An Giang có 92 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP”
An Giang có 92 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP”
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An giang: Phát trển sản phẩm đạt chứng nhận OCOP sẽ góp phần tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững của địa phương và hơn hết cần phát huy sự tham gia của cộng động mà các đơn vị sản xuất trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của cả nước nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng.
Đến cuối tháng 8/2023, toàn tỉnh An Giang có 92 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 15 sản phẩm đạt 4 sao, 72 sản phẩm đạt 3 sao; có 62 chủ thể sản xuất kinh doanh có sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường...
Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận, bàn về các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh: Kinh nghiệm trong triển khai thực hiện du lịch gắn với Chương trình OCOP của TS. Ngô Thị Thu Trang ở Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong; Thông tin về các Chính sách của ngành Công thương hỗ trợ sản phẩm OCOP của Sở Công thương; đảm bảo chất lượng sản phẩm, những giải pháp của các địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình.
Sự chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị kinh tế trong quá trình tham gia Chương trình, tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đã đạt; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP An Giang của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm, nâng cao thu nhập góp phần tạo nên thương hiệu cho sản phẩm OCOP tỉnh An Giang.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Chương trình vẫn tồn đọng khó khăn sau gần 5 năm triển khai. Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhưng chưa thực sự bền vững, thể hiện một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế; thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình; chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của các đơn vị.
Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP. Công tác quản lý, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận còn là vấn đề cần được quan tâm và đẩy mạnh.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang cho biết: Trong thời gian tới, Chương trình OCOP cả nước nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy các đơn vị sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương; chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững trong phát triển kinh tế nông thôn; Ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản có lợi thế và có giá trị truyền thống, đặc thù của các địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy ngành nghề nông thôn nhằm phát huy sức sáng tạo của người dân nông thôn.
Cần có các giải pháp về bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu cộng đồng
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức một cách sâu rộng, thường xuyên, liên lục thông qua các phương tiện thông tin truyền thông; gắn kết và lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, nâng cao đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, tư vấn Chương trình OCOP và các đơn vị kinh tế.
Hỗ trợ các đơn vị tham gia về phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị, cơ giới hóa, công nghệ chế biến quy mô vừa và nhỏ; hỗ trợ thực hiện bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; xúc tiến thương mại; hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề; hỗ trợ tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phát triển ngành nghề nông thôn, dịch vụ du lịch gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm OCOP gắn với với việc tư vấn, hỗ trợ tham gia các chương trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Cần tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh của địa phương; xác định các sản phẩm thuộc các nhóm ngành theo quy định, là tiềm năng về nguyên liệu, ngành nghề nông thôn, du lịch cộng đồng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các đơn vị để phát triển sản phẩm; Gắn nhiệm vụ của Chương trình OCOP vào nhiệm vụ chung thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương;
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào nâng cao nhận thức và quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, đưa OCOP trở thành một dấu hiệu nhận diện về sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin để thúc đẩy thương mại; Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức thương mại, năng lực tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, thương mại điện tử; Xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, đặc sắc để tạo điểm nhấn, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP; Đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối ngay từ giai đoạn tổ chức sản xuất, tạo sự kết nối giữa sản xuất - thị trường;
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, mở rộng mạng lưới sản phẩm OCOP trong khu vực; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP; Đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại địa tử như VOSO, Lazada, tiki; các trang cổng thông tin điện tử của tỉnh, Sở NN&PTNT, Công thông tin điện tử nông thôn mới, các địa phương và cũng được đưa vào hệ thống quản lý, kết nối và quảng bá của Trung ương để kết nối đến các tỉnh và thị trường ngoài nước
Đồng thời, các chủ thế sản xuất cần ứng dụng chuyển đổi số, các trang thiết bị phục vụ kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm tiền năng, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tổn giá trị văn hóa bản địa của các địa phương.
Cần có các giải pháp về bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu cộng đồng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận… khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm OCOP, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP quốc gia. Hỗ trợ các mô hình điểm thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó hỗ trợ một phần về máy móc thiết bị, nguồn nguyên liệu, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất… Từ đó góp phần phát triển cho sản phẩm, nâng cao gía trị cho sản phẩm, tạo bước đệm cho các Chủ thể tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm đề nghị trong thời gian tới, đề xuất các sở, ban, ngành có liên quan đến Chương trình OCOP thực hiện kế hoạch, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường, rà soát cập nhật sản phẩm tiềm năng. Chú ý các sản phẩm từ dược liệu tại các huyện miền núi, vùng cao, thủ công mỹ nghệ tại các huyện nhiều tiểu thủ công nghiệp thuộc nhóm ngành quản lý để đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, cụ thể năm 2023 và trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có sản phẩm OCOP đạt chứng nhận thuộc nhóm, ngành du lịch, dược liệu, thảo dược…