Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn về giảm thuế xăng dầu, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp
Sẽ đề xuất giảm thuế với xăng dầu
Liên quan đến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và đang ở mức cao kỷ lục, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ quan điểm của Bộ Tài chính về các ý kiến đề nghị cần tiếp tục có các biện pháp giảm các khoản thuế xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian này?
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng dầu hiện tăng cao nhưng so với các nước xung quanh Việt Nam, vẫn thấp hơn Lào (khoảng 10.000 đồng/lít), Thái Lan (3.000-4.000 đồng/lít). Nhưng ông nói thêm, việc giảm thuế xăng dầu hay không thì thuộc thẩm quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).
Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ 1/4 đến hết năm nay, khiến ngân sách Nhà nước giảm thu 24.000 đồng. Hiện còn dư địa giảm thêm 2.000 đồng mỗi lít thuế bảo vệ môi trường. Theo quy định, Thường vụ Quốc hội chỉ có thẩm quyền giảm thêm 1.000 đồng với loại thuế này. Giảm 2.000 đồng với loại thuế này, ông Phớc nói là thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Còn thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế nhập khẩu xăng dầu (hiện là 8%), thuế VAT (10%)... thuộc thẩm quyền Quốc hội.
"Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu", Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Tuy nhiên, Tư lệnh ngành Tài chính cũng lưu ý, ngoài biện pháp này, cần các giải pháp đồng bộ, nhất là siết buôn lậu xăng dầu, đảm bảo nguồn cung (trong nước, nhập khẩu).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
"Nếu giảm thuế để hạ giá xăng sẽ dẫn tới thẩm lậu xăng dầu, dòng tiền sẽ chảy ra nước ngoài, Lào, Campuchia, Thái Lan...", ông Phớc lo ngại.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bổ sung, các vấn đề về thuế thuộc thẩm quyền Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì cũng cần tham mưu, đề xuất từ bộ quản lý Nhà nước.
"Cử tri cả nước đang rất chờ đợi phản ứng chính sách này, nên đề nghị Bộ Tài chính có đề xuất cụ thể để cấp có thẩm quyền quyết định", Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu ngoài thuế, còn có chi phí định mức, lợi nhuận định mức...
Đại biểu không đồng tình việc can thiệp giá xăng dầu
Tranh luận với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về vấn đề giá xăng dầu, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam) chưa đồng ý với Bộ trưởng về vấn đề này. Theo ông Thân, Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu can thiệp quá sâu sẽ không vận hành theo đúng cơ chế thị trường.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam).
"Hãy để giá đó tự nhiên theo hướng tăng giảm của thế giới vì Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nội địa và đầu tư nước ngoài. Nếu giảm thì ảnh hưởng đến xuất khẩu khác, nên chỉ can thiệp đúng mức chứ không cố gắng để giá rẻ nhất với các nước xung quanh", ông Thân nói.
Bộ trưởng Tài chính cho hay, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá do Nhà nước giữ vai trò bình ổn. Đến một lúc nào đó, Nhà nước phải can thiệp để giảm giá xăng dầu. Bởi việc giảm giá xăng dầu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, như: góp phần giảm chi phí của doanh nghiệp, giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy cạnh tranh và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó, tăng tích luỹ cho nền kinh tế.
“Khi tích luỹ nền kinh tế tăng lên, chúng ta có thể thu được thuế thông qua việc tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một giải pháp, còn việc giảm mức nào, cần tính toán kỹ lưỡng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Sai phạm trên thị trường chứng khoán, ai chịu trách nhiệm?
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thời gian vừa qua, để điều hành, ổn định thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã rất nỗ lực ngăn chặn và xử lý một số sai phạm để thị trường minh bạch hơn.
Cũng trong phiên Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, Đại biểu Nguyễn Danh Tú – đoàn Kiên Giang nêu câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng trong điều hành đối với một số diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua để điều hành, ổn định thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cũng đã rất nỗ lực để ngăn chặn và xử lý một số sai phạm để thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã ra 5 thông cáo báo chí về vấn đề rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và trả lời trên các báo và đài để cảnh báo cho nhà đầu tư chứng khoán. "Ngày 1/9/2021, chúng tôi đã ra công điện yêu cầu ủy ban chứng khoán và cơ quan tiến hành thanh tra; đến ngày 3/12/2021, chúng tôi cũng tăng cường thanh tra để phát hiện sai phạm để xử lý. Đến ngày 1/4/2022, Bộ Tài chính cũng đã cho thanh tra các công ty kiểm toán độc lập đối với công ty chứng khoán" - Bộ trưởng cho biết.
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm và chuyển qua cơ quan điều tra 34 vụ, tiến hành xử phạt hành chính 568 vụ với số tiền là hơn 29 tỷ đồng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề liên quan đến công tác quản lý cán bộ, nên Bộ Tài chính đã cách chức, cảnh cáo và kiểm điểm nhiều cán bộ lãnh đạo có liên quan. Điều này liên quan đến trách nhiệm, ban hành các quy chế không đúng với Thông tư của Bộ Tài chính và Nghị định của Chính phủ, để nghãn mạng thông tin gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư…
Cùng với đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) về vấn đề liên quan đến triển khai gói thầu vận hành hệ thống KRX - đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhà đầu tư và góp phần quan trọng trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, hệ thống công nghệ thông tin KRX là dự án do Hàn Quốc tài trợ và hiện nay chưa xong. Bộ Tài chính đang thúc đẩy tích cực để đưa ra những giải pháp mạnh yêu cầu nhà thầu phải sang hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, khi dự án này chưa hoàn thành, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng dự án – dùng công nghệ của sàn HNX Hà Nội đưa vào HOSE. Đồng thời nới room từ 1 triệu lệnh/ngày lên 3 triệu lệnh/ngày và hiện tại giao dịch 2,5 triệu lệnh/ngày.
"Chúng tôi tiếp tục đưa các chuyên gia giỏi để nâng room lên khoảng 5 triệu lệnh/ngày, qua đó đảm bảo cho hệ thống công nghệ thông tin của sàn HOSE không bị nghẽn mạnh như thời gian vừa qua" - ông Phớc nói.
Khi dự án KRX được hoàn thành, đây sẽ là hệ thống công nghệ thông tin dự phòng trong trường hợp bị sự cố, nghẽn mạch, đảm bảo cho mọi giao dịch thông suốt và phát triển dài hạn cho thị trường chứng khoán.
Theo VOV