Y tế

Bệnh lao và các biện pháp để phòng ngừa

Ngọc Thúy - 13:27 23/08/2023 GMT+7
Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng tới những người có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, phụ nữ mới sinh, những người sinh sống trong điều kiện vệ sinh kém, bệnh nhân tiểu đường kiểm soát kém, bệnh nhân ung thư, người dương tính với HIV. 

Những người tiếp xúc gần gũi với những người bị bệnh lao có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, người nghiện rượu, sử dụng thuốc bất hợp lý, người có cân nặng thấp cũng có nguy cơ mắc bệnh lao.

Ảnh minh họa

Bệnh lao là bệnh gì?

Bệnh lao được định nghĩa là bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Bệnh lao hình thành khi vi trùng lao xâm nhập vào một cơ quan nào đó trong cơ thể và sinh sôi đồng thời cơ thể không thể chống lại vi trùng này.

Tất cả các bộ phận của cơ thể đều có thể mắc bệnh lao như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, loa màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dịch – tiết niệu, lao ruột, trong đó thường gặp nhất là bệnh lao phổi (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.

Nếu xét nghiệm soi đờm trực tiếp đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh lao phổi thấy có vi khuẩn lao thì người bệnh sẽ được chẩn đoán là lao phổi AFB (+) và ngược lại là lao phổi AFB (-).

Ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết mỗi năm có 9 triệu người mắc bệnh lao, trong đó có 3 triệu người không được điều trị y tế.

Bệnh lao phổi có triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng. Một người bệnh lao phổi có thể lây nhiễm cho 10 – 15 người khác thông qua tiếp xúc gần trong 1 năm.

Nguyên nhân gây bệnh lao phổi

Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân chính gây nên bệnh lao, khi vi khuẩn lao phát tán ra ngoài lúc người mắc lao phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc gần đó có thể bị hút vào và gây bệnh tại phổi sẽ làm lây lan bệnh.

Vi khuẩn lao đi từ phổi qua đường máu hay bạch huyết gây bệnh đến các tạng khác trong cơ thể.

Khả năng kháng lại cồn và axit của vi khuẩn lao rất cao, ở cùng một nồng độ vi khuẩn khác bị tiêu diệt nhưng vi khuẩn lao vẫn tồn tại.

Thời gian tồn tại của vi khuẩn lao trong đờm, rác ẩm và tối được nhiều tuần, chết ở nhiệt độ 1.000C/5 phút và dưới ánh nắng mặt trời sẽ bị mất khả năng gây bệnh.

Dấu hiệu của bệnh lao phổi

Bệnh lao phổi có những dấu hiệu điển hình gồm:

·  Ho kéo dài hơn 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu)

·  Đau ngực, thỉnh thoảng khó thở

·  Cảm thấy mệt mỏi mọi lúc

·  Đổ mồ hôi trộm nhiều về ban đêm

·  Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều

·  Chán ăn, gầy sút

Các triệu chứng khác cũng có thể xảy ra nhưng không được nêu ở trên. Cơ địa mỗi người khác nhau nên hãy đến gặp bác sĩ để được khám bệnh và tham khảo ý kiến. Bệnh có thể dự phòng được trên cơ sở thực hiện tốt các biện pháp phòng chống.

Một số biện pháp để phòng chống bệnh lao:

Tránh tiếp xúc gần với người bệnh

Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh lao. Nếu bạn không thể tránh hãy đeo khẩu trang và găng tay bảo vệ. Nếu bạn làm ở bệnh viện, hãy đeo khẩu trang chất lượng tốt. Rửa tay với chất sát trùng sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Tránh những nơi đông đúc, ngột ngạt và thiếu vệ sinh.

 Tăng cường khả năng miễn dịch

Tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách duy trì chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa. Ăn ít nhất 4-5 khẩu phần rau xanh và hoa quả mỗi ngày. Nếu bạn không thể ăn do nguyên nhân nào đó, hãy đảm bảo nhận được liều hàng ngày các chất chống oxy hóa/vitamin tổng hợp sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ. Các chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do sản sinh trong tế bào do bệnh tật/căng thẳng và giúp tái tạo tế bào.

Duy trì khẩu phần protein

Ăn ít nhất 2 phần protein trong chế độ ăn hàng ngày. Chúng giúp hình thành các khối tế bào và tái tạo tế bào.

Bữa ăn lành mạnh giàu dinh dưỡng duy trì tốt hệ miễn dịch cho cơ thể.

Duy trì bữa ăn lành mạnh giàu dinh dưỡng

Bạn cần kết hợp tốt tất cả các thành phần của thực phẩm để khỏe mạnh. Carbohydrat, protein, vitamin và chất béo đều có vai trò trong việc duy trì hệ miễn dịch của cơ thể.

Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên

Hãy tập luyện hàng ngày. Bạn có thể đi bộ thường xuyên ít nhất 45 phút mỗi ngày. Tập luyện sẽ cải thiện tuần hoàn máu và cải thiện hệ miễn dịch.

Tập thiền

Hãy dành vài phút để ngồi thiền mỗi ngày. Cách này giúp bạn giảm căng thẳng hàng ngày và tăng cường hệ miễn dịch.

 Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ

Giữ gìn vệ sinh tốt ở bất cứ nơi nào bạn đến. Rửa tay với xà phòng khử trùng thường là một thói quen bị đánh giá thấp nhưng trên thực tế rất có lợi. Khi phải tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, bạn không thể bỏ qua thói quen đơn giản này.

Đưa trẻ đi tiêm chủng

Vì phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, nên cách tốt nhất là bạn nên đưa con đi tiêm vắc xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG) để phòng chống bệnh lao. Cách này sẽ đảm bảo phát triển các kháng thể chống Mycobacterium tuberculosis và do vậy làm giảm nguy cơ mắc bệnh lao.

Tuân thủ dùng thuốc (không bao giờ tự ý dừng thuốc)

Khi người bệnh không tuân thủ điều trị, vi khuẩn lao có thể trở nên nên kháng thuốc. Khi các vi khuẩn kháng thuốc này bắn vào không khí, chúng có thể lây bệnh cho những cá nhân khỏe mạnh. Điều này sẽ dẫn tới tăng số người bị bệnh lao đa kháng thuốc. Do vậy hãy uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Tránh xa căng thẳng

Bạn có thể không nhận thức được rằng stress làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh lao. Do vậy, bạn nên tránh xa mọi căng thẳng.

Ngủ đủ giấc hàng ngày

Mất ngủ không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, việc ngủ đủ giấc là rất quan trọng để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Hãy tránh xa những thực phẩm cản trở giấc ngủ, đồng thời cố gắng ăn những thực phẩm giúp phục hồi chu kì thức ngủ.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác