Thảo luận

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Làm sâu sắc vai trò trụ đỡ của nông nghiệp

15:04 23/12/2022 GMT+7
Việt Nam đã mở cửa rất nhiều thị trường khó tính cho nông sản và quan trọng hơn là chúng ta chứng minh được chất lượng nông sản Việt Nam có thể đảm bảo ở các thị trường khó tính nhất.

Năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ vượt chỉ tiêu Chính phủ giao và ghi nhận mức kỷ lục mới. Tăng trưởng nông nghiệp cũng đạt mức khá.

Nhìn lại những kết quả của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022 trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, cùng những giải pháp để tạo bước đột phá trong năm 2023, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phú, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Vũ Sinh

Năm 2022, thế giới có nhiều biến động đã tác động đến ngành nông nghiệp của Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả của ngành đạt được trong năm?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Năm 2022, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về dịch bệnh, đứt gẫy cung cầu, chi phí logistics, nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Kết quả đến giờ này mặc dù chưa đạt như kỳ vọng của ngành, doanh nghiệp cũng như nông dân, nhưng cũng là thành quả rất đáng tự hào.

Tự hào không phải nằm ở con số của ngành mà có những niềm tự hào chúng ta không nhìn thấy được. Đó là sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong một bối cảnh dịch bệnh biến động phức tạp.

Hay nói cách khác là đã làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp, không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn đảm bảo các vấn đề xã hội. Điều này không thể hiện ra những con số.

Ví dụ như việc đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay rất nhiều quốc gia đang khủng hoảng an ninh lương thực, khủng hoảng về sản xuất nông nghiệp, thậm chí có những chuỗi ngành hàng của một số quốc gia bị đứt gẫy, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đứng vững.

Vấn đề bao trùm là Việt Nam chưa bao giờ bị khủng hoảng về lương thực, thực phẩm. Trong bối cảnh đó, nửa cuối năm 2022 nhiều quốc gia đang tìm đến Việt Nam để tìm kiếm sự hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực.

Điều này để nói rằng sứ mạng của ngành nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng, mà còn là vấn đề bao trùm cho hàng chục triệu nông dân, người lao động ở khu vực nông nghiệp, dịch vụ.

Vai trò của nông nghiệp nằm trong một cấu trúc chung về kinh tế và xã hội. Nhiều khi nếu chúng ta chỉ tiếp cận qua những con số tăng trưởng thì chúng ta không thấy được tác động của ngành với xã hội.

Bộ trưởng là người đưa ra chủ trương chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, việc chuyển đổi này được các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân thực hiện như thế nào?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta có thể thấy tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, doanh nghiệp.

Cũng thấy rằng không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa. Bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và rất nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức nông dân có tư duy làm sao tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.

Ngày càng thấy rõ vấn đề định vị thị trường có vai trò quan trọng hơn sản xuất. Bởi, sản xuất mà không có thị trường thì sản xuất sẽ bị tắc nghẽn. Do đó, vai trò kiến tạo của nền kinh tế nông nghiệp và kiến tạo không gian thị trường rất quan trọng và thể hiện rất rõ trong năm 2022.

Đó là những tín hiệu cho thấy Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hay Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội, nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp hay tư duy phát triển nông nghiệp sang một tư duy mới, mô hình mới, tăng trưởng tích hợp đa giá trị.

Xu thế nền kinh tế của thế giới là “less in more” - ít hơn nhưng được nhiều hơn và “more from less” - được nhiều hơn từ cái ít hơn; thông qua công nghệ có thể giải quyết được việc này.

Có thể tuần hoàn tất cả phế phụ phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ bớt đi chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bà con trồng càphê đã tuần hoàn các phế phẩm trong vườn càphê để tạo phân bón trong điều kiện giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng.

Chi phí giảm xuống, năng suất có thể giảm nhưng giá cao hơn. Điều này cho thấy “thoát” tư duy về sản lượng, hướng về tư duy chất lượng, hướng về nông nghiệp tuần hoàn. Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái chính là “less in more, more from less” từ những mô hình đơn giản.

Rất tiếc là trong thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa làm tốt vấn đề lan tỏa mô hình này. Bộ đã giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tuyên truyền, phổ biến đồng thời nghiên cứu để thành quy chuẩn chung cho các cấp độ nông hộ, hợp tác xã.

Đóng gói tôm thành phẩm xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh

Năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới. Đây cũng là năm mà ngành đã đạt nhiều kết quả trong mở cửa thị trường. Theo Bộ trưởng, để tiếp tục thành quả này ngành cũng như các địa phương, doanh nghiệp và nông dân cần làm tốt điều gì?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Việt Nam đã mở cửa rất nhiều thị trường khó tính cho nông sản để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn là chúng ta chứng minh được rằng chất lượng nông sản Việt Nam có thể đảm bảo ở các thị trường khó tính nhất.

Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra lợi nhuận cao hơn. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ, sản xuất ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, bán cái thị trường cần đã được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm.

Những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu hay Nhật Bản là minh chứng cho thấy đã hướng vào vấn đề chất lượng, hướng về yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau.

Điều này dẫn dắt lại người nông dân đảm bảo được tiêu chuẩn ngay từ khi chọn giống, ứng dụng các quy trình canh tác, chuẩn hóa chất lượng nông sản, cho từng thị trường. Vì vậy, tư duy đường dài của doanh nghiệp sẽ đưa đến tư duy đường dài cho người nông dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua liên tục tổ chức nhiều diễn đàn để các doanh nghiệp thấy được mỗi loại thị trường có yêu cầu khác nhau. Chúng ta không thể “mặc đồng phục,” không thể đồng nhất tất cả các sản phẩm mà phải tạo ra nhiều phân khúc thị trường.

Việc mở cửa thị trường tạo cơ hội lớn cho sản xuất; xuất khẩu nông sản chính thức, ổn định bền vững; đầu ra và giá cả ổn định; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp mang lợi ích cho người sản xuất.

Thực hiện tốt các quy định của thị trường sẽ giúp giảm tỷ lệ kiểm tra, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu/cảng, giúp thông quan nhanh chóng tạo thuận lợi cho nhà xuất khẩu.

Về lâu dài sẽ tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa những người sản xuất với nhau, người sản xuất với nhà đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy chuẩn, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, thân thiện với môi trường. Rủi ro thị trường sẽ được giảm thiểu khi sản xuất đáp ứng tốt các chuẩn mực thị trường.

Quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu nhập nguyên liệu cho đến chế biến thanh long xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Văn Việt

Các hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất làm sao đảm bảo sản phẩm giữ được chữ tín trên thị trường. Thời cơ đã có, vấn đề là tâm thế để xuất khẩu loại hàng hóa mà thị trường có nhu cầu rất lớn.

Dự báo kinh tế thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những định hướng như thế nào cho năm 2023 và những năm tiếp theo?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta phải xác định rằng ngành nông nghiệp sẽ luôn gặp khó khăn, thách thức. Khi thế giới thay đổi thì chúng ta cần phải có kế hoạch để chủ động thích ứng. Tuy nhiên, những khó khăn này không bằng các quy chuẩn thị trường ngày càng khắt khe hơn.

Những nông sản hay các sản phẩm nông nghiệp được tạo ra giờ thị trường không chỉ tiếp nhận bằng giá cả, bằng chất lượng mà còn quan tâm trong sản xuất có bị tác động tới môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu... Như càphê, hạt điều có phải được trồng do tàn phá rừng để canh tác. Hay chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cũng là một minh chứng thị trường không chỉ quan tâm độ ngon của hải sản mà còn các vấn đề như đánh bắt như thế nào, có vi phạm luật pháp quốc tế hay không?

Đó là sức ép đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi. Nhưng trước sức ép thay đổi đó, nếu chủ động thay đổi sẽ đỡ rủi ro hơn và cơ hội để xây dựng hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam trách nhiệm, bền vững.

Việt Nam đã có những cam kết tại COP 26 vừa đảm bảo tăng trưởng sản xuất vừa bảo vệ được môi trường; xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tham gia vào hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Những cam kết này phải được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể, bằng trách nhiệm của người sản xuất, nông dân, ngư dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện nay việc làm ở nông thôn là vấn đề quan trọng mà việc sắp xếp lại sản xuất sẽ tạo ra rất nhiều việc làm cho nông thôn.

Năm 2023 phải đi sâu vào kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn. Muốn vậy hình thái hoạt động của hợp tác xã, sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp... phải khác đi.

Để giải quyết vấn đề việc làm trong nông thôn cần chuyển qua công nghiệp dịch vụ hoặc tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn bằng kinh tế nông nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, những dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn. Đó là những vấn đề mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đang hướng tới.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

 

Theo Việt Nam +

Tin cùng chuyên mục
Tin khác