Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến hậu cần chiến lược, là hậu phương của chiến trường miền Nam, mà còn là tuyến vận tải đảm bảo chi viện đắc lực cho chiến trường Lào và Campuchia. Trong 16 năm xây dựng và chiến đấu, các chiến sĩ Trường Sơn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, làm nên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN – CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH
Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 – “Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt”, do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho cách mạng miền Nam. Năm 1965, Đoàn 559 trở thành Bộ Tư lệnh 559. Từ thời điểm này, Bộ Tư lệnh 559 đã chuyển từ vận chuyển chi viện cho chiến trường bằng gùi thồ sang vận chuyển chủ yếu bằng cơ giới. Ngày 29/7/1970, Bộ Tư lệnh 559 phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Từ đây, Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn trải rộng trên địa bàn của 11 tỉnh Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh đông bắc Campuchia, thống nhất chỉ huy các lực lượng của Việt Nam hoạt động ở Trung và Hạ Lào.
Tên tuổi cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với chiến trường Trường Sơn huyền thoại, với những chiến thắng lịch sử, chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc, giành độc lập dân tộc.
Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh. Trong khoảng thời gian đó, bộ đội Trường Sơn phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt của máy bay và bom đạn Mỹ; phải đối mặt với những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo nhất, với các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất mà Mỹ, ngụy sử dụng. Gần 10 năm làm Tư lệnh là quãng thời gian mà Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến trường với quy mô lớn nhất. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tham mưu của mình chỉ huy một lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt lên tất cả, hoàn thành xuất sắc sự chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của 3 nước Đông Dương.
Thời gian làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967 - 1976) cũng là giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải lớn với hàng chục, hàng trăm ngả như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”.
Giai đoạn 1966-1970, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã chọn thôn 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) làm căn cứ chiến đấu, tiếp sức cho chiến trường miền Nam; là nơi đặt Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Sở Chỉ huy Tiền phương Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông - Tây, nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng. Trục dọc, trục ngang có độ dài 17.000 km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, đường sông dài 600 km; có đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200 km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350 km.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn chủ động xây dựng hệ thống thông tin và tuyến đường xăng dầu Trường Sơn, bảo đảm công tác chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến đầu năm 1971, hệ thống thông tin tải ba đã được bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của 3 nước Đông Dương, bảo đảm sự chỉ huy từ tổng hành dinh tới tận chiến trường Nam Bộ. Hệ thống điện thoại đã được trang bị cho tất cả cấp đại đội và tương đương, tới các trọng điểm, trạm phẫu thuật… của toàn chiến trường Trường Sơn. Tuyến đường ống xăng dầu xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400 km cũng được hoàn thành, cùng với đó là hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000 m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800 m3/ngày đêm trên một hướng.
TRI ÂN NHỮNG CON NGƯỜI “XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN ĐI CỨU NƯỚC…”
Trong ký ức của Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam, con đường Trường Sơn gian khổ, ác liệt, song cũng đầy vinh quang và tự hào: “Chiến trường lớn phải tập trung mở đường, chi viện phải có đường, có ô tô, lương thực, vũ khí, đạn dược. Có tới 2,5 triệu thanh niên xung phong, hàng chục lượt các đơn vị từ cấp trung đoàn, sư đoàn bổ sung, chi viện cho chiến trường miền Nam”.
Thiếu tướng Võ Sở cho biết, địch tập trung đánh phá ác liệt trong 10 năm, từ năm 1965 - 1975, không quân Mỹ đã thả xuống đường Trường Sơn trên 4 triệu tấn bom đạn đủ loại, gấp đôi tổng số bom đạn dùng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trước tình hình đó, Bộ đội Trường Sơn huy động toàn bộ lực lượng, tổ chức thành các binh chủng, bộ đội xe, công binh, bộ đội pháo... xác định tư tưởng quyết tâm đánh địch, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
“Nhân dân Việt Nam là một nước rất kiên cường, dũng cảm chống ngoại xâm. Suốt cả chiều dài lịch sử, cả dân tộc phát huy sức mạnh toàn dân, cả nước lên đường chống Mỹ. Địch mạnh nhiều bom đạn, máy bay, vũ khí, đạn dược nhưng không thể rải khắp cả chiến trường rộng lớn được” - Thiếu tướng Võ Sở khẳng định.
Bộ đội Trường Sơn đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ và ngày càng vươn sâu đến các mặt trận, các chiến trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam và giúp cách mạng hai nước Lào, Campuchia. Từ năm 1973-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn binh chủng trực thuộc; quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn 1 vạn thanh niên xung phong.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng bảo đảm đưa các quân đoàn, sư đoàn chủ lực của ta vào chiến trường để làm nên Đại thắng mùa Xuân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến công ấy là một kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta, là niềm tự hào của Bộ đội Trường Sơn cùng hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân các dân tộc trên dãy Trường Sơn.
Với những người lính cựu, kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn là dịp ôn lại lịch sử hào hùng của những con người một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đồng thời giáo dục thế hệ sau về lòng biết ơn, niềm tự hào với quá khứ oanh liệt, vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn.
Nhân kỷ niệm 65 năm “Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” năm nay, Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1971-1975”.
Đại tá Vũ Trình Tường, Trưởng ban lịch sử Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết: “Hội phát động thi đua toàn quốc; các tổ chức thành viên của Hội tổ chức kỷ niệm 65 năm; Hội thảo của Bộ đội Trường Sơn... Chúng tôi có sự chuẩn bị kỹ càng, phối hợp chặt chẽ các đơn vị Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Binh đoàn 12 và Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam”.
Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn, các cấp Hội Trường Sơn đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, thăm lại chiến trường xưa, các hoạt động nghĩa tình, thăm hỏi, tặng quà các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công...và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Sáng 13/5/2024, Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn, ngày 20/4/2012 Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh được thành lập. Hiện nay, Hội có hơn 33 nghìn hội viên. Những năm qua, Hội đã vận động đóng góp, tiếp nhận từ các đơn vị, công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 297 ngôi nhà tình nghĩa cho hội viên khó khăn, hội viên nữ cô đơn; tặng quà hội viên khó khăn, đối tượng chính sách, con cháu hội viên nghèo khó học giỏi, tổng kinh phí 18 tỷ 560 triệu đồng; hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai 1,8 tỷ đồng và nhiều hàng hóa khác. Cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng thời tích cực phát huy truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ.
Sáng 11/5, Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị đã tổ chức dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ban Liên lạc cũng đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật các cựu binh Bộ đội Trường Sơn cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử đánh giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Các cựu binh Trường Sơn cũng đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Tắt - Trường Sơn. Đây là nơi tôn vinh, tưởng nhớ đến những liệt sĩ hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc nhưng chưa được quy tập, đang nằm lại trên núi rừng Trường Sơn. Đoàn cũng đến dâng hoa, dâng hương tại đền thờ Bác Hồ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
PHÁT HUY PHẨM CHẤT CÁCH MẠNG, TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN ANH HÙNG
Trong suốt 16 năm từ 1959 đến 1975, hệ thống giao thông Trường Sơn không chỉ là tuyến đường chiến lược quan trọng, mà còn là một trận địa quyết liệt giữa ta và địch. Đến thời bình, tuyến đường là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết và quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất của Tổ quốc, cũng như mối quan hệ đoàn kết giữa Nhân dân 3 nước: Việt Nam, Lào và Campuchia.
Gắn bó với đường Trường Sơn trong giai đoạn cam go nhất, hơn ai hết, cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hiểu ý nghĩa, tiềm lực to lớn của tuyến đường này trong bảo vệ Tổ quốc. Mong muốn của vị tướng Trường Sơn ngày nào là làm sao hiện đại hóa tuyến đường, khắc phục được những hạn chế của con đường trong quá khứ, để trong tương lai trở thành con đường huyết mạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc…
Bởi vậy, năm 1991, dù đã nghỉ hưu nhưng khi dự án xây dựng đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “Trồng bảo vệ rừng phòng hộ”, tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh. Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý với đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một số cán bộ lão thành cách mạng. Kể từ đó, công trình chính thức lấy tên gọi mới là đường Hồ Chí Minh.
Tại tỉnh Quảng Trị, Khe Hó thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh là điểm xuất phát của tuyến đường Hồ Chí Minh hay Đường 559. Đây là địa điểm mà “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) đã chọn làm nơi tập kết hàng hóa, đạn dược, khởi đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khe Hó nằm giữa thung lũng hẹp, dưới chân dãy núi Động Nóc, cạnh thượng nguồn sông Rào Thanh. Năm 2011, Khe Hó được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia “Địa điểm xuất phát của Đường dây 559”.
Đường Hồ Chí Minh kéo dài từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), dài 2.744 km, quy mô tối thiểu 2 làn xe. Dự án đường Hồ Chí Minh đến nay đã hoàn thành hơn 90%, dự kiến đến năm 2025 dự án sẽ cơ bản hoàn thành, nối thông tuyến để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, đến năm 2025 sẽ cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở sử dụng quốc lộ 32 và quốc lộ 21; rà soát, từng bước đầu tư, nâng cấp đường Hồ Chí Minh theo quy mô phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
16 năm chiến đấu anh dũng, Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…
Nguồn TTXVN, VOV