50 năm chiến trường Quảng Trị: 13 cán bộ, chiến sĩ nằm lại Lèn Hà
Cách đây tròn 50 năm, 13 cán bộ, chiến sỹ Trạm Thông tin A69 (Trung đoàn Thông tin 134, nay là Lữ đoàn thông tin 134) đã hy sinh tại núi Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sự hy sinh của các chiến sỹ thông tin liên lạc, được ví như “bồ cầu nơi tuyến lửa” đã góp phần bảo vệ mạch máu thông tin thông suốt, góp phần đảm bảo thắng lợi trên các chiến trường, phục vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuổi thanh xuân của các anh chị vẫn được nối dài trong nỗi nhớ của các đồng chí, đồng đội và trong lòng biết ơn của nhân dân.
13h05 phút, ngày 02/7/1972, 2 chiếc máy bay địch từ hướng biển vào, ném bom trúng nơi họp và lán nhà ở của chiến sĩ nữ. Nhà đổ sập, bốc cháy dữ dội, trạm máy trên hang rung lắc liên hồi. Khi vừa hết loạt bom thứ nhất, Trạm trưởng Đàm Văn Trình lao lên chỉ huy bảo vệ trạm máy nhưng chưa vượt hết đoạn giao thông hào, đã bị loạt bom thứ hai đánh trúng và hy sinh. Trên hang núi, 3 nữ chiến sĩ (trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh và bà Phạm Thị Vang) đang trực máy, đã phải dồn hết sức giữ máy tải khỏi bị lật úp trước sức rung lắc của bom.
“Chúng tôi nghe tiếng kêu ở dưới, anh Lương trên hang chạy xuống, bế được chị Lung lên, tôi ra hỗ trợ anh Lương bế chị Lung lên gần cửa hang. Chị bảo: Thông tin thế nào? Tôi bảo: Chị ơi liên lạc mất hết rồi, chỉ nói một câu rồi chị ngất luôn” - Bà Nguyễn Thị Thanh nhớ lại.
còn bà Phạm Thị Vang ngập ngừng: “Cái nhà sập xuống hầm cháy bốc lên mạnh lắm, hầm có 1 cửa, khi mới bắt đầu còn có sức các chị còn kêu cứu, đau lòng lắm.”
3 loạt bom quần thảo của địch đánh tan hoang Trạm Thông tin A69. Trạm thông tin với tổng số 19 cán bộ chiến sỹ, sau trận bom chỉ còn lại 6 người. Trạm máy bị hư hỏng, đường dây đứt nát, mất thông tin liên lạc... Trong số 13 người hy sinh có 10 nữ chiến sỹ mới chớm thanh xuân từ 16 đến 22 tuổi, chưa ai lập gia đình...
Ước mơ về ngày hòa bình được tiếp tục đi học, sẽ cùng mẹ lo cho đàn em, sẽ xây dựng hạnh phúc cho riêng mình, hay như liệt sỹ Nguyễn Thị Lan Anh chỉ đơn giản là được một lần gặp mặt người cha đã vào chiến trường khi chị mới phôi thai trong bụng mẹ... Những ước mơ ấy vĩnh viễn ở lại Lèn Hà, làm xanh thêm núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Mẹ của liệt sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, ở Thanh Ba, Phú Thọ nghẹn ngào: “ Khi bố Lan Anh đi bộ đội thì Lan Anh mới đẻ. Khi Lan Anh 17 tuổi, đủ tuổi đi bộ đội thì bố vẫn chưa về. Khi mà Lan Anh đi xuôi, báo cho bố là con đi bộ đội. Con thì đi xuôi, bố thì ngược, hai bên tàu tránh nhau không gặp nhau.”
3 cán bộ, chiến sỹ nam cùng hy sinh trong trận bom đó tuổi đời mới từ 26 đến 28, người vừa lập gia đình, người vừa nhận tin con mới sinh... Các anh chị mỗi người một quê hương, người nhập ngũ đã 7 năm, người mới 1-2 năm.
Với đồng đội còn sống như bà Thanh, những kỷ niệm về người đã hy sinh vẫn khắc ghi trong lòng: "Cô Mạnh hai má bánh đúc người lại trắng, tôi bảo thôi nhớ mẹ cho về "bú" mẹ xong đi. Nó cứ bảo mày vớ vẩn. Chị em cứ tìm mọi cách để mà khuây khỏa.”
Bà Vang tiếp lời: "Lúc bấy giờ làm gì có bồ kết mà gội đầu đâu, chính trị viên hay ra ngoài trung đoàn họp, ông ấy mua bồ kết xong ông ấy gọi chị em đến chia, còn mua những đồ lót, thủ trưởng bảo chúng mày mang về tất, đứa nào vừa cái nào lấy cái đấy. Tôi, Mạnh và Lan Anh, ba chị em gái và anh Cường, anh Khải, anh Thu và chính trị viên Quang đi trên đường, bom thì trên đầu nó rít, cứ đi chỗ này nó bỏ chỗ kia. Nhưng chúng tôi lúc bấy giờ vẫn hát, vẫn hò vẫn động viên nhau, mà chân tay thì phồng, chảy máu ra".
Thanh xuân của các anh, chị là những ngày tháng bên nhau chặt tre dựng trạm, ngày đêm bám máy chuyển tải thông tin hai chiều từ sở chỉ huy, Bộ Tư lệnh tới các đơn vị trên chiến trường. Sẵn sàng là cánh bồ câu đảm bảo mạch máu thông tin dưới mưa bom bão đạn, bất kể nắng mưa, thiếu thốn...Mỗi chiến sỹ vẫn luôn lạc quan, kiên cường, khắc phục sự cố trên các đường dây giữa núi rừng hiểm trở.
Như lời bà Thanh, bộ đội lúc đó đã làm việc bằng cả ý chí và anh linh những đồng đội đã ngã xuống: “Chỉ cần một phút mất liên lạc, ở chiến trường đổ không biết bao nhiêu là máu. Cho nên chúng tôi luôn sẵn sàng đến hơi thở cuối cùng. Sức mạnh như đồng đội đang ở cạnh, hỗ trợ cho mình. Liên tục 14 ngày bom đánh phá nhưng không quả bom nào rơi vào đường dây, những đường dây thông suốt, tôi ngẫm bảo như đồng đội phù hộ cho mình”.
Thành lập ngày 7/1/1967, giữa lúc chiến tranh ác liệt, A69 là trạm trung gian chuyển tiếp trên trục thông tin quân sự Bắc - Nam, vừa bảo đảm thông tin liên lạc cho các đơn vị toàn quân trên địa bàn. Đây cũng là kho dự trữ chiến lược trang bị khí tài thông tin của Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc. Bộ đội Thông tin liên lạc của Trạm Thông tin A69 đã chuyển tiếp hàng triệu phiên liên lạc của Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng chỉ huy, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sự hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm Thông tin A69 đã trở thành bất tử. Hang Lèn Hà đi vào lịch sử Bộ đội Thông tin liên lạc, đi vào lịch sử dân tộc như một khúc ca bi tráng. Khu Di tích lịch sử Quốc gia hang Lèn Hà (Quảng Bình) đã là điểm đến ý nghĩa, linh thiêng của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Đây đó trên những lùm cây, vạt cỏ như vẫn in dấu chân của những chiến sỹ bộ đội thông tin liên lạc trẻ trung ngoài ca trực giúp dân san lấp hố bom, tu sửa đường đi, nhà ở... vẫn hăng say trồng rau, đào ao, thả cá, nuôi lợn để đảm bảo đời sống của Trạm trong điều kiện chiến tranh đầy gian khó./.
Theo VOV
- Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương, chế độ và trợ cấp theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và Nghị định 73/2024/NĐ-CP
- Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
- Bài 2: Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi
- Bài 1: Hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước