Bình Thuận: Rà soát văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, công chức, viên chức
Theo UBND tỉnh, hoạt động quảng cáo, sản xuất, mua bán và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả diễn ra phức tạp. Theo báo cáo của Công an tỉnh, đối tượng mua và sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức với mục đích bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm, thi nâng ngạch, cử đi đào tạo sau Đại học, tuyển dụng...
Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong cơ quan Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai tự rà soát, kiểm tra văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý; tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trong tháng 7/2022. Các loại văn bằng, chứng chỉ kiểm tra gồm: bằng đào tạo chuyên môn; chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; chứng chỉ quản lý Nhà nước; chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ kiểm tra, rà soát văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận của cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, tổng hợp, báo cáo kết quả tự rà soát, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị, địa phương và Tổ kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định. Công an tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ triển khai thực hiện công tác rà soát, kiểm tra nêu trên.
Theo TTXVN
- Xảy ra 118 vụ tai nạn giao thông, làm chết 56 người trong 2 ngày đầu kỳ nghỉ lễ
- Công an vào cuộc vụ "Người dân "ngậm trái đắng" vì hội thảo bán hàng, cơ quan chức năng địa phương không hay"
- Người dân "ngậm trái đắng" vì hội thảo bán hàng, cơ quan chức năng địa phương không hay
- Cần làm rõ trách nhiệm vụ cây sau sau bị bứng, cây tự nhiên bị chặt hạ ở xã Hướng Linh