Phong trào nông dân

Bảo vệ môi trường nông thôn: Thay đổi nhìn từ ý thức người dân

Đức Cảnh - 07:35 30/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)-Việc xả thải gây ô nhiễm môi trường lâu nay ở vùng nông thôn vốn là chuyện… "khổ lắm, nói mãi". Thế nhưng, từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, tình trạng này ở nhiều nơi đang dần có những chuyển biến tích cực, phần lớn do ý thức bảo vệ môi trường của người dân đang dần thay đổi.

Xuất phát là xã miền núi, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có tới hơn 95 % số hộ dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, bước vào xây dựng nông thôn mới với bộn bề khó khăn, năm nào cũng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nên việc “bắt đầu từ đâu” là bài toán cần có lời giải, đặc biệt là vấn đề môi trường.

Cái khó chồng chất cái khó, từ kinh phí hạn hẹp đến tập quán vệ sinh lạc hậu từ lâu đời, khó thay đổi, người dân chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường đến việc làm sao thuyết phục người dân chăn nuôi tách biệt khỏi khu sinh hoạt…

Mô hình hố rác cánh đồng đang xoá bỏ tình trạng rác thải thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi

Ông Nguyễn Văn Nam, hội viên Nông dân ở xã Sơn Bằng, cho biết: “Hầu hết nước thải sinh hoạt đều thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước công cộng như ao, hồ, sông, ngòi mà không qua xử lý. Nhiều nơi ao, hồ không thể nuôi cá, tầng nước mặt và nước giếng khơi cũng không thể dùng sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ do ô nhiễm”.

Mặt khác, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đặc biệt chăn nuôi lợn không có bể biogas bốc mùi hôi thối. Nước thải xả thẳng ra môi trường tạo ra nguồn ô nhiễm và các dịch bệnh ảnh hưởng tới cộng đồng. Đất đai, nguồn nước cũng bị ô nhiễm do bị lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng.

Xác định xây dựng môi trường nông thôn xanh- sạch - đẹp là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để đảm bảo tiêu chí này. Cùng với sự vào cuộc, phát huy vai trò của người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, lấy nhân tố tích cực là người dân để tuyên truyền, lan toả trong nhân dân triển khai thực hiện.

Hàng tháng, hội viên Nông dân tham gia làm vệ sinh môi trường nông thôn

Theo đó, nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường được gây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả, từng bước cải thiện chất lượng môi trường. Cũng chính vì lẽ đó, Hội Nông dân xã Sơn Bằng xác định công tác bảo vệ môi trường là một hoạt động trọng tâm gắn với các phong trào để từ đó thay đổi ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Để đạt được mục tiêu đó, hoạt động của Hội trong các phong trào thi đua luôn đổi mới, đưa chỉ tiêu các chi hội tham gia bảo vệ môi trường nông thôn thành một trong những chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại hàng năm. Từ đó, các chi hội đều tích cực tuyên tuyền để không có hội viên, nông dân vi phạm bảo vệ môi trường, không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn…

Mô hình phân loại rác tại nguồn được triển khai đến từng hộ dân

Đáng chú ý như việc thực hiện thu gom, xử lý rác thải nguy hại trên đồng ruộng, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Nhờ công tác tuyên truyền, hướng dẫn, bà con nông dân thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng và bỏ vào bể chứa theo quy định, không vứt bừa bãi gây phát tán tàn dư thuốc BVTV ra môi trường.

Bà Trần Hoài Thương- Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bằng cho biết: “Từ khi thực hiện mô hình hố rác cánh đồng, bà con đã từ bỏ thói quen vứt vỏ bao bì bừa bãi sau khi dùng thuốc BVTV tại các bờ ruộng, mương máng, ý thức bảo vệ môi trường của hội viên, nông dân đã thay đổi tích cực, góp phần cải thiện môi trường đồng ruộng, hạn chế chất thải độc hại ra môi trường”.

Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương giờ đây đã trở thành thói quen như “nếp nhà”: Vào đúng ngày quy định, hội viên, nông dân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang cây tạp tại các tuyến đường trong thôn xóm; thu gom rác chở về bãi tập trung; thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình…”.

Xây dựng bể lọc nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường

Ngoài ra, việc đảm bảo môi trường chăn nuôi cũng luôn là vấn đề được quan tâm ở địa phương. Nhờ được hướng dẫn, hỗ trợ mà giờ đây nhiều hộ chăn nuôi đã áp dụng những giải pháp đảm bảo như: Xây dựng hầm biogas, sử dụng các chế phẩm sinh học làm đệm lót, xây hố lắng nước thải chăn nuôi… để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn và trâu, bò, hươu. 

Bà Trần Hoài Thương- Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) khẳng định: Trên những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tập trung vào việc nhân rộng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp có hiệu quả. Trong đó, chú trọng vào tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi và thái độ, cách ứng xử để chung tay bảo vệ môi trường cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác