Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch tham dự Lễ khởi công nhà máy chế tác nữ trang Pandora
Dự Lễ khởi công có ông Jacob Stenholm Jensen, Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch; ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam; bà Trần Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Alexander Lacik, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Pandora; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh…
Tập đoàn Pandora, Đan Mạch là thương hiệu trang sức hàng đầu trên thế giới, chuyên thiết kế, sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm trang sức hoàn toàn thủ công từ nguyên liệu chế tác cao cấp. Trang sức Pandora được bán tại hơn 100 quốc gia, với 6.800 điểm bán hàng.
Nhà máy chế tác trang sức của Pandora tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III (VSIP III) có tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD; được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold, chứng nhận hàng đầu về công trình xanh, chỉ sử dụng bạc, vàng tái chế và sử dụng hoàn toàn 100% năng lượng tái tạo. Dự án sẽ tạo việc làm cho hơn 7.000 người lao động với công suất hàng năm khoảng 60 triệu sản phẩm trang sức. Đây là cơ sở thứ 4 của Pandora trên thế giới, đồng thời là cơ sở sản xuất thứ 3 được xây dựng ở châu Á.
Ông Jacob Stenholm Jensen, Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch cho biết: Công trình xây dựng nhà máy chế tác nữ trang của Pandora ở Bình Dương là một trong những dự án lớn nhất của Đan Mạch ở Việt Nam, bên cạnh dự án nhà máy Lego cũng thuộc khu công nghiệp VSIP 3. Qua đó, cho thấy tiềm năng to lớn trong quan hệ hợp tác giữa Đan Mạch và Việt Nam.
Đồng thời, nhà máy này đóng góp phần vào việc thực hiện Đối tác chiến lược xanh giữa Đan Mạch và Việt Nam, một phần của những gì đang diễn ra ở công trường xây dựng nhà máy của Pandora sẽ cho thấy làm sao có thể xây dựng hãng xưởng sản xuất theo hướng xanh hơn, cho phép giảm thiểu dấu ấn carbon đối với môi trường và hành tinh.
Đan Mạch có nhiều kinh nghiệm và sở hữu công nghệ hiện đại để xây dựng và vận hành nhà máy theo hướng bền vững, như được áp dụng trong dự án của Pandora. Chúng ta sẽ chứng kiến ý tưởng xanh của Đan Mạch hình thành trong thực tế.
Theo ông Jeerasage Puranasamriddhi, Giám đốc chuỗi cung ứng Tập đoàn Pandora cho biết: Nhà máy sẽ được vận hành bằng 100% năng lượng tái tạo và chỉ sử dụng bạc và vàng tái chế. Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu bền vững của Pandora qua việc giảm một nửa lượng khí thải carbon trên toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040. Ngoài ra, Pandora sẽ tiếp xúc với các đối tác địa phương cho các giải pháp năng lượng tái tạo khác.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là sự kiện đáng nhớ, một dấu mốc quan trọng không chỉ đối với Tập đoàn Pandora, mà còn đối với tỉnh Bình Dương trong việc không ngừng nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và thực hiện chuyển đổi xanh nền kinh tế.
Cùng với Tập đoàn Lego, sự có mặt của Tập đoàn Pandora tại VSIP III là một trong những minh chứng hết sức sinh động, rõ ràng về sự lựa chọn và hướng đi đúng đắn của tỉnh Bình Dương trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế; đã nhận được sự tin tưởng và chọn làm "điểm đến" của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Hơn thế nữa, sự hiện diện của Lego trước đây và Pandora hiện nay đã góp phần củng cố, mở rộng và tăng cường sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa hai quốc gia Đan Mạch và Việt Nam.
Với tổng mức đầu tư và nhu cầu lao động làm việc tại Nhà máy, Pandora Production Việt Nam trở thành đơn vị dẫn đầu trên lĩnh vực sản xuất nữ trang và phụ kiện trang sức tại Việt Nam. Với diện tích đất sử dụng 7,5 ha, Pandora có thể mở rộng quy mô sản xuất trong tương lai. Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng rằng, Tập đoàn Pandora sẽ có nhiều cơ hội để hoạt động và phát triển, qua đó có những đóng góp tích cực cho tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bình Dương cam kết tạo điều kiện tốt nhất để việc xây dựng Nhà máy được thực hiện thuận lợi và đúng kế hoạch; đồng thời, sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty sau khi nhà máy đi vào hoạt động được thuận lợi, hiệu quả.