Quảng Ngãi: Các hợp tác xã miền núi tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển bền vững
Phát huy hiệu quả vai trò kinh tế tập thể
Tháng 5/2021, hợp tác xã Đồng Tâm tại xã Ba Vì, huyện Ba Tơ được thành lập chỉ với 32 thành viên. Sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay hợp tác xã này đã phát huy vai trò của kinh tế tập thể, tương trợ giúp các thành viên, người nông dân tại địa phương ký kết với Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi trồng ngô sinh khối. Qua đó, tạo chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối, giúp nông dân vùng cao Ba Tơ và các vùng lân cận nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, hợp tác xã Đồng Tâm còn hỗ trợ người dân địa phương làm thêm các sản phẩm như trồng và chế biến dầu phụng; khai thác, đầu tư mẫu mã, nâng cao giá trị sản phẩm mật ong rừng....
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển hợp tác xã Đồng Tâm gặp rất nhiều khó khăn như vấn đề thiếu vốn sản xuất và hạn chế trong ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vẫn là một trở ngại. Chính từ những hạn chế đó mà năng suất, chất lượng sản phẩm chưa được cao như kỳ vọng đã đề ra. Để giải quyết những hạn chế trên, hợp tác xã Đồng Tâm mong muốn được các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện hỗ trợ về máy móc, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục mở rộng, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra lợi nhuận nhiều hơn cho đồng bào Hrê trên địa bàn tỉnh.
Được biết, hiện nay trên tỉnh Quảng Ngãi đang có khoảng 65 hợp tác xã đóng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, trong số đó có nhiều hợp tác xã ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn về mọi mặt. Tuy vậy, nắm bắt kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, các hợp tác xã đã không ngừng cải thiện, nâng cấp sản phẩm từ mẫu mã, bao bì đến chất lượng để mở rộng và đứng vững trên thị trường.
Một số sản phẩm của các hợp tác xã đến nay đã được cấp nhãn mác hàng hóa, chứng nhận truy xuất nguồn gốc, chất lượng VietGAP như: Mật chuối và giấm chuối Subu của Hợp tác xã Sản xuất Nông lâm nghiệp và Thương mại Dịch vụ Sơn Bua; cá tầm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tây; măng nứa, bưởi da xanh, ổi Soli của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên... Trong đó, một số sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP như: Gà kiến, gà đen, mắm cá niên, khổ qua rừng sấy, ớt sim rừng ngâm giấm của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Sơn Hà.
Tận dụng tiềm năng lợi thế sẵn có để phát triển
Được biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi còn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển theo mô hình hợp tác xã, nhất là sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, việc sản xuất tập trung quy mô lớn chưa có, các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị còn ít. Tại một số địa phương, quá trình hoạt động, các hợp tác xã còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn.
Với nhiều mô hình mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị được nhân rộng, các hợp tác xã kiểu mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết phát triển sản xuất. Đặc biệt, các hợp tác xã đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, lan tỏa sản phẩm đến với thị trường trong, ngoài tỉnh.
Bên cạnh những mặt tích cực, các hợp tác xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít, nguồn vốn thấp nên chưa tạo ra được các sản phẩm chất lượng với quy mô lớn. Để các hợp tác xã này phát triển bền vững thì rất cần có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước, nhất là nguồn vốn.
Bà Phạm Thị Trầm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, huyện Sơn Tây cho biết: “Một trong những rào cản lớn nhất của các hợp tác xã ở miền núi là vốn đầu tư và quỹ đất để xây dựng khu tập kết, chế xuất và bảo quản sản phẩm. Vào thời điểm thu hoạch nhiều, sản phẩm bán không hết mà không được bảo quản rất dễ bị hỏng, không tiêu thụ được đã gây thiệt hại không nhỏ cho hợp tác xã.”