LongForm

Kỳ 2: Bí thư giỏi công tác Đảng, khéo đưa Nghị quyết vào cuộc sống

22:09 30/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Khi phong trào bỏ ngô trồng chè đang lên cao, diện tích chè ngày một tăng, thì cây chè lại rơi vào một bi kịch như nhiều cây trồng ở nhiều nơi khác của nước ta:"Được mùa, mất giá"! Người dân chịu áp lực bỏ cây chè để quay lại với cây ngô. Đứng trước khó khăn này, một lần nữa vai trò của tổ chức Đảng, trách nhiệm của người đứng đầu lại được khẳng định.

 

Ông Giàng Quốc Hưng được bổ nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Mường Khương từ cuối năm 2019, nhưng đến đầu năm 2020, Bí thư Hưng mới chính thức nhận nhiệm vụ trên cương vị mới, khi vừa tròn 38 tuổi, mang theo tinh thần sức trẻ và khát vọng cống hiến, đúng như lời phát biểu khi nhậm chức: “Ở cương vị mới, tôi sẽ tiếp tục kế thừa những thành quả, kinh nghiệm quý báu của các lãnh đạo đi trước, đem hết khả năng, trí tuệ, tâm huyết chung sức, đồng lòng cùng Ban Chấp hành Đảng bộ huyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hứa sẽ làm hết sức mình để cùng Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đoàn kết, xây dựng Mường Khương ngày một phát triển”.

Những ngày đầu Bí thư Giàng Quốc Hưng “chân ướt, chân ráo” về nhận nhiệm vụ mới ở huyện vùng biên là những ngày muôn vàn khó khăn. Nông nghiệp huyện đang gặp trục trặc, đúng hơn là phát lộ mâu thuẫn trong quá trình phát triển, khi cây chè, chuối, dứa… sau một thời gian chuyển đổi đúng hướng, diện tích canh tác tăng lên nhưng các biện pháp quảng bá và giải pháp tiêu thụ nông sản chưa phát triển tương ứng, dẫn đến bế tắc đầu ra. Điệp khúc “được mùa, mất giá” lại một lần nữa xuất hiện trên vùng đất Mường Khương – nơi biên cương vốn đã khó, nay càng khó khăn hơn. Và “mối nguy” lớn hơn nữa, đó là sợ người dân tộc đồng bào anh em vì thất bại của cây chè mà không còn tin vào định hướng, con đường mà Đảng đã chọn.

Thực tại ấy khiến người Bí thư trẻ tuổi ấy rất trăn trở. Làm thế nào để vừa giữ được cây chè Shan tuyết, vừa giữ được niềm tin người dân trước nguy cơ nhiều hộ muốn phá cây chè, bởi đầu ra bấp bênh, giá cả lao dốc, thu không đủ bù chi… là một bài toán không dễ có lời giải. Bài toán đó, không chỉ khó với Bí thư Giàng Quốc Hưng, mà có lẽ với nhiều vị lãnh đạo khác trong hoàn cành này. Bối cảnh giải quyết vấn đề không còn như 10-15 năm trước. Sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung và thương mại điện tử nói riêng bên cạnh sự thay đổi tâm lý của người tiêu dùng đã tác động rất lớn đến cách thức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản. Nó đã chứng minh, nếu không thay đổi, không kịp thích nghi thì thất bại của cây chè Mường Khương đã hiển hiện trước mắt. Vì vậy, không dễ một sớm, một chiều có thể giải quyết được vấn đề này.

Trưởng thành từ Công tác Đoàn, Bí thư Giàng Quốc Hưng có điều kiện được tích lũy nhiều kiến thức, không chỉ ở lĩnh vực phụ trách, mà đa dạng các lĩnh vực khác nhau: Đảng, Đoàn, kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự; tiếp xúc và có mối quan hệ thân thiết với nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông cũng đã có cơ hội đi đây đó, tham quan, học hỏi nhiều mô hình về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong và ngoài nước, gần đây là những thực tế mô hình về chuyển đổi số trong nông nghiệp… Từ những chuyện nhỏ nhặt như việc chụp ảnh, livetream bán hàng của người dân trên các nền tảng số, mạng xã hội zalo, facebook… cho đến những vấn đề chính trị lớn như xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hay phát triển lớp đảng viên trẻ kế cận… đều được ông chia sẻ một cách lưu loát, thuần thục. Những kiến thức này đã giúp ông lãnh đạo Huyện uỷ thông qua những quyết sách mang tính đột phá tại Mường Khương.

Đang lúc cây chè, cây chuối ở Mường Khương cũng như nhiều nông sản ở các huyện khác của tỉnh đang gặp khó về đầu ra, ngày 26/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai thông qua và ban hành Nghị quyết 10–NQ/TU về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Nghị quyết đã xác định 5 cây trồng chủ lực của tỉnh, thì riêng Mường Khương đã có 4 loại cây chủ lực: Chè, chuối, dứa, quế. Nghị quyết đã xác định rất rõ ràng, mục tiêu là lấy nông nghiệp làm “bệ đỡ”. Nhưng làm thế nào để cụ thể hóa, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống ở Mường Khương là việc không hề dễ, đòi hỏi người đứng đầu phải đủ: “Tâm, Tầm và Tài”, biết khai thác triệt để trí tuệ của tập thể, biết khơi dậy và phát huy trí tuệ, tính sáng tạo của mỗi cá nhân.

Thực hiện Nghị quyết 10–NQ/TU, Bí thư Giàng Quốc Hưng cho tổ chức các cuộc họp lãnh đạo chủ chốt, đầu ngành, để tìm giải pháp căn cơ, nhằm phát triển tốt nhất 4 cây trồng chủ lực, trong đó cây chè được đặt lên hàng đầu.

“Tôi yêu cầu tất cả các cán bộ, “lục lọi” lại trong trí nhớ, trong danh bạ điện thoại, trong các mối quan hệ… bằng mọi cách để tìm và kêu gọi các doanh nghiệp quen biết và các doanh nghiệp khác, vận động họ về Mường Khương để đầu tư. Cá nhân tôi cũng đã vận dụng triệt để các mối quan hệ để làm sao “kéo” được doanh nghiệp về đầu tư, phát triển ở Mường Khương càng nhiều càng tốt” – Bí thư Giàng Quốc Hưng cho biết.

Ông Hưng cho biết, 100% các doanh nghiệp khi đến Mường Khương, đều được “trải thảm đỏ” chào đón và tạo điều kiện hết mức có thể. Các doanh nghiệp không những không mất một “đồng quà, tấm bánh” nào, mà còn có “quà” mang về. Đó là những sản phẩm, đặc sản của quê hương như: Gạo Séng Cù, ớt Mường Khương, chè Shan tuyết Tả Thàng, Thanh Bình… Sự chu đáo từ những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy đã khiến các doanh nghiệp cảm nhận được thành ý, quyết tâm mời gọi nhà đầu tư của Huyện ủy, UBND Huyện.

Với cách làm đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Mường Khương đã có thêm 6 nhà máy chế biến chè mọc lên, với công suất lên đến hàng chục nghìn tấn chè mỗi năm. Việc có thêm các nhà máy, đã phá vỡ thế “độc quyền” của doanh nghiệp thu mua trước đó, tạo nên cuộc cạnh tranh lành mạnh, mà ở đó cả doanh nghiệp và người dân cùng có lợi.

“Thương trường là chiến trường. Thương trường mà không có sự cạnh tranh, doanh nghiệp rất dễ lợi dụng thế “độc quyền” của mình để ép giá, khiến người dân thiệt đơn, thiệt kép. Nhưng chính không có sự canh tranh, doanh nghiệp cũng không có áp lực để cải tiến dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm… Vấn đề mấu chốt ở đây là thế “độc quyền” đó đã không những hạn chế tốc độ phát triển của doanh nghiệp mà còn kìm hãm nỗ lực thoát nghèo và làm giảm thu nhập của những người nông dân” – Bí thư Giàng Quốc Hưng chia sẻ.

Sau hơn 2 năm Nghị quyết 10 – NQ/TU ra đời và đi vào cuộc sống, những “trái ngọt” mùa đầu mà Nghị quyết đem lại đối với người dân tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Mường Khương nói riêng là rất lớn. Người dân đã yên tâm và tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng. Hiện Mường Khương có 9.017ha trồng cây chủ lực. Trong đó: Cây chè 4.915 ha; cây chuối 1.455 ha; cây dứa 1.480 ha; cây quế 1.167 ha. Riêng cây chè chiếm gần 50% tổng diện tích các cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện, tương đương với 2/3 diện tích chè của toàn tỉnh Lào Cai.

Các giống chè được Mường Khương trồng chủ yếu như: Chè Shan Tuyết, chè Kim Tuyên, chè Bát Tiên, chè Trung du. Sản lượng chè đạt 24.200 tấn/năm. Hiện với giá bán bình quân 8.000 đồng/kg chè búp tươi, mỗi năm giá trị thu được từ sản xuất chè búp tươi khoảng 194 tỷ đồng. 100% đầu ra chè tươi của người dân, được các nhà máy sơ chế, chế biến thu mua ổn định. Nhờ đó, thu nhập của người dân ngày một nâng cao, đời sống ngày một được cải thiện, người dân càng yên tâm gắn để bó với cây chè, củng cố niềm tin vào chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước đã đề ra.

Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng cho biết, hiện nông nghiệp Mường Khương đang trên đà phát triển. Những năm gần đây, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng ngành Nông nghiệp   huyện vẫn đạt bước tăng trưởng từ 6–7%/năm.

“Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định rõ, trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn là “bệ đỡ” của nền kinh tế Mường Khương, xây dựng cây chè thành vùng chè trọng điểm của tỉnh, nhưng sẽ được cụ thể hóa và nâng lên “một tầng cao mới”. Trong đó, chúng tôi sẽ chú trọng vào việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản, thay đổi tập tục canh tác cũ, sang sản xuất theo chuỗi, liên kết ngang, dọc… Chúng tôi hướng đến 100% diện tích các cây chủ lực đều được canh tác theo mô hình VietGAP, từng bước nâng cao giá trị của từng sản phẩm. Trong đó, Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã và đang được huyện thực hiện rất hiệu quả” – Bí thư Hưng cho biết thêm.

Bí thư Giàng Quốc Hưng cho biết có 5 lý do để huyện đặt niềm tin vào cây chè trong tương lai sẽ trở thành cây làm giàu, chứ không chỉ là cây thoát nghèo:

Thứ nhất: Thổ nhưỡng, ở Mường Khương rất thích hợp với cây chè, đặc biệt là cây chè Shan tuyết.

Thứ hai, khí hậu, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm của Mường Khương rất cao, đã tạo ra phẩm chè rất tốt. Đây là lợi thế cạnh tranh với cây chè ở địa phương khác.

Thứ ba, người dân Mường Khương đã trồng cây chè từ mấy chục năm nay, nên có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh cây chè.

Thứ tư, cây chè có một giá trị kinh tế vô cùng bền vững, nó có một vòng đời lên tới 70-80 năm, nếu thâm canh tốt. Như vậy, có thể hai, ba thế hệ cùng được thừa hưởng cây chè sau một lần trồng.

Thứ năm, suất đầu tư ban đầu cho cây chè cũng không phải là cao, chỉ khoảng 70 triệu đồng/ha. Như vậy, rất phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của người dân Mường Khương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hoa – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mường Khương cho biết thêm, hiện nay ở Mường Khương có ba hình thức liên kết chủ yếu là: Liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; Liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ; Liên kết theo chuỗi giá trị khép kín.

Ông Hoa đã gắn bó với ngành Nông nghiệp từ nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ ngành Nông nghiệp Mường Khương có được vị thế lớn mạnh như hiện nay. Người dân phấn khởi, hăng say lao động, hết vụ này lại gối vụ khác. Trồng hết đất chỗ này lại phát triển ra chỗ khác. Chỉ tính riêng cây chè, hiện Mường Khương đã có khoảng 5.000ha và phấn đấu tới năm 2025 đạt 6.500ha.

“Để có được các chuỗi liên kết này, những người phụ trách ngành Nông nghiệp như tôi và bà con nông dân phải cảm ơn các cấp lãnh đạo nhiều lắm. Nếu không có những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Huyện ủy có lẽ ngành nông nghiệp ở Mường Khương vẫn cứ mãi “lẹt đẹt”, chứ chưa thể “đột phá” như hiện nay được” – ông Hoa bày tỏ.

Để khuyến khích người dân phát triển gắn bó với nông nghiệp, tỉnh Lào Cai và huyện Mường Khương đã có nhiều chính sách để hỗ trợ người dân. Cụ thể, đối với cây chè, hỗ trợ trực tiếp gần 40 triệu đồng/ha. Đối với cây chuối, được hỗ trợ 50 triệu đồng/ha. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ lớn lao giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, kiên định với cây hàng hóa chủ lực, tiếp tục đi theo con đường mà Đảng, chính quyền địa phương vạch ra.

 Bên cạnh việc tiếp tục phát triển mở rộng diện tích, huyện còn đặc biệt quan tâm tới đầu ra của cây chủ lực, đặc biệt là cây chè. Hiện Mường Khương có nhiều sản phẩm chè với phẩm cấp khác nhau, cấp trung, cấp khá và cấp cao. Một số sản phẩm chè có phẩm cấp rất cao, đã và đang chinh phục được nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan và đặc biệt là thị trường Đông Âu, Trung Đông.

Trao đổi với chúng tôi về việc hưởng ứng Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Chính phủ, Bí thư huyện ủy Giàng Quốc Hưng tỏ ra rất hào hứng. Theo ông, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của thời đại và Huyện ủy, UBND huyện đều xác định, nông nghiệp phải gắn với chuyển đổi số thì mới có thể nâng cao giá trị kinh tế. Chuyển đổi số sẽ giúp nông sản Mường Khương có tính kết nối cao và khai thác được nhiều thị trường tiềm năng. “Chúng tôi xác định chuyển đổi số đầu tiên phải là hạ tầng, thứ hai là phải chuyển đổi được tư tưởng của người dân cũng như của cán bộ, đảng viên trong áp dụng chuyển đổi số vào trong cuộc sống cũng như trong sản xuất” – Bí thư Hưng khẳng định.

Bí thư Hưng cho biết thêm, trong những năm vừa qua, người dân trong huyện đón nhận chuyển đổi số trong nông nghiệp rất nhiệt tình. Hiện nay Mường Khương có nhiều kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtobe… và nó đã và đang mang lại hiệu quả rất cao. Một người dân đang ở trên nương rẫy của mình, nhưng vẫn có thể bán hàng vào tận TP. Hồ Chí Minh, thậm chí cả nước ngoài. Nhiều kênh bán hàng qua hình thức livestream đã giúp người dân Mường Khương tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả.

Bà Vùi Thị Dua, hội viên Hội Nông dân thôn Gia Khâu A, xã Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai), một trong những người dân thường xuyên ứng dụng chuyển đổi số vào việc bán hàng, thông qua các ứng dụng như: Zalo, tittok, facebook… cho biết: “Trước đây tôi thường dùng facebook, zalo và tittok để đăng các sản phẩm nông sản của gia đình. Năm 2022, tôi mở đại lý bán vật tư nông nghiệp, nên tôi thường đăng tải cập nhật các sản phẩm lên mạng xã hội, các nhóm... để người dân nắm được và thuận tiện hơn cho việc mua bán".

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, qua nhiều thế hệ bí thư huyện ủy kế tiếp, nhân dân Mường Khương nói chung, nông dân nói riêng đã củng cố được niềm tin với con đường thoát nghèo và làm giàu với cây chè cũng như những cây con chủ lực mà Đảng bộ và chính quyền địa phương đã lựa chọn.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác