Các giải pháp ứng phó với bão số 3 phải hoàn thành trước 18 giờ tối 6/9
Chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 ở mức cao nhất để giảm thấp nhất thiệt hại
Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất cao về nhận định, bão số 3 có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn với diễn biến phức tạp. Theo các cơ quan dự báo tính đến thời điểm đầu giờ chiều 5/9, bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão khi vào đến gần đảo Hải Nam (Trung Quốc). Khi bão đi vào Vịnh Bắc bộ, bão gây mưa to, sóng lớn với gió mạnh, các địa phương từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ là vùng chịu ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão. Những hình thái thời tiết nguy hiểm được cảnh báo ở các tỉnh Bắc bộ, Bắc trung bộ là sóng lớn, giông lốc trên biển, đất liền; mưa lớn diện rộng gây ngập úng vùng trũng, thấp, khu vực đô thị; lũ ống, lũ quét ở miền núi; các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ sẽ xuất hiện lũ lớn.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: Phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 rất rộng đến toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ, đề xuất Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương, trong đó có Hà Nội với cơ sở hạ tầng rất lớn về: đô thị, khu công nghiệp, chung cư, các hầm ngầm, hạ tầng viễn thông, năng lượng, cây xanh đô thị Hà Nội cần quán triệt tinh thần “không chủ quan, hành động khẩn trương, không hối tiếc”. 24 giờ tới chuẩn bị tốt nhất để ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại ở mức độ thấp nhất.
Ứng phó với bão số 3, từ 13 giờ chiều nay, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện cấm biển; dự kiến trong ngày mai (6/9) các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An sẽ cấm biển… Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương, thông tin về thiên tai đến người dân; tuyên truyền đến du khách trên các đảo di chuyển đến nơi an toàn, đặc biệt, thông tin tới các âu tàu bố trí điểm neo đậu cho các tàu trở về muộn, đảm bảo tất cả có nơi neo đậu an toàn. Đến chiều nay đã có 51 nghìn 319 tàu cá, với khoảng 220 nghìn người được hướng dẫn thông tin về diễn biến của bão của bão số 3.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình lưu ý: “Đối với đảo ven bờ, cố gắng vận động du khách trở về bờ càng nhiều càng tốt, bởi kinh nghiệm khi số khách lưu trú trên các đảo khi bão vào sóng to, gió lớn rất khó khăn về tuyến vận tải. Kiên quyết sơ tán người dân các khu vực nuôi trồng thủy sản ven bờ, khu neo đậu tàu, thuyền trong bờ, người dân trên các tàu phải lên trên bờ khi bão vào”.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất bảo đảm an toàn tính mạng người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Các bản tin, thông tin dự báo bão phải cụ thể, dễ hiểu, đơn giản để người dân chủ động phòng tránh; tăng cường các bản tin dự báo, thường xuyên trao đổi, làm việc với trung tâm dự báo các nước trong khu vực và quốc tế. Với vùng hoàn lưu bão số 3 ảnh hưởng rất rộng, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương phải chuẩn bị ứng phó với mưa lớn sau bão, tình trạng ngập lụt tại các đô thị, khu dân cư, nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi, có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp di dời người dân ở khu vực xung yếu, còn ở trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên các tàu thuyền neo đậu ven bờ, các khách du lịch hiện còn ở trên các đảo ven bờ.
Nhấn mạnh phương châm chủ động phòng ngừa, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ, ngành, các địa phương có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc sát sao công tác ứng phó bão, thực hiện nghiêm theo phương châm “4 tại chỗ”.
“Phương châm phải chủ động “phòng ngừa”. Phòng ngừa 10 lần nhưng có thể chỉ xảy ra 1 lần, nhưng 1 lần mà chúng ta không phòng ngừa, không có cách ứng phó mà chủ quan thì thiệt hại sẽ rất lớn. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện, Thủ tướng đã giao cho các cấp phải cùng hành động, qua hành động cấp trên vừa hỗ trợ nhưng cũng vừa kiểm tra cấp dưới; chính quyền các cấp cũng cần phải kiểm tra các cấp dưới của mình. Quán triệt tinh thần là cá nhân chịu trách nhiệm trong từng các cấp, khi tất cả cùng hành động thì mới tạo ra sức mạnh. Mong muốn nhân dân phối hợp cùng với các cấp chính quyền, hệ thống chính trị thực hiện tốt khâu phòng ngừa, chỉ có phòng ngừa thì mới tránh được tổn thất về con người cũng như tài sản” – ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các giải pháp ứng phó phải hoàn thành trước 18 giờ tối 6/9
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm chiều 5/9, thời gian ứng phó bão số 3 chỉ còn 24 tiếng trước khi bão vào đất liền nước ta, vì vậy các giải pháp phải được khẩn trương thực hiện, chuẩn bị tốt nhất các phương án ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.
Phóng viên đã phỏng vấn ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông, theo dự báo, chỉ còn 24 tiếng nữa bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta. Vậy trong khoảng thời gian này, đâu sẽ là những giải pháp trọng tâm mà các địa phương cần tập trung triển khai?
Ông Phạm Đức Luận: Năm 2005 cơn bão số 7, cơn bão Đăm-rây (Damrey) có đường đi khá giống với cơn bão số 3 khi đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa gây thiệt hại rất nặng nề cho hệ thống đê biển cũng như thiệt hại về người. Chúng ta chỉ còn 24 tiếng vì vậy phải tập trung kêu gọi tàu thuyền, di dời lồng bè, tuyệt đối, không để người dân ở lại trên tàu thuyền cũng như là lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Các khu vực nhà dân không đảm bảo an toàn, nhà bán kiên cố, ở khu vực thấp trũng, ven sông có khả năng khi bão đổ bộ sẽ gây ngập lụt phải di dời đến nơi an toàn.
Các kịch bản với từng cơn bão đổ bộ đã có, các địa phương cần rà soát và lên kế hoạch sơ tán dân, đảm bảo an toàn trước 18 giờ tối 6/9. Vì là cơn bão mạnh nên bán kính, vùng ảnh hưởng rất lớn nên tuyệt đối không chủ quan, đặc biệt là khi bão đổ bộ người dân không nên đi ra đường vì lúc này các tôn bay, các cây xanh, biển quảng cáo, cột điện gãy đổ có thể nguy hiểm đến tính mạng người lưu thông trên đường.
Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về những giải pháp ứng phó với bão số 3 mà các địa phương đã triển khai đến thời điểm này?
Ông Phạm Đức Luận: Qua nắm bắt tình hình thấy rằng các địa phương tích cực triển khai ứng phó bão số 3 như: cử các đoàn công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xuống tận các cơ sở để chỉ đạo ứng phó với bão như: kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh, cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa. Trong vòng 24 tiếng tới, nếu các địa phương nỗ lực hết sức sẽ hoàn thành được những công việc theo như chỉ đạo của Trung ương.
Trong ngày 6/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cử các đoàn kiểm tra xuống các địa phương mà vùng tâm bão đi qua như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Trong hôm nay 5/9, Bộ đã cử lãnh đạo các Cục, Vụ, viện như: Trồng trọt, Thủy sản, Thủy lợi xuống các địa phương cùng triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.