Liên kết sáu nhà

Nâng cao vai trò hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc miền núi

07:31 15/08/2023 GMT+7
Trong những năm qua, mô hình kinh tế hợp tác xã ở Thái Nguyên đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất gắn với liên kết chuỗi giá trị, giúp nâng cao thu nhập của người dân tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hợp tác xã chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng, huyện Định Hóa được thành lập năm 2017. Những năm về trước, sản phẩm mỳ gạo Bao thai Định Hóa ở xã Kim Phượng chưa có bao bì, nhãn mác, giá thành thấp, nên khó tiêu thụ. Từ năm 2017, Hợp tác xã chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng được thành lập, sản phẩm mỳ gạo đã đổi mới phương pháp sản xuất, được đóng gói, thiết kế nhãn mác, chất lượng nâng lên.

Hiện nay hợp tác xã có 17 thành viên, sản phẩm chính là mỳ gạo Bao thai Định Hóa và mỳ phở, mỗi tháng tiêu thụ được khoảng 4 tấn mỳ các loại. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mở rộng tới Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Phước. Chị Phạm Thị Trang tham gia Hợp tác xã Kim Phượng được 3 năm, chia sẻ: Thu nhập của  thành viên hợp tác xã ổn định trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

“Cũng mong lãnh đạo xã, huyện quan tâm để hợp tác xã mở rộng thêm quy mô, tăng thu nhập, để tạo điều kiện có thêm nhiều xã viên gia nhập” - chị Phạm Thị Trang nói.

nang cao vai tro hop tac xa vung dong bao dan toc mien nui hinh anh 1

Nâng cao vai trò hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng đã xác định liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là xu hướng tất yếu, điều kiện quyết định cho sự phát triển bền vững của hợp tác xã. Đến nay, hợp tác xã đã làm tốt khâu liên kết theo chuỗi sản phẩm, tạo được sự đồng thuận giữa các thành viên hợp tác xã trong tổ chức sản xuất, thực hiện đổi mới quy trình, cải tạo cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang thiết bị, quản lý chất lượng sản phẩm.

Góp phần cho thành công của hợp tác xã, theo chị Ma Thị Hằng, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng: “Từ khi mới thành lập HTX  được chính quyền địa phương, sở, ban, ngành, Liên minh HTX quan tâm, hỗ trợ để phát triển sản phẩm đưa ra thị trường”.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 700 hợp tác xã, trong đó số hợp tác xã tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thành lập mới liên tục tăng trong những năm qua đã khẳng định được hướng đi của mình và từng bước lớn mạnh. Đặc biệt, các hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc miền núi luôn phát huy vai trò hỗ trợ người dân, là cầu nối tập hợp người sản xuất cùng tham gia vào hợp tác xã.

20221109_085956_20230811094634.jpg

Thông qua hoạt động của mô hình hợp tác xã đã góp phần khai thác, phát huy lợi thế kinh tế của từng vùng miền, địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Ma Tiến Thời, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ du lịch ATK Thời Nga, huyện Định Hóa, mong muốn: “Về kiến nghị đề xuất tôi cũng mong Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cũng như các ban ngành khi cần vay vốn cũng tạo điều kiện để mở rộng kinh doanh sản xuát tốt hơn”.

Cũng phải thừa nhận thực tế hiện nay số lượng, chất lượng các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc miền núi còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh ở tỉnh Thái Nguyên. Hiệu quả hoạt động của nhiều hợp tác xã còn chưa cao, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chủ yếu tập trung vào dịch vụ truyền thống, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất còn chậm, sản phẩm tạo ra chưa có tính cạnh tranh cao.

nang cao vai tro hop tac xa vung dong bao dan toc mien nui hinh anh 2

Tổ chức sản xuất gắn với liên kết chuỗi giá trị.

Trong chương trình mục tiêu, Ban Dân tộc và Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, tổ chức chương trình phối hợp, hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền, vận động thành lập mới hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc miền núi. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên Minh HTX tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Tỉnh Thái Nguyên đang phối hợp với hoạt động khởi nghiệp, hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trên tiềm năng và lợi thế vùng để phát triển mô hình hợp tác xã cho phù hợp.

“Tăng cường phối hợp xây dựng đề xuất với các địa phương thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển kinh tế HTX vùng miền núi. Tập hợp ý kiến của đồng bào để  đề xuất cho việc phát triển mô hình kinh tế HTX cho từng vùng đồng bào dân tộc miền núi” - ông Nguyễn Văn Dũng nói.

Mô hình hợp tác xã ở tỉnh Thái Nguyên hiện đang đáp ứng được xu thế phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Trong lúc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khu vực miền núi đang còn thấp, thì việc phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của mô hình hợp tác xã sẽ phù hợp và mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác