng phát triển, đến cuối năm 2023 gia đình tôi đã trở thành hộ thoát nghèo của xã Vũ Minh".
Không chỉ hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sinh kế cho người dân, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng còn luôn đồng hàng cùng người dân trong chặng đường phát triển kinh tế và nâng cao giá trị cho ngành Nông nghiệp địa phương.
Chia tay các hộ gia đình ở xã Vũ Minh, chúng tôi tới xã Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc) để tham quan mô hình kinh tế vườn rừng nhà ông Lẻo Văn Sánh ở xóm Nà Luông, chỉ tay lên vườn hồi xanh tốt của gia đình, ông Sánh phấn khởi cho hay: Gia đình tôi có được vườn hồi này ngoài công sức của cả nhà thì có phần quan trọng đó chính là nguồn vốn 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng, có được nguồn vốn gia đình tôi đã đẩy mạnh phát triển diện tích đất để trồng hồi, nhờ những cây hồi đó mà đến năm 2019 gia đình tôi cũng đã thoát nghèo.
“Để gia tăng giá trị kinh tế và phát triển diện tích cây hồi năm 2024 gia đình tôi lại làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao bằng theo chương trình giải quyết việc làm, tháng 4/2024 gia đình tôi đã được giải ngân nguồn vốn, có được nguồn vốn kịp thời gia đình tôi sẽ đầu tư vào phát triển diện tích cho cây hồi” ông Sánh chia sẻ.
Ông Phạm Tuấn Hưng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam và của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh Cao Bằng, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng cho nhu cầu của bà con trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đến cho vay người chấp hành xong án phạt tù... đã được hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng triển khai rất hiệu quả.
“Đến tháng 4/2024 Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng đang cho vay dư nợ 4.373 tỷ đồng thông qua 2.130 Tổ tiết kiệm vay vốn được thực hiện ở 161/161 xã, phường, thị trấn của tỉnh Cao Bằng. Dòng vốn tín dụng phủ rộng và sâu trong đời sống đang giúp trên 61.000 hộ vay (chiếm 47% số hộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng) để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống” ông Hưng cho hay.
Chỉ thị 40-CT/TW - làn gió mới trong thực thi tín dụng chính sách
Ông Hưng cho biết thêm: Việc triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thời gian qua còn có thêm luồng gió mới kể từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong 10 năm việc cho vay theo Chỉ thị 40-CT/TW tại Cao Bằng nguồn vốn đã tạo ra 27.000 việc làm mới; 57.000 công trình nước sạch được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng; 2.100 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; 2.100 hộ đã được xóa nhà dột nát...
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên) thời gian qua đã giúp cho nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tại các điểm giao dịch xã, hoạt động tín dụng đều được triển khai thường niên (01 lần/01tháng) công khai và có sự giám sát của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội. Chính vì vậy nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng đến tháng 5/2023 chỉ chiếm 0,06%/tổng dư nợ.
Có thể thấy rằng hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng thời gian qua đã góp phần quan trọng trong thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần đẩy lùi hoạt động tín dụng đen, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”