Áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, giá mía đường trong nước khởi sắc
Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong thời gian qua, thị trường trong nước cũng như quốc tế xu hướng tăng giá đường. Nhận định của giới chuyên môn cho thấy, so với mặt bằng chung, giá đường của Việt Nam đang dùy trì ở mức hợp lý.
Cụ thể, niên vụ 2022-2023 vừa qua, giá thu mua mía đã được các doanh nghiệp ngành đường Việt Nam nâng lên đạt mức 1,1-1,3 triệu đồng/tấn mía. Theo nhận định của VSSA, mức giá này đủ đảm bảo cho người nông dân trồng mía có lãi, đồng thời giúp gia tăng diện tích canh tác.
Cũng theo đánh giá của VSSA, sự phục hồi đáng kể nêu trên có được là do tác dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhà nước Việt Nam đã áp dụng từ năm 2021.
Thông tin về giá thu mua mía trong niên vụ 2023 – 2024 sắp tới, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, một số doanh nghiệp đã công bố giá thu mua mía cho người dân. Đáng chú ý, không có đơn vị nào công bố giá mua thấp hơn năm ngoái mà đều bằng hoặc cao hơn.
“VSSA cũng đang khuyến cáo doanh nghiệp tiếp tục tăng giá thu mua mía cho bà con, với mức giá này, người nông dân chắc chắn có lãi”, ông Lộc khẳng định.
Theo vị lãnh đạo VSSA nhận định, các công cụ phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương được Hiệp hội đánh giá rất cao vì đang phát huy rất tốt hiệu quả. Nếu không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ngành mía đường sẽ không thể có được vị trí như hiện nay. Khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, giá đường liên tục tăng, giá mía liên tục tăng, diện tích mía phục hồi. Tuy rằng sự phục hồi chưa thể trở lại như trước đây nhưng tín hiệu là rất tích cực.
“Bên cạnh đó, việc các cơ quan chức năng sử dụng công cụ hạn ngạch là tương đối tốt. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại một số bất cập như đường nhập lậu vẫn còn hoành hành. Điểm tích cực là giá đường ở Thái Lan hiện nay vẫn ở mức cao nên khi nhập lậu vào trong nước cũng không tác động quá lớn đến đường Việt Nam. Tuy nhiên về lâu dài, vẫn phải tiếp tục “chiến đấu” với đường nhập lậu”, ông Lộc chia sẻ.
Khuyến cáo đối với doanh nghiệp ngành mía đường trong niên vụ sắp tới, ông Lộc cho biết, trong khối ASEAN, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia chính sản xuất đường từ mía. Năng suất trồng mía của Việt Nam thuộc loại khá so với các nước, giá mía cũng liên tục tăng trong các niên vụ gần đây. Tuy nhiên, giá đường Việt Nam đang ở mức thấp nhất so với các quốc gia trồng mía.
“Với điều kiện này, Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp củng cố chuỗi liên kết với bà con nông dân để ngành mía đường tiếp tục phục hồi. Đồng thời tăng cường, sản xuất thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, áp dụng công nghệ mới trong phát triển sản xuất mía đường”, ông Lộc nêu quan điểm
Cuối năm 2023 vừa qua, Bộ Công Thương ban hành Quyết định rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đường mía.
Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, ngày 1/8/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1514⁄QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ 5 nước gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar (mã vụ việc: AC02.AD13-AS01).
Ngày 15/11/2023, Cục Phòng vệ thương mại đã nhận được Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Công ty TNHH Kampong Speu Sugar đề nghị rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ 5 nước gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar.
Trên cơ sở quy định tại Khoản 3 Điều 82 Luật Quản lý Ngoại thương và Điều 65 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, ngày 11 tháng 12 năm 2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3180/QĐ-BCT về việc rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (mã vụ việc: NR02.AC02.AD13-AS01).
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân