LongForm

Từ xa xưa, vùng đất Tổ (Phú Thọ ngày nay) đã nổi tiếng với “tứ phẩm tiến Vua” gồm: Gà chín cựa (Tân Sơn); bưởi (Đoan Hùng); hồng Gia Thanh (Phù Ninh) và cá Anh vũ (Việt Trì). Trong bốn sản vật “tiến Vua” đó, hồng Gia Thanh đứng vị trí thứ ba (tam phẩm). Giá trị, danh giá là thế, nhưng hồng Gia Thanh đã một thời gian dài từng bị… lãng quên, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Giờ đây cả một vùng rộng lớn, cây hồng Gia Thanh bén rễ, xanh cây cho quả ngọt và đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây. Ai đã “đánh thức”, tìm lại giá trị của sản vật “tiến Vua” quý giá này?

Về Gia Thanh những ngày này, đi đến đâu chúng ta cũng dễ bắt gặp những chiếc xe tải chở đầy hồng đã được đóng hộp với nhãn mác hồng Gia Thanh, bon bon ra quốc lộ xuôi về phía Việt Trì, Vĩnh Phúc, Hà Nội… để tiêu thụ. Và nghe người dân nói chuyện về hồng Gia Thanh, với vẻ mặt đầy phấn khởi, bởi năm nay hồng được mùa, được giá. Quan sát chúng tôi thấy bên đồi hồng là những ngôi biệt thự mái Thái, mái Nhật… khang trang đua nhau mọc lên, tạo nên một bức tranh làng quê hiện đại, hoàn mỹ. Người dân nơi đây cho biết, những ngôi nhà đó đều được xây từ tiền bán sản vật “tiến Vua” hồng Gia Thanh độc đáo này.

Trong những năm gần đây, đời sống của người dân thay đổi là thế, nhưng ít ai biết rằng, trước khi cây hồng được trồng đại trà ở Gia Thanh và sau này là cả huyện Phù Ninh, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào các loại cây như: Cây cọ, sơn, sắn, bạch đàn… đã dần lỗi thời kém hiệu quả.. Sự khó khăn đó được “khắc họa” bằng việc Gia Thanh nhiều năm liền nằm trong danh sách xã nghèo nhất huyện Phù Ninh và tỉnh Phú Thọ.

Để tìm hiểu rõ về nguồn gốc, sự thăng trầm của cây hồng Gia Thanh, chúng tôi đã tìm về vùng đất có đặc sản này. Theo người dân nơi đây kể lại, cây hồng Gia Thanh đã được trồng trên vùng đất Gia Thanh từ rất lâu đời, không ai có thể nhớ chính xác có tự bao giờ. Đến người già nhất ở đây cũng chỉ nhớ, khi họ lớn lên đã thấy nó ở góc vườn hay bờ rào rồi. Như một quy luật chọn lọc tự nhiên, có lẽ do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, nên giống hồng Gia Thanh thường cho quả rất sai, to, ăn rất ngon với vị ngọt thanh, mát, bùi rất đặc biệt. Và cũng chính những đặc điểm vượt trội đó, hồng Gia Thanh xưa kia đã từng trở thành một trong “tứ phẩm tiến Vua” không thể thiếu ở vùng đất Tổ.

Được biết, gia đình anh Hán Xuân Đang, ở khu 1, xã Gia Thanh, người đã “cứu”, "hồi sinh" cây hồng trước bờ vực tuyệt chủng và là người đầu tiên quyết tâm phát triển, xây dựng lại thương hiệu sản vật “tiến Vua” hồng Gia Thanh trên chính những đồi cọ, bạch đàn… kém hiệu quả kinh tế, là tác nhân chính khiến người dân nơi đây bao đời nay luẩn quẩn mãi trong cái nghèo không sao thoát ra được.

Khi xe đang bon bon trên con đường bê tông nông thôn mới (NTM) rộng rãi khang trang, hai bên là những vườn ngô xanh tốt đang ra bắp, cờ trổ lắc lư phấp phới trong gió, bỗng phóng viên Minh Tú, đồng nghiệp của chúng tôi cầm lái phanh khự lại. Đây rồi! Nhà “Vua hồng” đây rồi. À quên vườn hồng Gia Thanh của nhà anh Hán Xuân Đang, người mà chúng ta cần tìm đây rồi. Nghe phóng viên Minh Tú nói vậy, cả nhóm hướng tầm mắt về phía có tấm biển: Vườn hồng đặc sản Gia Thanh – và mũi tên chỉ đi thẳng 100m, khiến ai nấy đều rất hào hứng.  

Chưa đầy 3 phút, trước mắt chúng tôi là một vườn hồng xanh mướt, đẹp như một bức tranh. Cạnh đó là ngôi nhà khang trang, đang tấp nập người ra vào đóng gói hồng. Bước xuống xe, trước mắt chúng tôi là 4 – 5 bạn trẻ, tay thoăt thoắt nhặt những quả hồng đủ tiêu chuẩn, chất lượng đóng vào thùng để kịp giao cho khách. Bên sân giếng, chúng tôi nhìn thấy những thùng phuy, chậu lớn, chứa đầy những quả hồng vàng ươm đang “ngụp lặn” bì bõm trong nước.

Thấy chúng tôi tò mò, chị Hán Thanh Bình, vợ anh Đang giải thích: Hồng Gia Thanh là một loại rất đặc biệt, quả chín cây không ăn được, xanh càng không ăn được vì vô cùng… chát. Nhưng lạ thay, khi ngâm đủ 48 giờ bằng nước giếng khơi, nhất là những giếng cổ có nguồn nước mát, ổn định, thì ăn rất giòn, ngon, ngọt thanh đến lạ.

Chị Bình cho biết, đã gần một năm nay, ngôi nhà của gia đình chị đã được gắn thêm một “định danh” mới, là trụ sở của HTX tiêu thụ hồng Gia Thanh và chị chính là Phó Giám đốc của HTX này. Biết chúng tôi đến tìm hiểu về cây hồng, chị Bình cáo lỗi hôm nay bận nên anh Đang không về tiếp đoàn được, rồi dẫn chúng tôi lên khu đồi hồng của gia đình.

Con đường lên đồi hồng, được xây bậc để hạn chế độ dốc. Vừa bước được mươi bậc, trước mắt chúng tôi là những cây hồng hàng chục năm tuổi, quả sai trĩu cành. Giữa vườn được kê bộ bàn ghế đá làm nơi tiếp khách, điểm chụp ảnh "check - in" cho du khách. Chị Bình cho biết, hiện gia đình chị có khoảng 1,7ha hồng, trong đó hơn 1ha hồng từ 15 – 25 năm tuổi, còn lại là hồng hơn 8 - 9 năm tuổi, với khoảng 400 gốc đang cho quả, mỗi năm cho thu hàng chục tấn hồng và hàng nghìn cây giống.

“Năm nay, gia đình ước thu khoảng 10 tấn hồng, với giá 50.000 – 55.000 đồng/kg, thu về hơn 500 triệu đồng và cung cấp cho người dân hàng nghìn cây giống/năm, với giá từ 100.000 – 250.000 đồng/cây, tùy cây cao hay thấp. Có được ngày hôm nay, gia đình tôi đã phải đánh đổi rất nhiều, chồng tôi đã từng “ngã lên, ngã xuống”, cũng may anh ấy mạnh mẽ, kiên định và được sự động viên, giúp đỡ của các bác lãnh đạo trên xã, đã tiếp thêm động lực để anh ấy quyết tâm khôi phục lại cây đặc sản hồng Gia Thanh”, chị Bình tâm sự.

