Nông nghiệp

Áp dụng truy xuất nguồn gốc để chống nạn đội lốt nông sản Việt

22:03 18/12/2018 GMT+7

Hàng loạt nông sản nhập khẩu đội lốt nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm Sa Pa… lưu thông trên thị trường. Bộ Công-Thương đề xuất giải pháp với Chính Phủ.

Hàng không nhãn mác, nguyên nhân của mọi hệ lụy

Thời gian qua xuất hiện tình trạng một số nông-thủy sản không rõ xuất xứ được bày bán trên thị trường dưới tên gọi nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm Sa Pa…. Hành vi này đã làm giảm uy tín của sản phẩm Việt Nam, giảm lòng tin của người tiêu dùng. Nhiều đại lý tại các chợ đầu mối cho biết, nông sản Trung Quốc tại chợ chiếm đa số khiến nông sản Việt gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Về nguyên nhân, các chuyên gia thị trường nhận định, chuỗi sản xuất-phân phối nông sản của Việt Nam còn rất lỏng lẻo, biện pháp phòng vệ thương mại kém. Việc mua bán bằng tiền mặt, thanh toán qua các trung gian, đường đi của hàng hóa lòng vòng qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn mà không được quản lý.

Ông Nguyễn Bình Phương -Phó Phòng Kinh doanh tiếp thị Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết: Mỗi ngày có khoảng 250 tấn nông sản Trung Quốc nhập về chợ. Các mặt hàng bao gồm: Lựu, lê, mận, táo, nho, hành khô, tỏi khô, gừng, khoai tây, cà rốt, bắp cải, súp lơ….

Những chùm nho Trung Quốc này khi ra thị trường bán lẻ sẽ thành nho Ninh Thuận.

Nông sản Trung Quốc nhập chợ phải trình Phòng quản lý về hợp đồng vận chuyển và hồ sơ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đủ hồ sơ mới được đưa vào chợ. Khi nhập chợ, hàng Trung Quốc đều được đóng gói và có dán nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, khi hàng ra chợ lẻ không được kiểm soát tiếp nên mới xảy ra tình trạng đánh tráo xuất xứ, nhất là khi người tiêu dùng có tâm lý không thích hàng Trung Quốc nên tiểu thương phải che giấu nguồn gốc hàng hóa để dễ bán hàng.

Phải có nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc

Bộ Công Thương vừa có văn bản số 9170/BCT-XNK gửi Văn phòng Chính phủ về việc xử lý vấn nạn nông-thủy sản nhập khẩu đột lốt hàng Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân tình trạng này là do: Thứ nhất, quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa không yêu cầu phải ghi nhãn hàng hóa đối với nông-thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Thứ hai, các quy định của pháp luật về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện và triệt để đối với nông-thủy sản. Thứ ba, pháp luật chưa có quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là sản phẩm của Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng nông sản nước ngoài đột lốt nông sản Việt, Bộ Công Thương đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông-thủy sản tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ.

Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam, để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước, nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ.

Đà Lạt đã “tự cứu” nông sản địa phương bằng cách kiểm soát chặt đầu vào.

Đà Lạt quyết liệt bài trừ nông sản đội lốt

Với mục tiêu bảo vệ thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đã ban hành nội quy riêng phù hợp với đặc thù của Chợ nông sản Đà Lạt. Theo đó, từ ngày 15/9/2018, chính thức nghiêm cấm mọi hành vi lưu trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nông sản có xuất xứ ngoài địa phương vào Chợ nông sản Đà Lạt.

Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, các cơ quan chức năng TP.Đà Lạt đã tiến hành kiểm tra và thống kê số lượng khoai tây Trung Quốc còn tồn kho tại 12 quầy trong Chợ nông sản Đà Lạt gần 300 tấn, có tiểu thương tồn kho đến gần 70 tấn.

Ban quản lý Chợ đã lắp đặt 4 camera theo dõi tại chợ. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ túc trực tại cổng, khi xe nhập hàng vào chợ phải xuất trình được giấy tờ liên quan, cung cấp địa chỉ nơi bán hàng, tên người cung cấp cùng số điện thoại để đơn vị xác minh, nếu đúng với quy định thì mới cho hàng vào chợ.

Ông Bùi Thế -Phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng cho biết, tại các huyện khác trong tỉnh thì Sở sẽ phối hợp với các ban ngành để thành lập đoàn liên ngành thường xuyên trinh sát, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Lâm Đồng cũng đang thực hiện đề án nhận diện thương hiệu khoai tây Đà Lạt, theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ chi khoảng 1 tỉ đồng để in ấn bao bì hỗ trợ các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ khoai tây Đà Lạt.

Thanh Lâm

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác