Cà Mau: Triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số
Dự Lễ họp mặt có ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Dương Huỳnh Khải, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành; hơn 300 đại biểu, khách mời là lãnh đạo các doanh nghiệp; các chủ thể OCOP…
Trong năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đã có những chuyển biến tích cực, thu ngân sách đạt trên 3.600 tỷ đồng, đạt 83,8% dự toán; kim ngạch xuất khẩu lũy kế đạt trên 1 tỷ USD, đạt 94% kế hoạch và tăng 40% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 77% và vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng cao, có quy mô lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nâng cao uy tín, chất lượng, dịch vụ thương hiệu sản phẩm.
Về đầu tư, tỉnh Cà Mau đã được Chính phủ quan tâm và triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm như đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến tránh Quốc lộ 1A qua TP. Cà Mau. Tỉnh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm để thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội như: Cầu Gành Hào nối với Bạc Liêu, đường Cái Nước - Cái Đôi Vàm, đường U Minh - Khánh Hội; bệnh viện Đa khoa 1200 giường… Tỉnh đang kêu gọi đầu tư một số dự án có quy mô lớn như: Cảng biển quốc tế Hòn Khoai; Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Tường; Dự án dịch vụ, thể dục thể thao tại Khu Liên hợp Thể dục Thể thao tỉnh; Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ; Đầu tư hạ tầng khu kinh tế Năm Căn và các khu công nghiệp…
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Các doanh nghiệp trong 2 năm qua đã phải nỗ lực, chống chọi với đại dịch Covid-19 để tồn tại và duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu vốn hoạt động; các loại chi phí tăng cao như y tế, giá nguyên liệu, vận tải, kho bãi… tỷ giá tiền tệ liên tục biến động, thiếu lao động làm việc…
Nhằm chia sẻ, khắc phục có hiệu quả ngay những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, từng bước xây dựng Cà Mau trở thành tỉnh có nền kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, UBND tỉnh cam kết tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tỉnh nhà; tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất, đặc biệt là tạo điều kiện để tiếp cận, khai thác có hiệu quả các tiềm năng hiện có, phục vụ cho sự phát triển sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất, triển khai tốt các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do Covid-19; tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận, được hỗ trợ một cách minh bạch, công bằng;
Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững; Kiên quyết ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Chủ động, hỗ trợ doanh nghiệp tích cực hội nhập quốc tế, vận dụng các lợi thế Hiệp định thương mại tự do, tránh các rủi ro, rào cản thương mại, nâng cao hiệu quả và công tác đối ngoại, tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài nước.
Rà soát, đề xuất tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; Không chần chừ, đùn đẩy trách nhiệm; coi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là chính mình; lắng nghe và giải quyết theo thẩm quyền; kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp trên các trường hợp vượt thẩm quyền để có ý kiến chỉ đạo, giải quyết ngay.
Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, tham mưu ban hành các kế hoạch và chương trình hành động cụ thể để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hằng năm. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ…