Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: "Quyết tâm công phá tâm lý sợ trách nhiệm"
Không phải hiện tượng đơn lẻ
Tại phiên thảo luận về KTXH ngày 31/5, nhiều ý kiến làm “nóng” nghị trường khi đề cập tình trạng “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai... và kiến nghị cần có giải pháp xử lý để không cản trở sự phát triển.
Báo cáo giải trình vấn đề này trong cuối phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng hiện trạng này cần nhìn nhận không chỉ diễn ra đơn lẻ mà ở nhiều địa phương, một số bộ ngành Trung ương trong một bộ phận cán bộ, công chức, trong các hoạt động KTXH, thể hiện rõ nhất là lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư phát triển DN, cung ứng dịch vụ trực tiếp liên quan người dân và DN.
“Tình trạng này làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ; bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân, DN với cơ quan Nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng mọi mặt xã hội, nhất là mục tiêu phát triển KTXH đất nước” – nữ bộ trưởng nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng cho rằng có các nguyên nhân cơ bản. Trước hết là nhận thức, ý thức trách nhiệm, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế.
Vai trò, trách nhiệm nêu gương của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được phát huy nghiêm túc, nhất là trong bối cảnh đất nước khó khăn hiện nay.
Cùng với đó thể chế chính sách quản lý KTXH có mặt còn bất cập, chồng chéo, vấn đề phát sinh nhưng chậm sửa đổi, bổ sung; cơ chế phối hợp giữa các bộ với địa phương có mặt chưa kịp thời, chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Dù vừa qua Quốc hội, Chính phủ dành rất nhiều thời gian quan tâm cho hệ thống thể chế nhưng còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, kỷ cương, kỷ luật hiện nay đang được siết chặt. PCTN, tiêu cực, được đẩy mạnh để làm sạch Đảng và hệ thống chính trị, hàng loạt cán bộ công chức bị kỷ luật, khởi tố, truy tố do sai phạm nghiêm trọng dẫn đến tâm lý một bộ phận cán bộ công chúc sợ sai, sợ trách niệm.
“Tuy nhiên, dù nguyên nhân nào thì phải thống nhất rằng hiện tượng này là vi phạm, sai phạm quy định của Đảng và Nhà nước, là biểu hiện suy thoái về chính trị cần nghiêm khắc phê phán, triệt tiêu” – bà Phạm Thị Thanh Trà khẳng định. Bà cũng nhấn mạnh, cùng một cơ chế nhưng nhiều nơi quyết tâm và làm tốt, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chứ không phải đổ hết cho cơ chế, thể chế là khó khăn, là rào cản, là không làm được.
Quyết liệt công phá tâm lý sợ trách nhiệm
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, hơn lúc nào hết phải thay đổi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Trong từng cơ quan đơn vị chú trọng giáo dục tư tưởng chính trị và đạo đức công vụ; chấn chỉnh ngay một cách quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với trách nhiệm đảng viên, cán bộ công chức; thực hiện nghiêm chỉ thị, công điện về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính Nhà nước.
“Phải thay đổi, xoá bỏ nhận thức của một số cán bộ công chức có tư tưởng không làm thì không sao. Đây chính là dấu hiệu của một loại tự diễn biến, cản trở nghiêm trọng sự phát triển; đồng thời khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức” – bà nói.
Giải pháp tiếp theo, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về đẩy mạnh rà soát bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là lĩnh vực KTXH còn vấn đề còn phát sinh khó khăn vướng mắc; liên quan quyền hạn, thẩm quyền cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, uỷ quyền.
Cạnh đó, tham mưu thể chế hoá chủ trương của Đảng về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Bộ Nôi vụ hoàn thành dự thảo nghị định lấy ý kiến 63 tỉnh thành, bộ ngành, chuyên gia, Bộ Tư pháp thẩm định nhưng còn có vấn đề vướng về pháp lý, thẩm quyền nên tiếp tục báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền, và cần thiết sẽ báo cáo Quốc hội có nghị quyết thí điểm thì mới khuyến khích, bảo vệ được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đổi mới công cụ công chức. Kịp thời biểu dương nơi àm tốt, xử lý nghiêm cán bộ không làm tròn trách nhiệm, sợ sai; kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ năng lực hạn chế, nhất là cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh việc xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ. Nơi nào người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, dẫn dắt thì nơi đó thành công, kỷ cương, kỷ luật công vụ tốt.
“Hơn lúc nào hết cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đồng bộ, thực hiện các giải pháp với ý thức và trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm và không dám làm trong thực thi công vụ. Đề nghị cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu, phân loại vụ việc vi phạm, sai phạm nếu không vụ lợi cá nhân, không tham ô, tham nhũng thì thì khoan dung, khoan hồng hơn nữa để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu ý kiến./.
Theo VOV
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII
- Chính phủ ban hành 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
- Ông Lê Ngọc Châu được Thủ tướng phê chuẩn giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương
- Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo