Xây dựng nông thôn mới trong lòng Di sản Hoa Lư
Hoa Lư - huyện NTM đầu tiên của cả nước
Ngày 9/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2410/QĐ - TTg công nhận huyện Hoa Lư đạt chuẩn NTM, là huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Ninh Bình và cũng là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM.
Đến nay, toàn huyện đã có 5/10 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (gồm các xã Ninh Giang, Ninh Mỹ, Trường Yên, Ninh Thắng và Ninh Hải); có 1 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (xã Ninh An) và 56/85 thôn, xóm (đạt 65,9% thôn, xóm) đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; thị trấn Thiên Tôn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Trong quá trình xây dựng NTM và NTM nâng cao, huyện xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với tiềm năng, lợi thế có nhiều khu, điểm du lịch, trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong những năm qua, hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc. Những điểm du lịch nổi tiếng của huyện Hoa Lư như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc Bích Động, Thung Nham, Hang Múa... Sự phát triển của du lịch đã thu hút hàng chục nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Du lịch phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15% trong cơ cấu kinh tế vùng di sản. Tuy nhiên, huyện Hoa Lư xác định một số sản phẩm chủ lực như: Lúa gạo, sen và các sản phẩm từ sen; dê và các sản phẩm từ thịt dê, cá rô và các sản phẩm từ cá rô Tổng Trường...
Để các sản phẩm chủ lực của huyện phát triển bền vững, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất gắn với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đối với 10/10 xã của huyện. 100% các vùng nguyên liệu tập trung được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, được cấp mã vùng trồng và ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến. Việc xây dựng và phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” luôn được huyện quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện, đến nay, trên địa bàn huyện có 20 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm đạt 4 sao, 8 sản phẩm đạt 3 sao.
Không chỉ phát triển sản xuất, Hoa Lư còn chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Hiện tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%. Các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ thường xuyên được đầu tư cải tạo, nâng cấp, thuận tiện cho giao thương và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Môi trường là tiêu chí khó trong chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, với nhiều phong trào thiết thực, cụ thể của các tổ chức đoàn thể như “Nhà sạch, vườn đẹp”, “5 không, 3 sạch”, “10 phút sạch nhà, sạch ngõ”… đến nay, 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung từ 1-3 lần/tuần; đối với các xã trong vùng Quần thể danh thắng Tràng An, rác thải được thu gom, vận chuyển hàng ngày, tạo nên diện mạo mới ở các vùng quê.
Gìn giữ, bảo tồn nhà cổ trong lòng Di sản
Ông Lưu Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Hoa Lư luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm với nhiều giải pháp đồng bộ, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn nên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Diện mạo nông thôn đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
“Đến nay, huyện Hoa Lư đã cơ bản đạt 9/9 tiêu chí NTM nâng cao. Với một số tiêu chí chưa có hướng dẫn cụ thể và các chỉ số chưa vững chắc, huyện đã đề xuất và phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn, tập trung chỉ đạo nhằm hoàn hiện hồ sơ đề nghị xét công nhận huyện NTM nâng cao trong năm 2024” - ông Minh cho biết.
Ông Minh cho biết, theo thống kê sơ bộ, trong vùng lõi Di sản Tràng An còn gần 100 nếp nhà cổ, có kiến trúc truyền thống tiêu biểu, được xây dựng trước năm 1945 và phân bố chủ yếu trên địa bàn 2 xã Trường Yên và Ninh Xuân, hiện đang được bảo tồn tương đối tốt.
“Có một số nếp nhà, khi được trao truyền qua vài thế hệ, trở thành không gian thờ tự và đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Việc bảo tồn những nếp nhà truyền thống là tiền đề cho mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững có tính đương đại mà vẫn giữ được bản sắc của vùng đất Cố đô. Do đó, việc bảo vệ, gìn giữ “Di sản” trong Di sản được chúng tôi rất chú trọng” - ông Minh cho biết.
Thăm ngôi nhà cổ của gia đình ông Giang Tất Đệ, thôn Trường Xuân, xã Trường Yên, một ngôi nhà được xây theo lối kiến trúc truyền thống, tuy chưa xác định được cụ thể tuổi của ngôi nhà, nhưng đến ông Giang Tất Đệ là đời thứ tư sống dưới mái nhà này. Hay như ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Huy Tuấn, thôn Trường Sơn, xã Trường Yên cũng có vẻ đẹp cổ kính, tinh tế của kiến trúc nhà gỗ cổ đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhà có năm gian (ba gian chính, hai gian phụ), bên trong nhà có sáu hàng cột vuông, hàng cột hiên cũng bằng gỗ vuông kê trên tảng đá. Tại các vị trí ở đốc nhà, các vì kèo, hoành, ngưỡng cửa, đầu bẩy, hoa văn lá lật, kỳ lân được chạm nổi trực tiếp trên gỗ, bậc đá kiên cố.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Du lịch tỉnh Ninh Bình cho hay, nhà cổ là những di sản không chỉ đẹp về đường nét kiến trúc mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Để bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ trong vùng lõi Di sản thế giới Tràng An, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó có Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030, quy định chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, nhằm giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của các công trình xây dựng này lưu lại những “tinh túy” cha ông để lại.
“Có một số nếp nhà, khi được trao truyền qua vài thế hệ, trở thành không gian thờ tự và đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Việc bảo tồn những nếp nhà truyền thống là tiền đề cho mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững có tính đương đại mà vẫn giữ được bản sắc của vùng đất Cố đô. Do đó, việc bảo vệ, gìn giữ “Di sản” trong Di sản được chúng tôi rất chú trọng” - Ông Lưu Quang Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư.