LongForm

Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị “Về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”, đã đặt ra mục tiêu tổng quát với Hội Nông dân Việt Nam. Đó là đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trong mục tiêu tổng quát đó, có hai nhóm nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện là hàng năm thành lập mới 5.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 500 chi hội nông dân nghề nghiệp; Vận động từ 450.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 1.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 200 hợp tác xã nông nghiệp.

Những mục tiêu đó là cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, tăng cường trách nhiệm của Hội Nông dân trong việc đại diện,  chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nông dân; động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng NTM bền vững và công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng liên minh giữa giai cấp Công nhân với giai cấp Nông dân và đội ngũ trí thức, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với nông dân.

Nghị quyết 46 và đặc biệt Quyết định 182/QĐ-Ttg ngày 20/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”, đã chỉ rõ phương hướng nhiệm vụ cụ thể cho hoạt động của Hội Nông dân các cấp; Nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong nông nghiệp của Hội Nông dân; khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân; thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của thành viên, hộ gia đình, thực hiện vai trò và trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững.

Là người sinh ra, lớn lên và công tác tại vùng đất được coi là nghèo nhất huyện Phù Ninh và luôn ấp ủ ước mơ làm giàu cho quê hương, bà Nguyễn Thị Anh Tấn, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Ninh càng hiểu rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của Hội Nông dân trong việc đưa những Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, của tổ chức Hội Nông dân phù hợp với điều kiện cuộc sống, thực tiễn của địa phương.

Được Huyện ủy phân công phụ trách xã Gia Thanh từ những ngày thương hiệu hồng không hạt Gia Thanh còn chưa nhiều người biết đến, bà Tấn thấu hiểu câu chuyện “được mùa, mất giá” của cây hồng và tiếc nuối của người nông dân khi bị ép giá. Đang canh cánh về việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở địa phương trong đó có cây hồng không hạt Gia Thanh nên bà Tấn càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Anh Tấn cho biết: Hội Nông dân huyện Phù Ninh đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện về thế mạnh sản phẩm của từng địa phương để cấp ủy, chính quyền có định hướng đầu tư cho các sản phẩm này. Đặc biệt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện đã nhấn mạnh về vai trò của kinh tế tập thể trong nông nghiệp, trong tiêu thụ sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh. Được sự đồng tình, ủng hộ của Huyện ủy, UBND huyện, nắm vững địa bàn, con người Gia Thanh, bà Tấn đã chỉ đạo Hội Nông dân xã và trực tiếp về hỗ trợ hội viên nông dân trẻ thành lập Hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh, sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao năm 2024 và cùng với HTX dịch vụ Nông nghiệp Gia Thanh để hỗ trợ bà con nông dân phát triển, tiêu thụ sản phẩm hồng Gia Thanh. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn hỗ trợ để 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là: Nón lá Gia thanh và Nón lá kỹ nghệ Gia Thanh.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Tấn, trước đây, nhóm hội viên nông dân trẻ hoạt động tự phát, mua gom hồng và nón lá của bà con địa phương đi tiêu thụ nhưng chỉ là manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả không cao. Hợp tác xã hồng không hạt Gia Thanh ra đời tháng 6/2024 có 9 thành viên và chỉ trong một thời gian ngắn, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Hội Nông dân huyện và UBND xã Gia Thanh nên HTX đã có bước phát triển vượt bậc, riêng vụ hồng năm 2024, HTX đã tiêu thụ được khoảng 30 tấn hồng..

Chị Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Hợp tác xã hồng không hạt Gia Thanh phấn khởi cho biết: Khi chưa thành lập HTX, các bạn trong nhóm tiêu thụ nhỏ lẻ chỉ được vài tấn/vụ. Từ ngày được Hội Nông dân huyện mà trực tiếp là chị Nguyễn Thị Anh Tấn – Chủ tịch Hội giúp đỡ, tư vấn sử dụng công nghệ, bán hàng trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… mà chỉ mới bắt đầu vụ hồng, HTX đã bán được hơn 10 tấn hồng và dự kiến hết vụ hồng sẽ tiêu thụ khoảng 50 tấn. Đặc biệt, việc phân loại, định giá sản phẩm hồng đã giúp cho bà con nông dân không phải chịu cảnh một nắng, hai sương rồi cay đắng nhìn thương lái thu mua ăn lãi cao hơn cả người trồng.

“Với phương thức, cách làm như hiện nay và được sự ủng hộ, hướng dẫn của Hội Nông dân, sự tin tưởng của người dân, chúng tôi tin tưởng sẽ trở thành một đơn vị thu mua và phân phối hồng uy tín nhất huyện Phù Ninh trong tương lai”, chị Mai Hương tự tin khẳng định.

Chia sẻ niềm vui vì năm nay hồng được mùa, được giá, anh Trần Thanh Phương, một nông dân trồng hồng tại khu 2, xã Tiên Du cho biết: Những năm trước, người trồng hồng Gia Thanh rất vất vả chăm sóc cây hồng rồi lại tiếc của khi bị thương lái ép mua với giá bèo bọt. Có năm, hồng chín rộ, người nông dân cố giữ không bán giá rẻ nhưng đành phải chịu thua sự lọc lõi của thương lái dày dạn kinh nghiệm và thủ đoạn thương trường. Năm nay, có HTX tiêu thụ sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh đứng ra thu mua nên giá bán hồng năm nay ổn định, không bị tình trạng thương lái ép giá như đã từng xảy ra do thị trường đã có một “thước đo” chuẩn về giá.

“Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Gia Thanh và Hợp tác xã hồng không hạt Gia Thanh đã có sự thống nhất về phân loại, định danh và định giá cho sản phẩm hồng với các loại 6 – 8 quả/kg, 10 – 15 quả/kg và trên 20 quả/kg. Các thương lái về thu mua hồng tại Phù Ninh không thể thực hiện biện pháp thu mua “đổ đống, tính cân” hay “được mùa ép giá” như mọi năm mà phải căn cứ theo giá người dân thống nhất và thỏa thuận. Nếu họ không muốn mua theo giá đó thì người dân sẽ bán cho Hợp tác xã hồng không hạt Gia Thanh dù bị chậm thanh toán khoảng 10 ngày so với thương lái, nhưng bù lại sẽ được HTX đến tận nhà thu mua”, anh Trần Thanh Phương thông tin.

Ông Triệu Quang Báo, Bí thư Chi bộ khu 2 xã Gia Thanh, người có vườn hồng lớn nhất, nhì xã cởi mở: “Chúng tôi cứ việc hái và ngâm hồng, ngày nào Hợp tác xã cũng đến tận nơi thu mua nên chúng tôi không phải tự mang đi bán”. Bí thư Chi bộ khu 2 trả lời băn khoăn về vấn đề thanh toán của chúng tôi trong nụ cười rạng rỡ: “Cứ bán còn tiền thì lấy sau, có gì chị Tấn chịu trách nhiệm hết”.

Bà Nguyễn Thị Anh Tấn cho rằng, việc thành lập HTX mới chỉ là bước đầu, để hoạt động ổn định, bền vững thì vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước. Ngay địa điểm của HTX cũng là nhà riêng của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho mượn. “Chúng tôi vận động được một số hội viên ủng hộ bằng cách cho con cháu bán hàng trước, trả tiền sau nhưng vẫn rất khó khăn về vốn. Hội Nông dân huyện đang làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huyện có phương án cho HTX vay vốn để phát triển và đẩy mạnh công tác tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cho bà con” – bà Tấn chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phù Ninh (Phú Thọ) khẳng định, việc đẩy mạnh phát triển cây hồng Gia Thanh trên địa bàn huyện là một trong những cơ sở vững chắc giúp cho huyện Phù Ninh dự kiến về đích Huyện NTM vào năm 2025.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm: Trong Nghị quyết số 02 –NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) có khẳng định cần tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng NTM, phấn đấu đưa huyện Phù Ninh cơ bản trở thành huyện NTM vào năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1,9%, hộ cận nghèo còn dưới 1,7%... Theo đó, toàn huyện cần thực hiện tốt Đề án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản huyện Phù Ninh giai đoạn 2020 – 2025; làm tốt công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất; phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hoá, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình thực hành sản xuất cây ăn quả (cây hồng, cây bưởi), cây chè nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

“Vai trò của nông nghiệp trong xây dựng NTM chiếm một vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nói chung và xây dựng NTM nói riêng. Bởi xây dựng NTM, mục đích cuối cùng là để người dân được thụ hưởng, đặc biệt là người nông dân. Vì vậy, để đạt được mục tiêu trên thì việc mở rộng phát triển cây hồng Gia Thanh trên địa bàn huyện là một trong những cơ sở để nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, góp phần to lớn để xây dựng NTM. Đồng thời, xây dựng phát triển hồng Gia Thanh giúp cho khu dân cư xanh, sạch, đẹp, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Phù Ninh nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung” – ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định.

Theo ông Vinh, trước đây khi chưa phát triển mạnh cây hồng thì xã Gia Thanh và nhiều xã khác trên địa huyện chủ yếu là diện tích vườn tạp, bạch đàn chồi, diện tích vườn rừng bỏ hoang. Việc phát triển cây hồng Gia Thanh đã giúp kinh tế, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, khiến việc vận động người dân đóng góp cho xây dựng NTM cũng thuận lợi hơn. Theo số liệu báo cáo của huyện Phù Ninh, hiện giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 115 triệu đồng/ha/năm (giai đoạn trước năm 2020 là đạt 90 triệu/ha). Từ việc phát triển này góp phần giúp huyện đạt mục tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Ông Hán Xuân Đang – Bí thư Đảng ủy xã Gia Thanh cho biết: Năm 2022, sản phẩm quả hồng không hạt Gia Thanh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng lòng của nhân dân trên địa bàn trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP 4 sao hồng không hạt Gia Thanh nên bước đầu đã dần khẳng định được giá trị trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng biết đến; nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất giúp người nông dân cải thiện cuộc sống.

Chia sẻ về hiệu quả kinh tế từ cây hồng Gia Thanh, ông Nguyễn Hồng Chất – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Du cho biết: Thực hiện nghị quyết của huyện ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp thì cây hồng Gia Thanh trong những năm gần đây trên địa bàn xã Tiên Du phát triển cũng rất mạnh, toàn xã đã có từ 25-27ha hồng Gia Thanh, được trồng phân tán ở các hộ dân trên toàn địa bàn.

Cây hồng Gia Thanh có đóng góp hiệu quả kinh tế đối với phát triển kinh tế nông nghiệp. Hàng năm, giá hồng Gia Thanh dao động trong khoảng từ 50.000 – 70.000 đồng/kg cho nên nhiều người dân đã chuyển đổi sang trồng hồng. Sản lượng ngày càng tăng, nên thu nhập của người dân cao hơn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, góp phần xây dựng NTM trên địa bàn xã Tiên Du.

Theo ông Chất, hồng Gia Thanh mang lại hiệu quả cao hơn so với cây trồng khác, một cây hồng chỉ chiếm khoảng 10 – 15m2, cây hồng từ 5-10 năm tuổi có thể cho thu nhập từ 2 – 4 triệu đồng/cây. Hộ có diện tích lớn nhất trên địa bàn là gần 1ha như hộ gia đình ông Vọng ở khu 3; ông Sinh, ông Quyền ở khu 9… Đây là những hộ trồng lâu năm, do họ lấy được cây giống tốt ở xã Gia Thanh nên chất lượng quả tương đương như ở Gia Thanh.

“Trong thời gian sắp tới, chúng tôi tiếp tục giao cho các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nông dân chuyển thành vùng trồng hồng theo hướng hàng hóa; đồng thời, UBND xã phân công cán bộ xã chỉ đạo, theo dõi việc mở rộng diện tích hồng Gia Thanh trên địa bàn. Tận dụng tất cả các loại đất, đặc biệt diện tích đất đồi cho giá trị, sản lượng cao để mở rộng thêm diện tích. Dự kiến trong những năm tới diện tích tăng 20- 30ha. Đây sẽ là cơ sở để giúp các hộ dân tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành tiêu chí thu nhập sẽ giúp Phù Ninh về đích Huyện NTM vào năm 2025”, ông Nguyễn Hồng Chất cho biết thêm.

Ông Nguyễn Phúc Suyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phù Ninh cho hay, chủ trương của huyện Phù Ninh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích hồng Gia Thanh trên phạm vi toàn huyện. Cùng với đó, Phù Ninh đang hướng dẫn người dân kết hợp giữa làm nông nghiệp sạch, an toàn, với du lịch tham quan, trải nghiệm thực tế cho các đoàn học sinh, sinh viên ngành Nông – lâm nghiệp, học sinh của các trường Trung học và du khách thập phương.

“Đây là mô hình bền vững và là xu thế của ngành Nông nghiệp trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng. Nông nghiệp kết hợp du lịch, du lịch giúp nông nghiệp phát triển. Nếu làm tốt, người dân sẽ có nguồn thu kép, bởi hầu hết các vườn hồng đều rất đẹp vào mùa lên lá non và mùa quả chín”, ông Suyên cho biết.

Chị Hán Thanh Bình cho biết, những năm gần đây, vào mùa hồng lên lá non lên, nhất là mùa hồng chín, ngoài việc tiếp khác hàng đến thăm quan, mua hồng, gia đình chị còn đón hàng chục đoàn khách đến theo các tour du lịch trải nghiệm, hoặc các đoàn nhỏ, gia đình đến thăm quan, chụp ảnh check-in tại vườn hồng. Theo bà Bình, hiện gia đình vẫn chưa thu phí thăm quan, mà chỉ kết hợp việc bán hồng và phục vụ dịch vụ ăn uống tại chỗ cho các đoàn khách thăm quan.

Ngoài sản vật “tiến Vua” hồng Gia Thanh, ở xã Gia Thanh còn có một làng nghề rất nổi tiếng, đó là làng nghề làm nón lá xóm Rền. Nghệ nhân Triệu Thị Nhường, Tổ trưởng Tổ nghệ nhân làng nghề làm nón lá xóm Rền cho biết, nghề nón xóm Rền, đã có hàng trăm năm nay. Trước đây người dân xóm Rền may nón bằng nõn lá cọ, cốt nón và kỹ thuật làm khác với nón bình thường của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những năm 60 của thế kỷ trước, một số người làng Chuông, xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) đã lên tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) xây dựng kinh tế mới, đã mang theo nghề gia truyền của họ đến vùng đất Gia Thanh. Và những người thợ tài hoa ở nơi đây, đã khéo léo kết hợp hai loại nón, dung hòa kỹ thuật xử lý vật liệu… làm nên nón lá Gia Thanh ngày nay. Trải qua bao thăng trầm, ngày 26/12/2005 ông Ngô Đức Vượng - Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó đã ký Quyết định công nhận xóm Rền là “Làng nghề truyền thống nón lá”.

Theo bà Nhường, gia đình bà đã qua nhiều thế hệ làm nón, đây là một nghề phụ nên bất cứ lúc nào người dân cũng có thể tranh thủ làm nón, tăng thu nhập cho gia đình. Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ đã kết hợp với Hội Nông dân huyện Phù Ninh tổ chức đón khách du lịch nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm làm nón lá tại xóm Rền.

Thông thường người dân sẽ làm nón ở nhà, khi nào có đoàn khách, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ và Hội Nông dân huyện, tỉnh sẽ thông báo, theo đó các nghệ nhân sẽ tập trung đến nhà ông Hán Văn Luân để biễu diễn cho du khách xem cách làm nón ngay tại sân nhà. Và tại đây, du khách sẽ được tham quan và trải nghiệm làm nón cùng các nghệ nhân.

Việc du khách đến với Gia Thanh thời gian qua, đã giúp cho bà con nơi đây tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, nón lá xóm Rền sẽ có cơ hội “bay” ra nước ngoài, theo chân các du khách, qua đó mở ra cơ hội xuất khẩu cho nón lá và là cơ hội để quảng bá thêm văn hóa của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Nắm bắt ngay cơ hội, cùng với Sở Du lịch tỉnh Phú Thọ, Liên minh các HTX tỉnh Phú Thọ, Hội Nông dân huyện Phù Ninh đã cố gắng để nghề nón lá xóm Rền, cùng các vườn hồng không hạt Gia Thanh trở thành điểm đến mới, giúp cho du khách có một hành trình trải nghiệm đầy thú vị, nhất là các hành trình “Về nguồn”, bởi chuỗi hành trình này chứa đựng cả nguồn cội, lịch sử, văn hóa, nông nghiệp xanh và du lịch trải nghiệm.

Chia sẻ với chúng tôi về định hướng tương lai của ngành Nông nghiệp và du lịch Phù Ninh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Quang Vinh vui vẻ cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây đặc sản hồng Gia Thanh, giải quyết tốt khâu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm và hoàn thành chỉ dẫn địa lý cho hồng Gia Thanh trên địa bàn huyện. Kết hợp chặt chẽ với các điểm du lịch nổi tiếng của Phú Thọ như Khu di tích lịch sử Đền Hùng, di tích khảo cổ xóm Rền, làng nghề nón lá Gia Thanh, các đồi hồng đẹp ở xã Gia Thanh, Bảo Thanh, Tiên Du, Phú Lộc… từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phấn đấu đến cuối năm 2025 Phù Ninh sẽ về đích Huyện NTM”.

Cuộc sống vào nghị quyết; nghị quyết vào cuộc sống đó là mối quan hệ biện chứng không thể tách rời. Đây chính là kết quả của lý luận gắn với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Bởi, nếu nghị quyết xây dựng không xuất phát từ cơ sở thực tiễn, nhu cầu của người dân, cộng đồng, mục tiêu đặt ra xa rời thực tiễn cuộc sống thì chỉ là những nghị quyết suông, khó đi vào cuộc sống. Ngược lại, khi có nghị quyết “trúng và đúng” rồi nhưng không đưa vào cuộc sống thì nghị quyết đó không có tác dụng.

Nghị quyết 94, Nghị quyết 95 của Huyện ủy huyện Phù Ninh ra đời từ năm 2021, đến nay vẫn nguyên giá trị và phù hợp với Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 Bộ Chính trị  của “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”Đặc biệt 2 Nghị quyết trên đã thể hiện rõ sự đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng thông qua việc xây dựng, ban hành các nghị quyết sát, đúng như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "...mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau” - (trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" của Tổng Bí thư Tô Lâm) 

Cuộc sống là tiêu chí, thước đo đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết; cuộc sống chứng minh, kiểm nghiệm nghị quyết. Từ việc phát triển mô hình trồng hồng không hạt ở Gia Thanh có thể thấy rằng, để cây hồng Gia Thanh phát triển mạnh mẽ, trở thành cây chủ lực, vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân ở huyện Phù Ninh như hiện nay xuất phát từ việc tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống, qua đó hình thành nên nghị quyết “mang hơi thở của cuộc sống” và chính nghị quyết đó quay trở lại “soi đường” cho thực tiễn, phục vụ cuộc sống, đem lại lợi ích cho người dân, cộng đồng. Khi “Ý Đảng hợp lòng Dân”, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” (Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) thì mọi việc sẽ thành công.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác