Bộ trưởng Xây dựng: Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển đô thị Xanh
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ở mức 42,6% hiện nay, Việt Nam đang còn nhiều dư địa để phát triển đô thị.
Nhận định trên vừa được ông Nghị đưa ra chiều 8/11 tại Diễn đàn “Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023” với mục đích tập trung thảo luận về việc hoàn thiện các khung pháp lý, cơ chế, chính sách, qua đó thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng xanh, bền vững tại Việt Nam.
Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%
Chia sẻ tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay ngày 8/11 là “Ngày Đô thị Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ công nhận từ năm 2008. Từ đó đến nay, hàng năm, ngày 8/11 đã trở thành ngày hội lớn của các chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến phát triển đô thị và của mọi người dân.
Năm 2023, diễn đàn phát triển bền vững đô thị diễn ra trong bối cảnh các đô thị bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một Nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị.
Theo người đứng đầu ngành xây dựng, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định đô thị hóa là tất yếu, là động lực của phát triển đô thị.
Đến nay, sau 35 năm đổi mới, đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Bước đầu, Việt Nam đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn (nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).
Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị (trong đó 2 đô thị loại đặc biệt, 22 loại I, 35 loại II, 46 loại III, 94 loại IV). Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng lưu ý hiện nay vẫn còn nhiều bất cập cần tập trung giải quyết trong quá trình đô thị hóa như: Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới.
Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị…
Để khắc phục tồn tại, nhanh chóng đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ông Nghị cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.
Chương trình hành động của Chính phủ cũng xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030.
Thúc đẩy phát triển đô thị bền vững hơn
Trước yêu cầu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh thời gian tới, chính quyền đô thị tại các địa phương cần quan tâm, phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị.
Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW, các địa phương cần quyết liệt hơn, bảo đảm tiến độ của Chương trình hành động của địa phương thực hiện Nnghị quyết.
Trong đó, cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị cần phải chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực hợp tác và phối hợp trong quá trình thực hiện các công tác quản lý phát triển đô thị.
“Với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ở mức 42,6% hiện nay, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển đô thị. Vì vậy, thời gian tới cần có sự chuẩn bị tốt nhất để đô thị thực sự phát huy vai trò mà Bộ Chính trị đã chỉ ra; qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng sống của cộng đồng,” ông Nghị nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng nhấn mạnh để công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững.
Theo đó, chính quyền đô thị cần chọn khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch; khuyến khích tạo việc làm tại chỗ để hạn chế di dân quá lớn vào các đô thị lớn; gắn đồng bộ quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý cũng tập trung thảo luận về việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng Xanh, bền vững.
Cùng với đó, các đại biểu đề xuất thời gian tới cần tháo gỡ các rào cản để tăng cường vai trò của tư nhân trong xây dựng đô thị thông minh và khuyến khích việc ứng dụng các sáng kiến, công nghệ hiện đại trong phát triển đô thị.
Đặc biệt, chính quyền các đô thị cần tìm kiếm các giải pháp trong vấn đề quy hoạch và quản lý thông minh, phát triển hạ tầng ICT, Chuyển đổi Số, giao thông Thông minh, năng lượng thông minh, dịch vụ và tiện ích thông minh./.
Theo Vietnam+