 

Trong quá trình tìm hiểu về nhân vật đặc biệt - đảng viên trẻ Hán Xuân Đang, người đã “cứu” và "hồi sinh" cây hồng Gia Thanh, một sản vật “tiến Vua”, chúng tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về ý chí, nghị lực, sự quyết tâm, kiên định, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng nêu gương đi đầu, dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn của anh. Trong những câu chuyện đó, có cả những “tiếng bấc, tiếng chì” và cả những lời dị nghị, gán ghép… “gàn dở” của ai đó? Nhưng vẫn không sao lay chuyển ý chí, sự quyết tâm với vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong việc hồi sinh, phát triển và nâng tầm cho cây hồng Gia Thanh trong đảng viên trẻ Hán Xuân Đang.

Và người lính cụ Hồ, đảng viên trẻ Hán Xuân Đang năm xưa, người đã “cứu” và hồi sinh sản vật “tiến Vua” hồng Gia Thanh, hiện nay đang giữ một trọng trách - Bí thư Đảng ủy xã Gia Thanh, lại chính là người mà chúng tôi đang mong muốn tìm gặp!

Rời vườn hồng “cổ tích” của gia đình chị Bình khi đã quá trưa, chúng tôi về UBND xã Gia Thanh và được gặp Bí thư Đảng ủy xã, ông Hán Văn Đang.

Bí thư Đảng ủy xã bắt tay mọi người với sự cởi mở, chân thành, gần gũi khiến chúng tôi có cảm giác như người quen, như đã làm việc với nhau từ bao giờ rồi vậy. Bí thư Đang bảo, chuyện về cây mũi nhọn - hồng Gia Thanh, như một câu chuyện cổ tích có hậu vậy. Trong câu chuyện này, ông đã từng bị cho là… “gàn dở”. Bởi đã cả gan phá hết đồi cọ, sơn, bạch đàn… thứ cây đã gắn bó và nuôi sống người dân bao đời nay, để trồng vải Lục Ngạn và sau này là hồng Gia Thanh. Chuyện chưa từng xảy ra ở vùng đất Tổ này.

“Được và mất, đúng và sai chỉ cách nhau gang tấc. Với tôi, “gàn dở” hay không không quan trọng. Điều quan trọng đối với tôi là mình làm được gì để giúp cho gia đình, cho quê hương thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu và lớn hơn nữa là xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh!” - Bí thư Đảng ủy xã Gia Thanh - Hán Xuân Đang bộc bạch.

Nhấp chén trà, Bí thư Đang cho biết, ông sinh năm 1971, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có 8 anh chị em, ông là con thứ 6. Năm 18 tuổi ông vào quân ngũ, thuộc Trung đoàn 14, Sư đoàn 323 đóng quân ở Hà Giang. Năm 21 tuổi, với sự nỗ lực của bản thân, ông vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Sau khi xuất ngũ, ông về địa phương và được bầu làm Bí thư Đoàn xã Gia Thanh. Năm 1996, ông lập gia đình và tách ra ở riêng, rồi sinh 2 con một trai, một gái, nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn…

Theo ông Đang, những năm 1980, hầu hết người dân nơi đây đều nhận khoán của HTX dịch vụ nông nghiệp Gia Thanh để trồng và chăm sóc cây cọ. Theo đó, cây cọ ra khoảng 12 lá/năm, thì HTX thu 7 lá, còn 5 lá người dân được bán cho ai có nhu cầu lợp nhà, hoặc chuồng trại gia súc, gia cầm. Nhưng từ năm 1990 trở lại đây, người dân không còn lợp tranh cọ nữa, khiến hiệu quả kinh tế cây cọ vốn rất thấp nay lại về con số 0. Do đó HTX đã bán “thanh lý” cho các hộ. Nhận thấy cây cọ đã hết “Sứ mệnh lịch sử”, gia đình ông và người dân đã mạnh dạn chặt bớt một phần để trồng bạch đàn… bán cho Nhà máy giấy Bãi Bằng. Khổ nỗi năm 1999, Nhà máy giấy Bãi Bằng làm ăn kém hiệu quả, nên hạn chế mua gỗ, với lại bạch đàn chồi chậm lớn, sản lượng thấp khiến thu nhập của người dân rất bấp bênh. Thời gian này, ở xã Gia Thanh cũng như nhiều xã khác, là một bài toán nan giải về việc nuôi con gì, trồng cây gì có hiệu quả kinh tế để thay thế?

Khi đó, đảng viên trẻ Hán Văn Đang đang làm Trưởng ban Chỉ huy Quân sự xã Gia Thanh. Là cán bộ, đảng viên mà để vợ con nghèo khổ, bà con bế tắc không có kế sinh nhai, khiến anh Đang khổ tâm, trăn trở. Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, trách nhiệm đi đầu, nêu gương… của đảng viên, không chấp nhận sống mãi trong cảnh nghèo khó; qua báo, đài anh Đang được biết vải Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang rất được giá, là cây tiền tỷ lúc bấy giờ. Sau khi tìm hiểu, người đảng viên trẻ này đã về thuyết phục gia đình cho phá hơn 1ha đồi cọ, bạch đàn để trồng vải Lục Ngạn.

“Khi nghe tôi trình bày ý định phá cọ, bạch đàn trồng vải, gia đình không ngăn cản, vì hiểu tính tôi đã quyết là làm. Bố tôi chỉ nói, mỗi loại cây thường phù hợp với một loại thổ nhưỡng, khí hậu… khác nhau. Vải Lục Ngạn cho hiệu quả kinh tế cao ở Lục Ngạn, nhưng về Gia Thanh có mang lại hiệu quả kinh tế hay không là chuyện khác. Còn trẻ cứ làm đi, ngã thì đứng dậy, còn trẻ ngã còn có cơ hội làm lại. Đi rồi sẽ đến, sợ nhất là đứng im! Còn vợ tôi thì buồn, lo ra mặt, nhưng vẫn tin tưởng đi theo chồng!”, Bí thư Hán Văn Đang nhớ lại.

Khi đó, đứng trước quả đồi rậm rạp lau sậy, không đường, không điện, không hàng xóm. Dù rất ủng hộ và tin tưởng chồng, nhưng người vợ trẻ cũng không ít lần khóc thầm ướt gối. Vừa động viên vợ, vừa đi làm, hễ về đến nhà là anh Đang lao vào khai hoang, vỡ đất, trồng vải, rồi xen ngô, sắn, đào ao thả cả, kết hợp tích nước mùa khô, lấy ngắn, nuôi dài… Những tưởng với sự nỗ lực không mệt mỏi, anh sẽ gặt được quả ngọt. Không, sự thực không như là mơ. Những cây vải Lục Ngạn “đỏng đảnh”, sau khi “định cư” vùng đất mới cứ quặt quẹo chết dần chết mòn, sau một thời gian chỉ còn lại nhúm… cành khô. Chứng kiến cảnh tượng này, khiến anh Đang như chết lặng, đau xót vô cùng!

Cuối năm 1999, đang lúc bế tắc, thì Đại tá Triệu Quang Chiến, người thủ trưởng, đồng hương của anh Đang về quê nghỉ phép. Nghe cậu lính tài hoa, dũng cảm của mình đang bế tắc, trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình, địa phương, ông lẳng lặng dẫn anh Đang ra cạnh gốc hồng cổ thụ trước sân nhà, (nay được cho là cây hồng Tổ ở Gia Thanh - PV) chỉ tay lên những cành hồng trĩu quả, Đại tá Chiến căn dặn: “Cậu biết đấy, từ lâu giống hồng Gia Thanh được mọi người biết đến là sản vật “tiến Vua” nổi tiếng của xã ta. Cây hồng này đã được ông cố nhà tôi trồng cách đây 80 năm, nay vẫn cho 3 - 4 tạ quả một vụ, sao cậu không thử nhân giống ra xem sao. Đây là sản vật “trời ban” cho bà con nơi đây. “Vàng”, chứ không phải “thau” đâu nhé. Hãy tin tôi đi!”.

Anh Đang kể, Đại tá Chiến vừa dứt lời, toàn thân anh Đang như vừa có một luồng điện chạy ngang qua, khiến anh “dừng hình” vài giây đứng như một pho tượng vậy. Anh tự trách bản thân, hóa ra bấy lâu nay, mình đang sống cạnh “kho báu”, sản vật “tiến Vua” trời ban, mà không biết! Tay anh run lên khi chạm vào gốc cây hồng Tổ sần sùi, cổ kính, mắt nhìn chằm chằm vào chùm quả đang ngả màu vàng óng, với ý nghĩ đầy quyết tâm: “Cây thoát nghèo và làm giàu cho quê hương là đây chứ đâu”. Người đảng viên trẻ Hán Xuân Đang muốn hét lên như vừa tìm ra chân lý, vừa tìm thấy “kho báu” vậy.

Hiểu được nỗi lòng của người đồng đội cũ, Đại tá Chiến đã truyền lại cho anh Đang tất cả những tập tính sinh trưởng, cách nhân giống, cách chăm sóc loại cây đặc sản “tiến Vua” quý giá này...

Thấy chồng trở về nhà với một nắm rễ hồng, lấy làm lạ, chị Bình hỏi, ngại vợ lo lắng hoặc bàn lùi, nên anh Đang nói đại là lấy về làm thuốc… chữa đau răng, nhưng lý do đó không thuyết phục được. Biết không giấu được vợ, anh đành nói thật, về ý định phá nốt 5.000m2 cọ, bạch đàn để trồng hồng của mình. Anh Đang vừa dứt lời, chị Bình giãy nảy như “đỉa phải vôi”. Bởi lâu nay chỉ thấy bà con trồng vài cây cho gia đình ăn, chứ có thấy ai bán được cho ai quả nào đâu mà làm kinh tế hay là lại “kinh tệ”! Hơn nữa, giống hồng này phải trồng 6, 7 năm mới cho quả. Thời gian đằng đẵng như vậy lấy gì mà ăn bây giờ?

Các cụ nói cấm có sai: “Người bị rắn cắn sợ dây thừng”. Vợ anh vừa trải qua một “cú sốc” lớn, khi chứng kiến mô hình “trồng vải Lục Ngạn lấy… củi” của anh. Hiểu được tâm lý của vợ, với bản lĩnh kiên định không ngại khó, ngại khổ của người lính cụ Hồ, trách nhiệm đi đầu, nêu gương của đảng viên, vận dụng dân vận mềm dẻo, “mưa dầm, thấm lâu”, anh đã thuyết phục được người vợ trẻ ủng hộ, giúp đỡ mình.

“Bố tôi thường nhắc, ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó. Hậu phương có vững chắc, thì tiền tuyến mới chắc thắng. Sau khi nghe phân tích kỹ lưỡng về đặc tính, ưu nhược điểm của cây đặc sản “tiến Vua” hồng Gia Thanh, thì bà xã chính là người đi thuyết phục bố mẹ tôi cho chặt nốt 5.000m2 cọ, bạch đàn còn lại để trồng hồng”, Bí thư Đang chia sẻ.

Đặc điểm cây hồng Gia Thanh là không thể nhân giống bằng hạt, vì không có hạt, cũng không thể chiết cành hay ghép mầm, chỉ có một cách nhân giống duy nhất, là cắt rễ cây mẹ rồi giâm. Và năm 1999, cả xã Gia Thanh lúc đó chỉ có khoảng 60 cây hồng cổ, nằm rải khắp nơi, thường mỗi hộ chỉ có vài cây, duy chỉ có gia đình ông Nguyễn Trọng Yên có nhiều nhất 20 là cây.

Biết thuyết phục ông Yên không dễ, anh Đang đã nhờ bố mình tác động mở lời, vì hai ông từng có thời gian công tác cùng nhau. Nhưng cũng phải năm lần, bảy lượt qua thuyết phục, cuối cùng với sự tâm huyết, trân trọng của anh cũng được ông Yên đồng ý cho đào rễ ở 20 gốc hồng quý lấy rễ nhân giống. Sau 3 ngày trời hì lục đào, anh lấy được 300 đoạn, mỗi đoạn khoảng 20cm, giá 5.000 đồng/đoạn. Từ 300 đoạn rễ giống đó, anh đã may mắn giâm thành công 250 cây hồng giống.

Và những cây giống đầu tiên cũng đã được anh trồng trên đất đồi cọ. Gặp đất mới, màu mỡ những cây giống lên xanh tốt, khiến anh rất vui, nên đã mua thêm lân, đạm để bón cho cây. Nhưng vì bón quá tay, nên chính những hạt lân, đạm mà anh nghĩ sẽ tốt cho hồng đã trở thành “thuốc độc” hại cây khiến có nhiều cây lá đã ngả màu vàng úa. Bởi cây hồng không thích hợp với phân bón hóa học, với lại cây non, rễ yếu, khi bón lân, đạm vào rễ cây xót không ra rễ mới được. Lo lắng, sợ không kịp thời cứu, những cây hồng sẽ giống này sẽ chết, anh vội vàng cầu cứu khắp nơi. Rất may, khi đó anh đang học lớp đại học tại chức tại Việt Trì, anh được một người bạn giới thiệu cho một “chuyên gia” cây trồng có tiếng ở Việt Trì. Có được cẩm nang, anh vội vàng moi gốc hồng lên, cắt tỉa rễ thối, bôi keo liền sẹo, rồi lấy đất mới trồng lại, tưới nước kích rễ và giữ ẩm đều đặn.

Cũng may, chỉ một thời gian sau, những cây hồng yếu đã hồi sức. Sau 2 năm miệt mài chăm sóc, cuối cùng hơn 1ha hồng đầu tiên của gia đình anh Đang cũng đã lên xanh tốt, cao ngang đầu. Nhìn những mầm hồng trăng trắng mốc đang ngóc đầu vươn lên trời cao, mà trong lòng trào dâng niềm hạnh phúc. “Thấy cây hồng lớn lên từng ngày, bà xã nhà tôi vui lắm, bà chăm hồng còn hơn chăm chồng, con vậy!”, Bí thư Đảng ủy xã  Gia Thanh Hán Xuân Đang cười hiền nhớ lại.

Khi biết thành công sẽ “gõ cửa”, anh Đang đã mạnh dạn trình bày, chia sẻ mô hình với Đảng bộ xã Gia Thanh, nhằm xin ý kiến cấp ủy ủng hộ và tuyên truyền để người dân cùng làm theo. Theo Bí thư Đang, khi đó, mặc dù chưa có sự chỉ đạo bằng văn bản, nhưng lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Gia Thanh rất ủng hộ mô hình trồng hồng của anh, đồng thời chỉ đạo các chi bộ vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây cọ, bạch đàn sang cây hồng.

Bí thư Đang bộc bạch: “Nhận được sự ủng hộ đó khiến tôi càng quyết tâm hơn. Vì việc làm của tôi nếu thất bại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng, Đảng bộ và các chi bộ trong mắt quần chúng nhân dân. Với tư cách của người đảng viên, không cho phép tôi dừng lại, hay nghĩ đến điều xấu có thể xảy ra để lường trước hậu quả”.

Khi đó, với sự hỗ trợ kỹ thuật nhiệt tình của anh Đang, chỉ dẫn cho bà con từ cách làm đất, cách lấy rễ, chăm sóc mầm, rồi thông số kỹ thuật để trồng hồng..., chỉ sau gần 1 năm, diện tích hồng của Gia Thanh đã lên hơn 5ha, với hơn 20 hộ trồng…

Câu chuyện của người lính cụ Hồ, đảng viên trẻ Hán Xuân Đang, nay là Bí thư Đảng ủy xã Gia Thanh là câu chuyện người thực, việc thực. Trong câu chuyện này chúng ta thấy một người đảng viên trẻ luôn gương mẫu, đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phẩm chất đó đã được tôi luyện trong quân ngũ và những khó khăn, thách thức khi anh trở về với cuộc sống đời thường...!

(còn nữa!)

Tin cùng chuyên mục
Tin khác