Điện Biên: Bầu bổ sung Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Bà Vàng Thị Bình, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cùng các đại biểu tham gia bỏ phiếu.
Bà Vàng Thị Bình, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên chủ trì Hội nghị.
Tại hội nghị, ông Lù Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh Điện Biên khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028 về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện; nâng cao năng lực chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững”.
Để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, toàn diện, đẩy mạnh chuyển đổi số, liên kết, hợp tác hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khơi dậy khát vọng phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, năm 2024, các cấp Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên; thường xuyên, sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân, để phản ánh, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền có biện pháp giải quyết kịp thời. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, định hướng cho các cấp hội và hội viên, nông dân; sâu, sát cơ sở nhất là những địa bàn trọng yếu, khó khăn, phức tạp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Hai là, đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên nông dân, phát triển hội viên gắn với nâng cao chất lượng hội viên. Đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển các nguồn quỹ Hội bằng nhiều hình thức và thông qua các hoạt động dịch vụ tư vấn hỗ trợ nông dân. Chủ động tham mưu với cấp uỷ làm tốt công tác cán bộ, từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, sử dụng; kịp thời kiện toàn nhân sự tổ chức Hội các cấp, đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng. Tiếp tục phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn và lý luận chính trị cho cán bộ Hội các cấp, nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ba là, tăng cường, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của Hội, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các cấp Hội. Hàng năm chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo quy định Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; chú trọng kiểm tra, giám sát theo chuyên đề như việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết, các chương trình, kế hoạch của Hội, quản lý sử dụng các nguồn vốn....
Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vận động nông dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Hàng năm chỉ đạo cơ sở Hội tổ chức cho hội viên đăng ký phấn đấu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chỉ tiêu hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, tích cực thu hồi các dự án đến hạn, tham mưu lựa chọn dự án đầu tư, thẩm định và giải ngân kịp thời để tránh tồn đọng vốn. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Năm là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218- QĐ/TW của Bộ Chính trị; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Tích cực bám sát cơ sở để phát hiện và hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân để đề xuất, kiến nghị, phản ánh với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; Thường xuyên bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ, hội viên ưu tú để cấp uỷ Đảng xem xét kết nạp vào Đảng.
Sáu là, các cấp Hội chủ động phối hợp với Công an, Quân sự, Biên phòng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, lợi dụng tôn giáo, dân tộc, nhân quyền để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bảy là, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; Nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ Hội các cấp về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, hội nhập quốc tế và công tác đối ngoại của Hội. Xây dựng các chương trình, dự án, tìm kiếm các cơ hội, vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội.
Bà Vàng Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên tặng hoa chúc mừng bà Trần Thị Lan Hương trúng cử chức danh Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Cũng tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 4, khóa X nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã tiến hành bầu cử chức danh Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 . Kết quả, bà Trần Thị Lan Hương, Trưởng phòng Thông tin – Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Điện Biên đã trúng cử Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ và Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với tỷ lệ số phiếu đồng ý là 100%.
- Trao đổi kiến thức xử lý rác thải thân thiện với môi trường tại tỉnh Nghệ An
- Cơ hội mới cho trái cây Việt Nam khi áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn Châu Âu
- Hội Nông dân tỉnh Bình Dương: Hàng loạt chương trình phối hợp, hợp tác được ký kết
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công bố quyết định về công tác cán bộ