Bản Co Pục no ấm, văn minh hơn nhờ công của Bí thư chi bộ
Dám phá bỏ cái cũ, học cái mới để làm giàu
Gắn bó hơn 50 năm tại bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, ông Quàng Văn Nhí đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng bà con và chính quyền nơi đây. Năm 2012, ông Nhí được cấp ủy, chính quyền xã và nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ và Người có uy tín của bản Co Pục, xã Hua Thanh. Dù ở cương vị nào, ông đều thể hiện và phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ được giao.
Nhớ lại bước đầu lập nghiệp, ông Nhí cho hay, sinh ra ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. Năm 1968, cha mẹ ông xây nhà sinh sống tại bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên. Bản Co Pục nằm bên Quốc lộ 12 (hướng từ TP. Điện Biên Phủ đi huyện Mường Chà) cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 5km. Bản chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú sinh sống. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, sống dựa vào rừng “săn bắt, hái lượm” hoặc phá rừng làm nương, với họ cách làm ruộng nước hay làm nương có bờ để trồng lúa là việc mà họ chưa bao giờ nhìn thấy.
Với quyết tâm đi ngược lại với dân bản cho rằng “Trời sinh voi sinh cỏ”, khi trưởng thành và xây dựng gia đình, ông Nhí đã đi học cách làm nương có bờ của người miền xuôi. Quyết định của ông Nhí khi ấy được xem là “liều”, khi trong tay có số vốn ít ỏi 5 triệu đồng vay được từ một cán bộ xã. Ông Nhí đã mua lại mảnh nương bạc màu của một người quen, để đầu tư làm nương có bờ.
Bằng sự kiên trì, gia đình ông Nhí đã thành công, năm đầu tiên thóc lúa chất đầy nhà, không những đủ ăn mà còn đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình. “Đời cha ông tôi đều phá rừng làm nương cả. Nhưng làm nương theo cách cũ thì năng suất thấp, không đủ ăn, đất lại hay bạc màu, nên phải chuyển nơi canh tác thường xuyên. Tôi nghe nói nương có bờ giữ ẩm, giữ màu cho đất tốt, vì thế cũng dễ cày cuốc, mà quan trọng là năng suất cao, lại canh tác được lâu năm, thế nên tôi quyết định làm”, ông Nhí chia sẻ.
Cuộc sống gia đình khá giả, ông Nhí tiếp tục nghĩ đến việc mở rộng sản xuất. Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, ông Nhí đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá. Hiện nay cơ ngơi gia đình ông đã có 4.000m2 ao, mỗi năm thu hoạch 2 lứa. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông khai hoang thêm được 5.000m2 ruộng, nên toàn bộ số nương có bờ ngày nào đã được ông đầu tư trồng rừng sản xuất...
Tích cực học để giúp cả Bản làm giàu và sống văn minh hơn
Bản Co Pục bây giờ đổi đã thay rất nhiều, các hộ đua nhau khai hoang đất nương, đào mương dẫn nước làm ruộng như hộ ông Nhí. Họ khâm phục khi thấy mỗi vụ thu hoạch ruộng nhà ông cho hàng tấn thóc, người dân trong bản ai cũng trầm trồ: “Không ngờ Bí thư lại có thể bắt đất cằn làm ra thóc gạo”. Từ mô hình của ông Nhí, giờ cả bản lao theo học cách làm ruộng nương có bờ như ông. Không dấu nghề, ông Bí thư nhiệt tình “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn dân bản cách đào kênh dẫn nước về tưới mát cho những thửa ruộng, cấy 2 vụ/năm.
“Đã có nhiều nhà bán lợn, bán bò mua máy xát, máy cày. Có gia đình chưa đủ tiền, tôi cho mượn rồi trả bằng thóc khi đến vụ thu hoạch. Hiện nay, cả bản hầu như nhà nào cũng có máy tuốt lúa, nhiều nhà còn sắm được cả máy cày. Đến mùa, ai nhờ tôi đều giúp không công, bà con chỉ cần bỏ tiền đổ dầu”, ông Nhí kể.
Tận dụng thế mạnh là cây lúa nước, trong khi các bản lân cận 1 năm chỉ trồng được 1 vụ lúa, thì bản Co Pục năm nào cũng trồng được 2 vụ. Mỗi vụ trung bình 1 nhà thu hoạch được trên 1 tấn thóc, nên chuyện thiếu ăn, thiếu đói không còn xảy ra nữa. Trong bản, nhà có ti vi, xe máy, tính sơ sơ phải có gần chục hộ. Bằng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm, chuyện người dân Co Pục làm giàu giờ không phải mơ ước xa vời nữa, mà đang hiện hữu bằng những ngôi nhà khang trang, đường bê tông to rộng đã được trải phẳng lỳ.
Bản Co Pục thay da đổi thịt, cái khác xưa lớn nhất là người dân đã thay đổi nhận thức, suy nghĩ, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hộ nào cũng đề cao lòng tự trọng, quyết tâm thoát nghèo, dạy bảo con cháu tránh xa tệ nạn xã hội.
Già làng, Bí thư Quàng Văn Nhí cho biết: “Khi được cấp trên và nhân dân tin tưởng bầu giữ chức Bí thư Chi bộ và già làng uy tín của bản, nhận thức được trách nhiệm của mình, tôi luôn tích cực tuyên truyền bà con chấp hành đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức của mình, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ năng hòa giải do xã, huyện tổ chức để về áp dụng nhiều hình thức, biện pháp hòa giải, giải thích phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho bà con trong bản. Tại các cuộc họp bản, tôi luôn ghi nhận những vướng mắc, bức xúc, tồn tại trong bản như các vấn đề đất đai, mối quan hệ gia đình… để phối hợp với đoàn thể xã, huyện giải quyết, tháo gỡ các mâu thuẫn”.
Theo già làng Quàng Văn Nhí, muốn bà con trong bản nghe và làm theo thì trước hết bản thân và gia đình phải gương mẫu trong mọi lời nói. Do đó, ông luôn dạy các con sống phải có ích cho xã hội, biết cống hiến và xây dựng quê hương, gia đình văn hóa. Gia đình ông có 7 người con đã trưởng thành và hiện đều là cán bộ xã, giáo viên hoặc làm công việc buôn bán, kinh doanh gần nhà.
Gương mẫu, uy tín, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác xây dựng và phát triển địa phương, già làng Quàng Văn Nhí đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho các lớp thế hệ học tập, noi theo. Bằng sự tận tâm, nhiệt huyết và trách nhiệm ông đã đồng hành cùng bà con người Khơ Mú trong bản vươn lên làm kinh tế ngay tại mảnh đất quê hương. Trái ngọt đã đơm hoa kết trái, cuộc sống của người dân bản Co Pục đã ấm no, văn minh hơn rất nhiều.
“Tôi luôn tích cực tuyên truyền bà con chấp hành đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức của mình, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ năng hòa giải do xã, huyện tổ chức để về áp dụng tháo gỡ khó khăn cho bà con trong bản. Tại các cuộc họp bản, tôi luôn ghi nhận những vướng mắc, bức xúc, tồn tại trong bản như các vấn đề đất đai, mối quan hệ gia đình… để phối hợp với đoàn thể xã, huyện giải quyết, tháo gỡ các mâu thuẫn”.
Ông Quàng Văn Nhí, Bí thư Chi bộ bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
- TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức Hội thi “Nông dân với pháp luật” năm 2024
- Hội Nông dân huyện Trực Ninh ra mắt 03 Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”
- Hội Nông dân huyện Vũ Quang tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
- Cà Mau: Gần 100 ngàn hội viên hộ nông dân ký cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm