Đầu tư

Bình Định: Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân ổn định sản xuất, kinh doanh

Trang Lê- Quỳnh Chi - 13:55 09/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 8/10, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bản tỉnh.
TIN LIÊN QUAN

Dự và chủ trì Hội nghị có ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Cùng tham dự còn ông Nguyễn Tự Công Hoàng, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành và hơn 250 đại biểu từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nông dân, đơn vị sản xuất, kinh doanh, thu mua nông sản.

Hội nghị có sự tham gia của 250 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nông dân, đơn vị sản xuất, kinh doanh, thu mua nông sản.

Mong doanh nghiệp hiến kế giải pháp tiêu thụ nông sản

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo và ban hành nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn. Trên cơ sở đó đã có nhiều đề án được xây dựng và triển khai kế hoạch, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết nhằm nâng cao giá trị nông, lâm, thủy sản. Qua đó, đã phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đưa các giống mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Hiện tỉnh Bình Định có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: lúa, ớt, lạc, sắn, dừa, bưởi, xoài, trong đó một số sản phẩm có tiềm năng phát triển thành hàng hóa tập trung hướng tới xuất khẩu như ớt, bưởi, dừa, xoài.

Về chăn nuôi, Bình Định là vựa chăn nuôi heo lớn nhất khu vực với hơn 686 nghìn con. Đàn bò nuôi có chiều hướng tăng, Bình Định đứng vị trí thứ nhất trong toàn vùng, với hơn 308 nghìn con. Đàn gà nuôi của tỉnh luôn đứng đầu vùng, với 8,5 triệu con.

Về lĩnh vực ngư nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ ngư dân áp dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản thủy sản sau khai thác trên tàu cá, chú trọng cải hoán hầm bảo quản sản phẩm có kết cấu phù hợp đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bên cạnh đó chính sách khuyến khích nuôi trồng thủy sản được tỉnh quan tâm triển khai mạnh mẽ.

Về sản phẩm OCOP, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 382 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh vẫn thiếu tính bền vững, còn tình trạng được mùa mất giá, chi phí đầu vào sản xuất có lúc còn cao, chưa hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối.

Tỉnh Bình Định ghi nhận và đánh giá cao các thương nhân là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá thể đã năng động thu mua nông sản; làm khâu trung gian thu mua cho các nhà máy, doanh nghiệp. Thực tiễn có khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh mong muốn các thương nhân chủ động phản ánh thực trạng và hiến kế các giải pháp cho sản xuất và tiêu thụ nông sản thời gian tới ổn định, bền vững, mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất phù hợp để tháo gỡ điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản.

"Việc giải quyết kiến nghị, đề xuất giữa các cơ quan quản lý nhà nước với thương nhân theo nguyên tắc chính quyền tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định pháp luật cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh; thương nhân có trách nhiệm, nghĩa vụ ổn định giá cả thị trường, tuân thủ pháp luật trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, an toàn thực phẩm và có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh", ông Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh.

Chính quyền cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào Bình Định

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương và các thương nhân, nông dân trong tỉnh đã tham gia trao đổi, đối thoại cùng lãnh đạo UBND tỉnh về thực trạng, khó khăn đang diễn ra trong ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản.

Các đại biểu tham gia thảo luận

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh khá đa dạng nhưng năng suất và sản lượng vẫn còn thấp, nhiều sản phẩm chưa đạt chuẩn chất lượng. Nguyên nhân do năng lực sản xuất và quản lý của các chủ thể như nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, nguồn vốn của người nông dân, HTX và Doanh nghiệp vẫn còn eo hẹp, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn rất yếu.

Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã báo cáo về an toàn thực phẩm và phát triển nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, diện tích cây trồng đạt chuẩn VietGAP là 284,4 ha, diện tích nông nghiệp hữu cơ là 121,6 ha; có 3 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Tỉnh có 5 vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích 62,6 ha và 21 mã số vùng trồng nội địa cho 178,8 ha. Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau VietGAP Lá lành được duy trì với sản lượng tiêu thụ 25 tấn/tháng qua hệ thống siêu thị.

Về chăn nuôi, đàn heo ứng dụng công nghệ cao đạt 97.590 con, với 2 doanh nghiệp tiêu biểu là Công ty TNHH Bảo Châu và HTX Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Chăn nuôi tổng hợp Nhơn Khánh, áp dụng công nghệ vi sinh và xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học. Đàn bò phát triển thương hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định” ước đạt 79.800 con, trong khi các Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Cao Khanh tiếp tục cung cấp sản phẩm gà sạch, chất lượng cao. Lĩnh vực nuôi tôm cũng ghi nhận diện tích 110 ha ứng dụng công nghệ cao, sản lượng 3.800 tấn.

Toàn tỉnh có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, nhưng chỉ 45,7% đăng ký kinh doanh và 3,3% áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như VietGAP, HACCP. Những con số này cho thấy cần cải thiện để thúc đẩy phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinanutrifood Bình Định cho biết, công ty đang triển khai các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp bán tại thị trường nội địa trên các nền tảng hệ thống các siêu thị, thương mại điện tử và thị trường Trung Quốc. Hiện Công ty Vinanutrifood đang triển khai nhà máy chế biến sâu, dự kiến 10ha tại huyện Tây Sơn. Công ty này sẽ chế biến những mặt hàng nông sản, nhà máy đầu tiên đưa về giải quyết vấn đề nông sản của địa phương. Nhà máy này sẽ bao tiêu đa dạng từ trái cây cho đến các sản phẩm rau, củ quả với nền công nghệ mới nhất. Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho hay, công ty đang tập trung vào vấn đề công nghệ, rất mong người dân ở Bình Định có được cái nhìn mới, thay đổi hệ tư duy, tạo được những vùng nguyên liệu lớn.

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, nông dân Trần Văn Thành, ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết, sự hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất đã có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương. Thực tế, ông cùng 5 người khác liên kết trồng 5ha ớt VietGap tại xã Cát Tài. Ban đầu triển khai trồng ớt theo chuỗi liên kết, người dân chưa có sự đồng thuận cao, tuy nhiên khi thấy được lợi nhuận của việc ký kết hợp đồng thu mua của doanh nghiệp bà con tiến hành thu hoạch và bán cho doanh nghiệp. Ông Trần Văn Thành kiến nghị cần có sự liên kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân để sản phẩm nông nghiệp được kiểm soát từ khâu trồng cho đến thu hoạch được thuận lợi.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị triển khai mang tính tổng thể các giải pháp ổn định kinh doanh về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, tỉnh Bình Định hiện thiếu các nhà máy chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm, tận dụng tối đa những gì nông nghiệp mang lại. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Sau hội nghị, tỉnh sẽ triển khai việc thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất, đặc biệt là về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sức khỏe và chất lượng sản phẩm. Toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp phải hướng tới việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như VietGAP và GlobalGAP.

Đối với các huyện phải coi việc phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, với sự chịu trách nhiệm trực tiếp từ Chủ tịch huyện trong việc triển khai và giám sát thực hiện. Với bà con nông dân, HTX, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bà con nông dân cần thay đổi tư duy về sản xuất trong nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…; thực hiện cam kết với doanh nghiệp và thương nhân các nội dung yêu cầu để đảm bảo bao tiêu sản phẩm.

Các doanh nghiệp chế biến cùng với tỉnh quy hoạch vùng trồng, tổ chức các quy trình và tiêu chuẩn sản phẩm, tập trung vào các nhà máy chế biến sâu và ký kết với bà con. Các thương nhân phải thống nhất ký cam kết tiêu thụ sản phẩm, chung tay hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm nhất là khi được mùa.

“Mục tiêu của hội nghị là tìm ra các giải pháp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng và năng suất, hướng tới sự phát triển bền vững. Đồng thời, các bên liên quan bao gồm nông dân, hợp tác xã, nhà máy chế biến, siêu thị, nhà khoa học và quản lý đều cùng có lợi”.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Các siêu thị trên địa bàn cùng doanh nghiệp và thương nhân tập trung rà soát, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh hướng đến đưa các sản phẩm này vào kệ siêu thị để bán và đưa sản phẩm của tỉnh có mặt ở các siêu thị tỉnh khác.

Các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại Hội nghị.

Dịp này, tại hội nghị đã diễn ra hoạt động ký kết cam kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các đơn vị thu mua và các đơn vị sản xuất theo các phương thức ổn định sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác