Du lịch

Bánh ú nước tro Sóc Trăng hút khách dịp Tết Đoan Ngọ

07:36 14/06/2021 GMT+7

Nghề làm bánh ú nước tro truyền thống không chỉ giúp nhiều hộ gia đình ở đây có thêm nguồn thu nhập mà còn góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa ẩm thực lâu đời.

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 Âm lịch hàng năm, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng lại tất bật chuẩn bị gói bánh ú nước tro để kịp cung ứng ra thị trường. Nghề làm bánh ú nước tro truyền thống không chỉ giúp nhiều hộ gia đình ở đây có thêm nguồn thu nhập mà còn góp phần giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa ẩm thực lâu đời của ông bà xưa truyền lại.

Người dân xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng tất bật gói bánh ú nước tro phục vụ Tết Đoan ngọ.

Là gia đình có truyền thống làm bánh ú nước tro từ bao đời nay, những ngày này, chị Lý Thị Thu Trang ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tâm, đang tất bật cho việc gói bánh ú nước tro để bán ra thị trường. Mỗi ngày, chị gói từ 4.000 – 5.000 cái bánh, bán ở các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, TP.HCM,…với giá bán cho thương lái từ 20.000 – 25.000 đồng/10 cái, tùy vào thời điểm.

“Muốn làm được bánh ngon phải chọn nguyên liệu thật kỹ từ đậu, nước tro đem đi quậy lấy nước trong rồi ngâm với nếp, xong rửa lại với nước sạch từ 7 – 8 nước và để cho ráo rồi đem đi gói. Bánh ngon phần lớn là do lá và mỗi ngày gia đình gói khoảng 2.000 cái bánh. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nguyên liệu phải chọn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, chị Trang cho biết.

Còn hộ chị Ngô Thị Hoa Lan cùng ngụ ấp Phú Hữu xã Phú Tâm, có hơn 25 năm làm nghề gói bánh ú nước tro để bán vào dịp mùng 5/5 Âm lịch hàng năm. Chị Lan cho biết, muốn làm được bánh ngon thì khâu chọn nếp và ngâm nếp là quan trọng nhất. Vì vậy, bánh của chị khi ra lò được thương lái lấy hết. Bước vào mùa gói bánh ú nước tro phục vụ Tết Đoan Ngọ, mỗi ngày chị gói từ 4.000 – 5.000 cái. Riêng những ngày thường chị vẫn làm để bán ra thị trường, mỗi ngày từ 1.000 – 2.000 cái.

“Tôi đam mê nghề bánh nên học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người. Làm bánh ú phải qua rất nhiều công đoạn, nhưng khâu quan trọng nhất vẫn là khâu làm nếp. Tro ngâm nếp phải là tro than cây đước, nếp và tro được ngâm 2 đêm với 4 lần thay nước. Lò bánh đã bán lâu năm nên có tiếng, được nhiều mối hàng thường xuyên qua lấy đi bán nên số lượng ngày càng tăng”, chị Lan cho hay.

Bánh ú nước tro là một trong những món ăn được nhiều người ưa chuộng dịp Tết Đoan Ngọ.

Để gói bánh ú nước tro người gói phải chuẩn bị các công đoạn từ lấy tro từ lò than đước, ngâm lấy nước trong, rồi đem ngâm qua nếp từ 2 – 3 ngày, chuẩn bị lá tre, ngâm đậu xanh làm nhân bánh, gói bánh… Trung bình thời gian luộc bánh khoảng từ 2,5 – 3 tiếng. Khi bánh chín phải vớt ra ngâm qua nước lạnh để bánh nguội tuyệt đối. Sau đó, treo lên thật ráo, giúp bánh có thể để được lâu và giữ được hương vị thơm ngon.

Hiện toàn xã Phú Tâm có gần 10 hộ gói bánh ú nước tro để bán vào dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 Âm lịch hàng năm, tập trung ở các ấp Phú Thành, Phú Hữu và Thọ Hòa Đông A. Ông Phạm Văn Tí, Chủ tịch UBND xã Phú Tâm cho biết, là ngành nghề truyền thống nên cứ dịp Tết Đoan Ngọ là các hộ đẩy mạnh việc sản xuất. “Trong thời gian qua UBND xã Phú Tâm cũng đã thường xuyên kiểm tra và vận động các hộ thực hiện công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua kiểm tra các hộ chấp hành nghiêm việc thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu sản xuất”, ông Tí cho biết.

Theo quan niệm dân gian, Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, người Việt thường chuẩn bị lễ cúng, thắp hương tạ ơn trời đất ban cho mùa màng bội thu và cầu mong sâu bọ không phát triển để cây cối đơm hoa kết trái tươi tốt. Dịp này, bánh ú nước tro cũng là một trong những món ăn được nhiều người ưa chuộng tìm mua.

Còn ít ngày nữa là đến Tết Đoan Ngọ, các hộ làm bánh tại xã Phú Tâm đang tất bật làm ra những bánh ú nước tro chất lượng để bán ra thị trường nhân dịp mùng 5/5 Âm lịch năm nay. Đây cũng là dịp gìn giữ và phát huy nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Việt mỗi dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm./.

(Theo VOV)

Tin cùng chuyên mục
Tin khác