Hồ sơ - Tư liệu

Nghị định số 106/2024/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi

Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

Minh Tú - 07:20 12/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nghị định số 106/2024/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi do Chính phủ ban hành ngày 01/8/2024, có hiệu lực từ 20/9/2024… Tòa soạn Tạp chí Nông thôn mới xin giới thiệu những nội dung về chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trong Nghị định này để bà con nông dân cả nước hiểu rõ.
TIN LIÊN QUAN

Hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng cho công tác di dời

Tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề.

Cụ thể, hỗ trợ bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho những đối tượng di đời: căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về chính sách hỗ trợ di dời, quy hoạch tỉnh, vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho đối tượng được di dời theo quy định của pháp luật về đất đai.

Lâm Đồng: Người dân bức xúc với một trang trại nuôi heo gây ô nhiễm nghiêm trọng giữa khu dân cư

Hỗ trợ không quá 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở.

Hỗ trợ không quá 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp; mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở.

Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; mức hỗ trợ tối đa không quá 03 tháng lương cơ bản/người.

Gỡ “nút thắt” cho nhiều địa phương

Theo quy định của Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ 01/01/2020), các địa phương có 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, tức là đến ngày 1/1/2025 các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư sẽ phải di dời. Tuy nhiên, sắp đến giờ G, công tác công tác di dời cơ sở chăn nuôi (CSCN) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi (KĐPCN) tại một số địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Ví dụ, ngày 19/12/2021, HĐND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 70/2021/NQ-HĐND quy định khu vực KĐPCN và chính sách hỗ trợ khi di dời CSCN ra khỏi khu vực KĐPCN trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 70). Tuy nhiên, Nghị quyết đã có nhưng do thiếu nguồn lực nên triển khai còn chậm chạp, kéo dài thời gian, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tiêu biểu như Thị trấn Mãn Đức có 2.720 hộ chăn nuôi, số hộ có diện tích chuồng trại kiên cố trên 50m2 là 328 hộ dân với tổng diện tích 32.492m2. Để triển khai Nghị quyết 70, cơ quan chuyên môn của huyện Tân Lạc và UBND thị trấn Mãn Đức đã tổ chức tuyên truyền, họp các hộ dân triển khai phương án hỗ trợ kinh phí và di dời, cũng như ký cam kết đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn nhưng hiệu quả vẫn rất hạn chế.

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nhiều bức xúc trong quần chúng nhân dân

Hay như tại Đồng Nai, hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi, bao gồm cả các nông hộ tại nhiều huyện của tỉnh này - nơi được xem là “thủ phủ chăn nuôi” của cả nước, chuẩn bị di dời ra khỏi khu vực dân cư và những nơi không được phép chăn nuôi, theo quy định của Luật chăn nuôi hiện hành. Công tác vận động được chính quyền địa phương tiến hành rốt ráo nhưng một số hộ dân không nhất trí, không ký cam kết thực hiện do không biết chuyển chuồng trại đi đâu, nhiều hộ đã đầu tư nhiều vào chăn nuôi mà chưa kịp thu hồi vốn. 

Những khó khăn mà đa số địa phương đang gặp phải đều có nét tương đồng. Đó là tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi hướng sản xuất cho những hộ KĐPCN. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ di dời chưa có quy định cụ thể để các địa phương mạnh dạn áp dụng cho các dộ dân. Và cùng với đó là khó khăn vì không có quỹ đất để di chuyển các hộ chăn nuôi đến khu chăn nuôi tập trung. 

Có thể nói, Nghị định số 106/2024/NĐ-CP do Chính phủ vừa ban hành, quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bằng tiền bao gồm: sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu sản xuất trong nước, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi; chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi, sẽ là “cứu cánh”, gỡ các nút thắt bấy lâu nay cho các địa phương. Với việc có một văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể, với nhiều hỗ trợ về tài chính cho các hộ dân đủ điều kiện nhận hỗ trợ di dời, chúng ta đều kỳ vọng công cuộc “đại di dời” các điểm gây ô nhiễm môi trường do chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ trên cả nước sẽ nhanh chóng thành công, trả lại một bầu không khí trong lành cho các khu dân cư và bảo vệ tối đa sức khỏe người dân Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác