Phú Thọ: Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân
Làm tốt công tác kiểm tra giám sát ở các cấp Hội
Năm 2024, Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát trong năm; Xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát số 03-KH/UBKT, ngày 17/5/2024 của Ủy ban Kiểm tra Hội Nông dân tỉnh về kiểm tra hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân năm 2024 tại 2 huyện Đoan Hùng và Thanh Ba; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra giám sát nguồn vốn tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách năm 2024.
Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tiến hành 271 cuộc kiểm tra, giám sát, tập trung kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, việc chấp hành Điều lệ Hội, quy chế hoạt động của Ban Chấp hành; kiểm tra việc xây dựng, quản lý, sử dụng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ hội; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ, các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân… Các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã tổ chức được 401 buổi tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 32.577 lượt hội viên nông dân; phối hợp giải quyết được 289 đơn và hòa giải thành công 94 vụ; tổ chức được 38 cuộc phối hợp tổ chức đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nông dân, qua đó đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân, giúp nông dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp tỉnh Phú Thọ có biện pháp chỉ đạo, khắc phục hạn chế và tổ chức thực hiện các phong trào nông dân đạt chất lượng hiệu quả hơn, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Bên cạnh đó, các cấp Hội trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt các chủ trương đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân; tổ chức tuyên truyền, quán triệt học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch như: Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028; Quyết định số 182/QĐ-TTg, ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”; Kế hoạch số 1113/KH-UBND, ngày 22/3/2024 về thực hiện Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ...
Trong công tác tuyên truyền, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động có hiệu quả như: Xuất bản cuốn Thông tin Công tác Hội và đăng tải các tin, bài trên Trang thông tin điện tử, trang Fanpage “Nông dân Đất Tổ”, “Nông sản Đất Tổ” làm tài liệu sinh hoạt công tác Hội, góp phần bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế, phản ánh, cung cấp thông tin đa chiều, kịp thời, hiệu quả, góp phần tích cực định hướng tư tưởng, chính trị, dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi tỉnh Phú Thọ” năm 2024; tổ chức Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Phú Thọ” năm 2024, kết quả đã có 11 huyện, thành phố gửi 31 giải pháp tham gia dự thi. Các cấp Hội trong tỉnh cũng tham gia đóng góp ý kiến đối với cuốn “Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 1930-2024”.
Phát huy, nhân rộng mô hình điểm về giải quyết khiếu nại tố cáo
Các cấp Hội trong tỉnh Phú Thọ cũng đã triển khai một số mô hình điểm, trong đó mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” được phát triển và nhân rộng. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo, phối hợp với Hội Nông dân huyện Thanh Sơn và Cẩm Khê tổ chức ra mắt 2 Câu lạc bộ “Nông dân với Pháp luật” với 100 thành viên tại xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn và thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê; triển khai tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho thành viên câu lạc bộ và hội viên nông dân trên địa bàn xã Sơn Hùng và thị trấn Cẩm Khê với 200 hội viên tham gia học tập. Đây vừa là mạng lưới tuyên truyền pháp luật, hòa giải viên, vừa là lực lượng nòng cốt trong phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động hội viên nông dân chấp hành pháp luật ở địa phương.
Hội ND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm 2024 và kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ sở Hội tiếp tục duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân; phối hợp tổ chức 401 hội nghị tập huấn hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân, cộng tác viên, tuyên truyền viên cơ sở; số đơn thư phối hợp giải quyết là 289 đơn và hòa giải thành công 94 vụ; tích cực phối hợp tổ chức đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nông dân (cấp xã tổ chức được 38 cuộc). Các cấp Hội thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước tại địa phương; đẩy mạnh tham mưu công tác đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu, xem xét kết nạp Đảng được 75 hội viên.
Các cấp Hội trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện giám sát phản biện xã hội theo Quyết định 217, 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị với các nội dung: Công tác quản lý, khai thác và sử dụng các dịch vụ nông nghiệp, chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; việc thực hiện chính sách hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp giúp nông dân phát triển sản xuất; tham gia góp ý các hoạt động của chính quyền các cấp, tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân tại các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp...
Trong công tác tham mưu chủ trương chính sách, Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 55-CTr/TU, ngày 22/02/2024 về thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1113/KH-UBND, ngày 22/3/2024 về thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 1891/KH-UBND, ngày 15/5/2024 về Tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại với nông dân trên địa bàn tỉnh năm 2024, tham mưu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định kiện toàn ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ ban chỉ đạo, kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo.
Có thể nói, công tác giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội ND tỉnh Phú Thọ đã đạt những kết quả thiết thực. Thông qua hoạt động giám sát, Hội đã kịp thời kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế. Các nội dung giám sát được lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế, lĩnh vực hội viên, nông dân quan tâm phản ánh. Qua giám sát, phản biện xã hội theo chức năng của tổ chức Hội Nông dân, nhiều ý kiến, kiến nghị thiết thực của Hội được các cơ quan chức năng tiếp thu, chỉnh lý, giải quyết./.