Bắc Giang: Phát triển OCOP theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững
Sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc địa phương
Bắc Giang là tỉnh nằm trong top đầu của cả nước về số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP. Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Luy, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, đến nay, tỉnh Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Trong năm 2024, tỉnh Bắc Giang có 253 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP, trong đó có 188 sản phẩm mới, 45 sản phẩm đánh giá lại và 20 sản phẩm nâng hạng sao. Các huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, dự kiến hoàn thành công tác đánh giá đợt 1 năm 2024 trong tháng 7/2024.
Ông Luy cũng cho biết thêm, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh Bắc Giang ban hành công văn đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia đối với 2 sản phẩm: Vải thiều Bắc Giang, long nhãn Bắc Giang của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco. Ngoài ra, Chi cục đã phối hợp với UBND các huyện Yên Thế, Lục Ngạn khảo sát đánh giá sản phẩm tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP 5 sao trên địa bàn.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang mang đậm bản sắc văn hoá địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn tỉnh phát triển vượt bậc. Tiêu biểu có thể kể tới sản phẩm nem nướng Liên Chung của Hợp tác xã Nem nướng Liên Chung (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đã đạt OCOP 4 sao.
Ngoài nem nướng Liên Chung, trên địa bàn huyện Tân Yên còn rất nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng, trong đó phải kể tới sâm Nam núi Dành. Đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Được biết, củ sâm Nam núi Dành trên thị trường có giá bán từ 1,5-2 triệu đồng/kg, hoa sâm khô từ 0,8 - 1 triệu đồng/kg (ước tính đạt hơn 6 tỷ đồng/ha/chu kỳ sản xuất).
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có nhiều địa phương phát huy được thế mạnh, tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Đứng đầu là huyện Lục Ngạn, với 40 sản phẩm OCOP có những sản phẩm đặc trưng như: Giấm tỏi ớt Kim Ngân; giấm vải Kim Ngân; giấm táo mèo Kim Ngân; mỳ Chũ Green; mỳ gạo Lục Ngạn; bưởi da xanh Hồng Xuân; cam Vinh Hồng Xuân…
Phát triển OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu
Để khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP năm 2024, tỉnh Bắc Giang dự kiến mỗi năm bố trí khoảng 5,4 tỉ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh khoảng 2,7 tỉ đồng/năm, hỗ trợ cho các sản phẩm 4 sao và 5 sao; ngân sách cấp huyện khoảng 2,7 tỉ đồng/năm, hỗ trợ cho sản phẩm 3 sao.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu năm 2024, lũy kế tối thiểu có 350 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; xây dựng, phát triển ít nhất 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá 5 sao cấp quốc gia.
Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND triển khai Chương trình OCOP năm 2024. Theo đó, năm 2024, UBND tỉnh dự kiến phân bổ khoảng 20,9 tỷ đồng nhằm thực hiện các nội dung kế hoạch. Mức hỗ trợ này bao gồm cả các sản phẩm mới, gia hạn, nâng sao thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất 300 triệu đồng/sản phẩm.
Năm nay, Bắc Giang tiếp tục chú trọng phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Đặc biệt là các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ chủ thể phát triển hoàn thiện sản phẩm OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện, thành phố; Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương.
Bên cạnh đó phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng; Khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường…
Về mã số vùng trồng, theo số liệu thống kê đến giữa năm 2023, toàn tỉnh cấp mới 64 mã số vùng trồng. Tại Bắc Giang, vải thiều được cấp mới mã vùng trồng nhiều nhất với tổng số 43 mã vùng trồng (diện tích hơn 1.000ha) đạt 204,7% kế hoạch; tập trung ở các huyện Tân Yên 21 mã (diện tích 739,29ha); Yên Thế 3 mã (diện tích 40,37ha); Lục Ngạn 18 mã (diện tích 240,35ha); Sơn Động 1 mã (diện tích 36,1ha).
Đối với mã số vùng trồng bưởi, Bắc Giang đã rà soát, cấp mới 2 mã vùng trồng với diện tích 20ha tại huyện Lục Ngạn đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Mã số vùng trồng nhãn, cấp mới 10 mã nhãn xuất khẩu với tổng diện tích là 110,3ha, trong đó có 5 mã xuất khẩu sang Nhật Bản với diện tích 52ha, 5 mã nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Australia với diện tích 58,3ha…