Ninh Bình: Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng nông thôn mới
Cụ thể hóa bằng văn bản
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình, để triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 03/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, ban hành kèm theo Nghị quyết số 86/2022/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của HĐND tỉnh, cụ thể hóa một số quy định tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành 6 quyết định, trong đó có: 5 quyết định quy định chi tiết một số tiêu chí thuộc các Bộ tiêu chí quốc gia về NTM cấp huyện, xã giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, để cụ thể hoá các quy định tại Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; bổ sung tiêu chí huyện NTM đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành 10 Kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, như: Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 31/01/2024 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình năm 2024; Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 21/06/2024 hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2024; các kế hoạch triển khai thực hiện các Chương trình chuyên đề, tập huấn, truyền thông trong xây dựng NTM…
Cùng với đó, HĐND tỉnh đã banh hành 03 Nghị quyết: Nghị quyết số 160/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 về việc phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách địa phương; Nghị quyết số 162/NQ-HĐND ngày 8/1/2024 về việc phân bổ dự toán ngân sách địa phương tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 03/4/2024 về việc phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025…
Ngoài các chính sách của Trung ương, của tỉnh, căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, mỗi huyện, thành phố đã chủ động bố trí nguồn lực, ban hành cơ chế chính sách riêng để hỗ trợ cho Chương trình qua đó đã động viên nhân dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng góp công, góp sức tham gia thực hiện chương trình.
Để thực hiện các chỉ đạo trên, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-BCĐ ngày 16/02/2024 truyền thông phục vụ Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2024; Kế hoạch số 26/KH-BCĐ ngày 20/02/2024 tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2024.
Trên cơ sở đó MTTQ và các tổ chức đoàn thể cùng với các sở, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM; lồng ghép các nội dung, tiêu chí xây dựng NTM vào các chương trình hoạt động nhằm huy động sự tham gia của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập giảm nghèo và tích cực tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, an sinh xã hội...
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và cơ quan đơn vị, địa phương đã tập trung tăng cường công tác tuyên truyền về kết quả xây dựng NTM, tiến độ triển khai các nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm, trọng tâm là nhiệm vụ tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM huyện Yên Khánh, Yên Mô và các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024 tại các hội nghị triển khai nhiệm vụ, trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
Để có thêm kinh nghiệm trong việc xây dựng NTM, UBND tỉnh đã thành lập đoàn công tác do ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh Ninh Bình làm trưởng đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đón, làm việc và hỗ trợ các đoàn công tác tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Hà Tĩnh đến học tập, trao đổi kinh nghiệm xây dựng NTM tại tỉnh Ninh Bình.
Đoàn thể nào, phong trào ấy
Với tinh thần, đoàn thể nào, phong trào ấy, cùng với phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" đã được phát động và triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có 194 tập thể, 176 cá nhân và 16 hộ gia đình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM".
Các đoàn thể đã phát động nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua để khuyến khích và thu hút đông đảo các hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia như: Hội Nông dân tỉnh với phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", phong trào hội viên nông dân "Nói không với thực phẩm bẩn". Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Nhà sạch, đường đẹp”, mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”, “Đường cây/đường hoa phụ nữ”, “Phân loại và xử lý rác thải tại nguồn”. Hội Cựu chiến binh tỉnh nổi bật trong vận động hội viên tham gia góp của, góp công xây dựng NTM, làm kinh tế. Đoàn Thanh niên tỉnh với các phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”, “Chống rác thải nhựa”, “Thắp sáng đường quê”, “Thứ Bảy tình nguyện”, “Chủ nhật xanh”…
Quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được quan tâm chỉ đạo cụ thể. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 15/03/2024 thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Ninh Bình năm 2024, bố trí kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp ngân sách tỉnh để thực hiện. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã ban hành quy chế hoạt động, kiện toàn tổ giúp việc, ban hành kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý chương trình, các chủ thể sản phẩm về hệ thống phần mềm quản lý và đánh giá phân hạng sản phẩm. Hội đồng đánh giá phân hạng các huyện, thành phố đã được kiện toàn đang triển khai công tác khảo sát các sản phẩm tiềm năng, các sản phẩm đề nghị đánh giá lại, huyện Yên Mô đã tổ chức đánh giá lại 3 sản phẩm.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP của 109 chủ thể, gồm: 70 sản phẩm 4 sao và 111 sản phẩm 3 sao (vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025).
Việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đã giúp nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm; các sản phẩm OCOP được ưu tiên quảng bá, giới thiệu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Các chủ cơ sở sản xuất sản phẩm được hỗ trợ từ chính sách phát triển sản phẩm OCOP theo Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 và Nghị quyết số 99/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Tính đến nay toàn tỉnh hiện có 2 LHHTX, tổng số HTXNN trên địa bàn toàn tỉnh là 388 HTXNN gồm: 210 HTXDVNN, 62 HTX trồng trọt, 29 HTX chăn nuôi, 33 HTX nuôi trồng thủy sản, 54 HTX tổng hợp). Số HTXNN chuyên ngành tính đến thời điểm hiện tại là 178 HTX. Số HTXNN đã thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là 384 hợp tác xã nông nghiệp. Toàn tỉnh có 164 THT đang hoạt động. Có 247 trang trại đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ NN&PTNT (trong đó có 49 trang trại tổng hợp, 117 trang trại chăn nuôi, 73 trang trại thủy sản, 8 trang trại trồng trọt).
Tỉnh có 76 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống đã được công nhận (4 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 13 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 46 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 11 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 3 làng nghề dịch vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn). Đa số các làng nghề đều hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định…